Dịch Covid-19 sáng 5/2: Malaysia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng vào năm sau, Campuchia phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 5/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 105.131.947 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 2.284.264 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 76.854.112 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vùng Catalonia của Tây Ban Nha dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế 

Chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế do số ca nhiễm và nhập viện tại vùng này bắt đầu thuyên giảm. Theo đó, bắt đầu từ ngày 9/2 và kéo dài trong giai đoạn đầu là 14 ngày, các quán bar và nhà hàng sẽ có thể phục vụ khách hàng bữa sáng và bữa trưa trong hơn một giờ đồng hồ trong khi thời gian còn lại trong ngày, các cửa hàng này sẽ vẫn phải yêu cầu khách hàng mang đồ ăn về.

Lệnh phong tỏa cấm người dân rời khỏi vùng này, trừ lý do làm việc hay liên quan tới sức khỏe, sẽ được nới lỏng. Trong khi đó, các phòng tập thể dục đã bị đóng cửa trong 1 tháng qua, sẽ được phép mở cửa với công suất hoạt động là 30%... Trong khi đó, nhiều biện pháp hạn chế khác được áp đặt từ hồi đầu tháng 1 tại Catalonia sẽ vẫn có hiệu lực do vùng này chịu tác động của dịch bệnh lớn thứ hai tại Tây Ban Nha.

Cụ thể, nhiều cửa hàng lớn và trung tâm mua sắm sẽ vẫn đóng cửa trong khi phần lớn các cửa hàng nhỏ bán đồ không thiết yếu chỉ được phép mở cửa từ ngày thứ Hai đến thứ Sáu. Lệnh giới nghiêm từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau vẫn có hiệu lực. Số ca nhiễm trung bình trên 100.000 người ở vùng Catalonia đã giảm xuống 494 ca vào ngày 3/2, giảm so với 589 ca của một tuần trước và kỷ lục 620 ca hồi giữa tháng 1/2021.

Malaysia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm chủng vào năm sau

Ngày 4/2, Chính phủ Malaysia thông báo sẽ hoàn tất chương trình tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 2/2022, với 80% trong tổng dân số 32 triệu người được tiêm phòng.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu từ tháng 2-4/2021, Malaysia sẽ tiêm phòng cho 500.000 nhân viên làm việc ở tuyến đầu, tiếp đó khoảng 9,4 triệu người có nguy cơ cao sẽ được tiêm phòng từ tháng 4-8/2021. Trong giai đoạn 3 và giai đoạn cuối cùng kéo dài đến tháng 2/2022, sẽ có hơn 16 triệu người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng.

Trước đó, Chính phủ Malaysia cho biết lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 26/2 tới. Malaysia đã ký 2 thỏa thuận với hãng dược phẩm Pfizer để mua 25 triệu liều vaccine, ngoài các thỏa thuận mua 18,4 triệu liều các loại vaccine khác do Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga và công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.

Campuchia phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc

Ngày 4/2, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này đã chính thức phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc).

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng ngày cho biết lô vaccine đầu tiên của Sinopharm do Trung Quốc viện trợ sẽ đến Campuchia vào ngày 7/2 tới. Theo nhà lãnh đạo Campuchia, vaccine này sẽ được tiêm miễn phí cho những người có nguy cơ cao bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như nhân viên y tế, giáo viên, vệ sĩ, thành viên lực lượng vũ trang, tài xế xe tuk-tuk và taxi, người thu gom rác và một số đối tượng người khác.