Dịch COVID-19 sáng 18/3: Philippines sẽ tạm cấm người nước ngoài và một số công dân nhập cảnh, WHO nói nên tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 01 giờ ngày 18/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 121.540.288 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.686.418 ca tử vong, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 97.982.593 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Anh đang xem xét ý tưởng "hộ chiếu vaccine" cũng như theo dõi diễn biến dịch bệnh trước khi đưa ra chính sách mới về du lịch trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên tại một số khu vực của châu Âu có nguy cơ khiến kế hoạch của nước này về mở lại các tuyến du lịch quốc tế từ giữa tháng 5 sẽ bị chậm lại. 

Philippines sẽ tạm cấm người nước ngoài và một số công dân nhập cảnh

Philippines sẽ tạm cấm người nước ngoài và một số công dân nhập cảnh trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á đang “căng mình” đối phó với số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh. 

Theo lệnh cấm, những người Philippines không làm việc ở nước ngoài trở về nước và các công dân nước ngoài sẽ không thể nhập cảnh nước này từ ngày 20/3 – 19/4 tới. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với các nhà ngoại giao, quan chức chính phủ nước ngoài và lao động Philippines trở về từ nước ngoài.

WHO nói nên tiếp tục dùng vaccine AstraZeneca

Ủy ban thuộc WHO đánh giá lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn nguy cơ và khuyến cáo nên tiếp tục sử dụng.

Ủy ban Cố vấn Toàn cầu về An toàn vaccine của WHO đang đánh giá cẩn thận các dữ liệu an toàn mới nhất hiện có của vaccine AstraZeneca. "Sau khi quá trình đánh giá hoàn tất, WHO sẽ thông báo ngay cho công chúng về kết quả nghiên cứu", tổ chức hôm nay ra tuyên bố, một ngày sau khi các chuyên gia của họ họp kín.

"Hiện tại, WHO cho rằng lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn nguy cơ và khuyến cáo nên tiếp tục tiêm chủng", WHO nhấn mạnh.

Kate O'Brien, Giám đốc Bộ phận Tiêm chủng, Vaccine và Sinh phẩm của WHO, nói rằng hội đồng an toàn vaccine đang đánh giá xem liệu các tác dụng phụ như đông máu có thực sự liên quan đến tiêm chủng hay không.

"Nó là vaccine hiệu quả cao, là vaccine cứu mạng, là vaccine an toàn và chúng ta nên tiếp tục triển khai chúng", O'Brien nói.

WHO đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine AstraZeneca vào tháng trước, đây là loại vaccine mà các nước đang phát triển dễ tiếp cận.

Hơn một chục quốc gia châu Âu đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca trong tuần này do lo ngại về an toàn. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho biết họ đang điều tra 30 trường hợp bị rối loạn máu bất thường trong số 5 triệu người đã tiêm vaccine AstraZeneca. Tổng cộng, châu Âu đã tiêm 45 triệu liều vaccine Covid-19.