Nâng cao chất lượng dịch vụ công được xác định là một trong số các trọng tâm cần được thực hiện trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 và cũng là nội dung chính của Diễn đàn quan hệ đối tác CCHC do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức sáng qua (8/12) tại Hà Nội.
Giảm thiểu chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, CCHC hướng tới nâng cao lợi ích cho người dân, doanh nghiệp là mục tiêu của tất cả các nền hành chính. Để đạt được điều đó, Nhà nước ngày càng phải phục vụ tốt hơn và phải không ngừng đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện, cung ứng dịch vụ công để nâng cao chất lượng các dịch vụ công cung cấp cho người dân và xã hội, nhất là trên lĩnh vực y tế, giáo dục với nhìn nhận dịch vụ y tế, giáo dục công lập là những vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến nguồn nhân lực cho phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân và an sinh xã hội.
Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 được ban hành nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ thủ tục hành chính.
|
Dịch vụ tốt hơn có nghĩa là Chính phủ tốt hơn... |
Xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ TƯ tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và của các cơ quan hành chính nhà nước. Bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước…
Với những mục tiêu này, Chương trình được chia thành 2 giai đoạn (2011-2015 và 2016-2020) nhằm vào 6 lĩnh vực là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hoá hành chính.
Chất lượng dịch vụ công là nền tảng của xã hội thịnh vượng
Đánh giá cao về việc ban hành Nghị quyết 30c/NQ-CP về phê duyệt Chương trình Tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho rằng, đó là khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục quá trình cải tổ hệ thống hành chính hướng tới một hệ thống hành chính hiện đại và hiệu quả hơn. Và theo bà Setsuko, “CCHC, cung ứng dịch vụ công và phát triển con người có mối liên hệ mật thiết. Chất lượng dịch vụ công tốt tạo ra cơ hội và phát triển năng lực con người, đóng vai trò thiết yếu vào những tiến bộ phát triển con người hơn nữa. Phổ cập tiếp cận dịch vụ công và bảo hộ xã hội có chất lượng và có khả năng chi trả là nền tảng của một xã hội thịnh vượng và ổn định”.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tăng cường trách nhiệm của cán bộ và công chức giúp cải thiện chất lượng dịch vụ của hệ thống hành chính của một quốc gia. “Dịch vụ tốt hơn cũng có nghĩa là Chính phủ tốt hơn nên phải tập trung tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua tăng nguồn thu, tiết kiệm lớn hơn và khuyến khích mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan cung ứng dịch vụ công” - bà Setsuko Yamazaki nhấn mạnh.
Theo cố vấn chính sách về CCHC và chống tham nhũng (UNDP Việt Nam) Jairo Acuna – Alfaro, cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, cơ chế tự chủ và chính sách khuyến khích tự chủ về tài chính. Tăng cường tự chủ về quản lý và tài chính bằng việc đẩy mạnh phân công, phân cấp hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước để cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua tăng thu và tiết kiệm ngân sách, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc trong các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Đồng thời, phân bổ nguồn lực và phân công trách nhiệm cho các địa phương, các cơ quan hành chính và dân cư.
Điểm mới so với giai đoạn trước là Chương trình xác định 3 trọng tâm cải cách là thể chế, con người và chất lượng dịch vụ công để đến năm 2015, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt mức trên 60%. Bên cạnh đó, sẽ có 50% cơ quan hành chính có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm và trên 80% công chức cấp xã ở đồng bằng, đô thị và trên 60% ở vùng miền núi, dân tộc đạt chuẩn. Ưu tiên nguồn lực cho điều chỉnh mức lương tối thiểu và phấn đấu chỉ tiêu giảm chi phí cho thủ tục hành chính cho từng năm. |
Huy Anh