Dịch Covid-19 sáng ngày 16/1: Pfizer tạm thời giảm cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 tới châu Âu

(PLVN) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 00h ngày 16/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 93.728.696 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 2.006.441 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 66.991.814 người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 15/1 thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 144 ca nhiễm mới, tăng 6 trường hợp so với một ngày trước đó.

Theo BBC, đây là mức tăng cao nhất kể từ thời điểm 1/3/2020, khi đại lục ghi nhận 202 ca mắc trong một ngày.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, trong số các ca bệnh mới ghi nhận có 135 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng với 90 ca ở tỉnh Hà Bắc, lân cận thủ đô Bắc Kinh. Thêm 43 trường hợp khác dương tính với virus corona chủng mới được phát hiện ở tỉnh Hắc Long Giang.

Hàng triệu người dân ở cả 2 tỉnh trên đang bị phong tỏa vì đợt bùng phát Covid-19 mới.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Hà Bắc, 3 thành phố Thạch Gia Trang, Hình Đài và Lang Phường với tổng cộng hơn 22 triệu dân đã bị áp phong tỏa từ ngày 12/1. Người dân và xe cộ ở các thành phố này không được phép đi ra ngoài nếu không cần thiết.

Philippines gia hạn thêm hai tuần lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách

Ngày 15/1, Philippines đã gia hạn thêm hai tuần lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, những nơi đã phát hiện các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Lệnh cấm này ban đầu đã được áp đặt trong hai tuần, cho đến ngày 15/1 đối với 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện sẽ mở rộng đối với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ và có hiệu lực cho đến ngày 31/1.

Pfizer tạm thời giảm cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 tới châu Âu

Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và Viện Y tế công cộng (FHI) của Na Uy ngày 15/1 thông báo Pfizer sẽ tạm thời giảm cung cấp vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho châu Âu, trong khi tăng năng lực sản xuất.

Trong một tuyên bố, FHI cho biết đã nhận được thông tin trên của Pfizer. Theo kế hoạch, Na Uy có thể nhận 43.875 liều vắc-xin, do hãng Pfizer phối hợp với BioNTech của Đức sản xuất. Tuy nhiên, với thông báo trên, Na Uy sẽ chỉ nhận được 36.075 liều.

FHI cho biết việc giảm lượng vắc-xin giao hàng là do Pfizer hạn chế sản lượng để có thể tăng năng lực sản xuất từ mức 1,3 tỷ liều hiện nay lên 2 tỷ liều mỗi năm. Hiện chưa rõ sẽ mất bao lâu Pfizer có thể đưa năng lực sản xuất lên mức tối đa, nhưng việc giảm lượng giao hàng tạm thời này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nước châu Âu.

Pfizer cho biết đã phải sửa đổi quy trình và cơ sở. Điều này cũng sẽ kéo theo việc phải phê duyệt bổ sung. Hãng nêu rõ mặc dù điều này sẽ ảnh hưởng tạm thời đến việc phân phối vắc-xin trong khoảng từ cuối tháng Một đến đầu tháng 2, nhưng nó sẽ giúp tăng đáng kể số liều vắc-xin sản xuất ra vào cuối tháng 2 và tháng 3.

Na Uy không thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đang được tiếp cận với vắc-xin của liên minh nhờ Thụy Điển - một thành viên EU sẽ mua nhiều hơn nhu cầu và bán lại.

FHI khẳng định việc Pfizer giao hàng chậm sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân Na Uy bởi nước này đã tiến hành dự trữ vắcxin.

Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết đã nhận được lượng vắc-xin thấp hơn mong đợi, đồng thời than phiền việc không chắc chắn trong vấn đề giao hàng.