Đà tăng trưởng tốt
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên Chính phủ cho rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong tháng đầu của năm 2010, tình hình kinh tế-xã hội của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1 ước tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2009. Một số địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…
Trong sản xuất nông nghiệp, tính tới giữa tháng 1, cả nước đã gieo cấy được gần 1.900 nghìn ha lúa đông xuân, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với khu vực dịch vụ, du lịch, trong tháng 1, chuẩn bị bước vào dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại trên thị trường khá nhộn nhịp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2010 ước tăng 23,1% so với tháng 1/2009. Lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, ước đạt 416 nghìn lượt, tăng 10,6% so với tháng 12/2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về phát triển doanh nghiệp, tháng 1, cả nước ước có khoảng 5,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2009. Số vốn đăng ký mới ước đạt 21,5 nghìn tỷ đồng.
Kim ngạnh xuất khẩu có mức tăng khá, ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong tháng 1, cả nước đã tạo việc làm mới cho khoảng 136.000 người, trong đó xuất khẩu lao động đạt 6.000 người.
Nhiều điểm tựa thuận lợi
Các thành viên Chính phủ cũng đã dành thời gian phân tích về dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đây. Cùng với xu hướng phục hồi về tăng trưởng kinh tế, các hoạt động đầu tư tài chính cũng diễn ra sôi động hơn.
Đối với nền kinh tế Việt Nam , hoạt động thương mại trong thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi và cả những thách thức sau khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc và Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010.
Các tổ chức quốc tế đều đưa ra những nhận định lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đã củng cố niềm tin của giới đầu tư vào môi trường kinh tế Việt Nam .
Tuy nhiên, nhiều vị Bộ trưởng đóng góp ý kiến, trong bối cảnh phục hồi của nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định, dòng vốn FDI được dự báo phục hồi ở mức trung bình, Việt Nam cần tiếp tục có các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Giữ vững đà phục hồi tăng trưởng và tăng dần cấp độ
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tháng 1-2010 đà phục hồi tăng trưởng kinh tế là khá rõ; trong tháng 2 và thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng này theo cấp độ tăng dần; bên cạnh đó, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tăng cao và chăm lo an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp, có tốc độ phục hồi nhanh và mạnh nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh để có biện pháp phù hợp hạn chế nhập siêu và tăng dần xuất khẩu...
Trong nông nghiệp, tập trung chỉ đạo khắc phục khó khăn, đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất vụ Đông Xuân, khắc phục dịch bệnh trên cây trồng và gia súc.
Đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ, điều hành thận trọng, linh hoạt công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mức độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp với mục tiêu xác định, diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cũng cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất việc phân bổ và triển khai dự toán ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 đến các đơn vị, cơ sở. Tiếp tục thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 của Đề án 30 về việc rà soát các Thủ tục hành chính.
Kiên quyết không để dân thiếu đói trong dịp Tết
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, công tác thanh tra, kiểm tra, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chống đầu cơ, đẩy giá cả thị trường lên cao, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết; bảo đảm cung ứng đủ hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết.
Chỉ đạo chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức chức tốt các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh trong dịp Xuân mới.
Đặc biệt chú trọng tổ chức chăm lo Tết cho các gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo… Đảm bảo không để cho hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán.
“Địa phương nào để dân thiếu đói trong dịp Tết nguyên đán phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
(Theo Chinhphu.vn)