Dịch COVID-19 sáng 23/3: Vaccine AstraZeneca đạt hiệu quả 79% trong thử nghiệm tại Mỹ, EU để ngỏ triển khai vaccine Sputnik V

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 23/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 124.049.995 ca nhiễmvirus SARS-CoV-2, trong đó có 2.730.193 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 99.962.776 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vaccine AstraZeneca đạt hiệu quả 79% trong thử nghiệm tại Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/3, AstraZeneca thông báo vaccine của công ty này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID-19 trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn.

AstraZeneca cho biết vaccine, được phát triển với sự phối hợp của Đại học Oxford, cũng được chứng minh là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng lên và bệnh nhân phải nhập viện. AstraZeneca dự kiến sẽ trình kết quả này lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Trước đó, AstraZeneca đã tiêm vaccine cho 32.449 tình nguyện viên, trong đó có 141 trường hợp có triệu chứng COVID-19. Tất cả những người này đều được tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần hoặc nhiều hơn 4 tuần và đều chứng minh là tăng tỷ lệ hiệu quả.

Các vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna yêu cầu hai liều, trong khi vaccine Johnson & Johnson yêu cầu một liều. Theo AstraZeneca, hiệu quả của vaccine tương đối đồng nhất giữa độ tuổi và chủng tộc. Vaccine của AstraZeneca cũng có thể được bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường từ 36-46 độ F (tương đương từ 2-8 độ C).

Thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ có kết quả chậm hơn các khu vực khác do từng bị tạm dừng trong 7 tuần hồi mùa Thu năm ngoái. Các nhà khoa học nghi ngờ vaccine gây tác dụng phụ nghiêm trọng về thần kinh ở các tình nguyện viên, nhưng giới chuyên gia đã chứng minh điều này là không đúng.

Bộ trưởng Lao động Pháp nhập viện do dương tính với virus SARS-CoV-2

Bộ trưởng Lao động Pháp Elisabeth Borne đã phải nhập viện do mắc COVID-19, một tuần sau khi bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo thông báo của Bộ Lao động, bà Borne, 59 tuổi, đang được chăm sóc tại bệnh viện ở vùng Paris và tình trạng bệnh đang được cải thiện. Trước đó, ngày 14/3, Bộ trưởng Borne đã viết trên trang Twiters rằng bà đã nhiễm bệnh và mặc dù xuất hiện một số triệu chứng mệt, nhưng bà vẫn thấy ổn định và sẽ tiếp tục công việc trong khi vẫn tuân thủ các quy định về cách ly.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot cũng thông báo bà cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có triệu chứng về đường hô hấp. Theo tờ Liberation, bà đã đi xem một buổi biểu diễn Opera ở Paris và gặp trực tiếp một số nghệ sĩ ở cánh gà.

Tháng 12/2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từng mắc COVID-19. Tháng 9/2020, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cũng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang diễn ra trên toàn vương quốc. Phát biểu với báo giới về nguy cơ đe dọa chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Anh trước những cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU), cấm xuất khẩu vaccine sang Anh, ông Johnson cho rằng điều đó sẽ không xảy ra. Ông khẳng định Anh sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, khẳng định kế hoạch nới lỏng các biện pháp chống dịch là phù hợp với lộ trình đã đặt ra.

EU để ngỏ triển khai vaccine Sputnik V

 Tổng thống Nga và lãnh đạo EU bàn khả năng triển khai vaccine Sputnik V để đối phó làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thảo luận khả năng sử dụng vaccine Sputnik V trên lãnh thổ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc điện đàm hôm nay, Điện Kremlin ra thông cáo cho biết.

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng khôi phục hợp tác với EU, nhưng cho rằng quan hệ song phương đang trong tình trạng "không vừa ý" do những chính sách đối đầu và thiếu tính xây dựng của khối.

Điện Kremlin không cho biết liệu lãnh đạo Nga và EU có đạt được thỏa thuận về chuyển giao vaccine Sputnik V hay không.

Tạp chí y khoa nổi tiếng Lancet hồi đầu tháng trước công bố kết quả phân tích cho thấy vaccine Sputnik V đạt hiệu quả tới 91,6%. Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Sputnik V đã được cấp phép tại 46 quốc gia, trong khi Moskva tuyên bố sẽ sẵn sàng cung cấp 50 triệu liều vaccine cho châu Âu từ tháng 6.

Các nước thành viên EU ngày càng đối mặt với nhiều áp lực khi hàng loạt nhà sản xuất vaccine Covid-19, trong đó có AstraZeneca, cho biết họ không thể đáp ứng kế hoạch chuyển giao vaccine như đã thỏa thuận. Sputnik V chưa được phê duyệt sử dụng tại EU, nhưng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu quá trình đánh giá từ đầu tháng 3.

Một số thành viên EU dường như không còn đủ kiên nhẫn với tốc độ triển khai vaccine chậm chạp của liên minh. Hungary tháng trước trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng Sputnik V. Slovakia cũng tuyên bố đạt thỏa thuận mua 2 triệu liều Sputnik V.

Bất chấp những tranh luận gay gắt, các nước châu Âu dường như ngày càng quan tâm đến Sputnik V. Chính phủ Pháp, một trong những thành viên trụ cột của EU, đã trao đổi thường xuyên với phía Nga về Sputnik V dù chưa có địa điểm sản xuất đáp ứng những yêu cầu cần thiết.