Nhằm nhanh chóng khắc phục sự cố môi trường do mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung, sau lũ, đoàn công tác của Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia của đại diện Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam và các chuyên gia đã đi khảo sát thực tế và chỉ đạo các hoạt động vệ sinh môi trường tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
|
Nhiều ngôi nhà bị "vây" bởi nước lũ, rác... |
Sau lũ, nhiều địa phương ngập trong sình lầy, rác, xác gia súc gia cầm chết trong giai đoạn phân hủy bốc mùi, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng thiếu nước sạch, thuốc và các phương tiện sinh hoạt chưa được khắc phục triệt để khiến đời sống người dân vô cùng khốn khó, dịch bệnh gia tăng và bùng phát tại nhiều nơi, chủ yếu là bệnh đau mắt đỏ, nước "ăn" chân, tiêu chảy, cảm sốt…
Tại Hà Tĩnh, theo báo cáo, toàn tỉnh có 30 trạm y tế, 20 chợ và 30.809 ngôi nhà bị ngập, khoảng 68.669 người thiếu nước sạch sinh hoạt. Một số địa phương xuất hiện dịch đau mắt đỏ. Tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tỉnh và Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã cấp 4.000 gói Oresol, 80.000 viên Aquatab, 105.000 viên kháng sinh Hazipo, 40.000 viên cloraminB và 210 kg cloraminB bột… để xử lý nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tin từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền hỗ trợ từ Quỹ (đợt 1) cho các tỉnh Miền Trung đã được Lãnh đạo Bộ TN&MT duyệt cụ thể như sau: Quảng Bình: 1.000 triệu đồng, Hà Tĩnh: 500 triệu đồng, Quảng Trị: 400 triệu đồng và Thừa Thiên Huế: 200 triệu đồng. |
Tại Quảng Bình, có 108.472 giếng nước của các hộ dân bị ngập chìm trong nước, trong đó huyện Lệ Thuỷ có 27.500 hộ, huyện Quảng Ninh có 16.500 hộ, thành phố Đồng Hới có 3.939 hộ, huyện Bố Trạch có 15.977 hộ, huyện Quảng Trạch có 32.000 hộ, huyện Tuyên Hóa có 8.977 hộ, huyện Minh Hóa có 3.579 hộ.
Các giếng nước sinh hoạt bị ngập ô nhiễm nặng, gây khó khăn cho các hộ dân trong quá trình sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân. Mặt khác, sau lũ lụt tình hình ô nhiễm do rác thải, cành cây, xác súc vật chết trôi dạt, bùn đất do mưa lũ diễn ra tại tất cả các vùng ngật lụt.
Hiện nay, rác thải, bùn đất, phù sa bồi lắng và xác súc vật chết đang trong quá trình phân hủy gây ô nhiễm nặng đối với môi trường cần phải xử lý sớm. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm. Đợt mưa lũ này xảy ra trong giao đoạn giao mùa giữa mùa hè và mùa thu nên dễ bùng phát dịch bệnh.
Cục Kiểm soát ô nhiễm đã công văn về việc hỗ trợ các tỉnh Miền Trung khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường sau mưa lũ. Theo đó, để phòng chống ô nhiểm môi trường và đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân trong và sau mưa lũ, Sở Tài nguyên và Môi trường(TN&MT) các tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố, các địa phương:
Đối với nguồn nước sinh hoạt: Hướng dẫn nhân dân sửa chữa các giếng nước, bể chứa nước và tiến hành để lắng lọc bằng thủ công nhằm giảm thiểu độ đục, sau đó dùng Cloramin B theo hướng dẫn của ngành Y tế để khử trùng nước sinh hoạt trước khi sử dụng.
Về công tác vệ sinh môi trường: Dọn dẹp cây xanh bị đổ ngã tại các nơi bị thiệt hại do lũ lụt, gió lớn gây ra, đặc biệt là các công trình công cộng như: như trạm xá, bệnh viện, trường học, trụ sở làm việc, đường làng, ngõ xóm và từng nhà dân. Làm vệ sinh, khơi thông cống rảnh thoát nước và thu gom các loại chất thải rắn để xử lý hợp vệ sinh.
Đối với xác gia súc, gia cầm chết: thu gom, chôn lấp cách xa các nguồn nước, giếng nước, nhà dân và dùng vôi bột để tẩy uế theo quy trình hướng dẫn của ngành thú y. Phối hợp với ngành Y tế phun thuốc khử trùng, diệt bọ gậy, các loại ruồi muỗi để phòng chống các loại dịch bệnh phát sinh sau mưa lũ.
Các huyện, thành phố ven biển tập trung dọn vệ sinh sạch các bãi tắm, cửa sông, bờ biển. Huy động lực lượng để tập trung khắc phục các sự cố môi trường, sạt lỡ đất, sạt lở đường sá, chống cát chảy gây lấp ruộng đất canh tác…
Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Chỉ đạo phòng TN&MT phối hợp với phòng y tế, Trung tâm y tế dự phòng tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn sau lũ lụt nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Hướng dẫn cho nhân dân thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Lam Hạnh