Sau 3 tháng hè chủ yếu là… xem World Cup và ngắm giò cẳng của các mục tiêu chuyển nhượng, các CLB Premier League sẽ trở lại cho một hành trình mới. Ấp ủ tham vọng vô địch nhưng nhóm Big Four đã chủ động nhường lại sân khấu chính cho "sức mua" đáng sợ của "thiếu gia" Man City.
Đại gia “ngủ đông” giữa mùa hè
Năm ngoái, nhóm Big Four chi tiêu khá dè sẻn phần nào do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Bạo tay nhất là Liverpool với 38 triệu bảng chủ yếu từ hai vụ lớn của Glen Johnson và Alberto Aquilani.
Năm nay, nhóm Big Four truyền thống (tức 4 CLB giàu thành tích nhất nước Anh, không nói nhóm dự Champions League) cũng tỏ ra “e ấp” trên thị trường không khác gì năm ngoái. Cho đến thời điểm này, tổng chi phí cùa nhóm Tứ đại gia cho mua sắm chỉ là 63 triệu bảng. Các bản hợp đồng mới của họ chủ yếu đều là những lựa chọn của tương lai, như Ramires (Chelsea), Laurent Koscielny (Arsenal), Jonjo Shelvey (Liverpool) hay Chris Smalling và Javier Hernandez (cùng của MU).
Big Four ưu tiên đầu tư cho tương lai, như Javier Hernandez chẳng hạn. |
Phần còn lại của mùa hè, Big Four dành để giữ chân các trụ cột và xốc lại tinh thần của những ngôi sao thất bại trên đất Nam Phi vừa qua. Arsenal “siết chặt” Cesc Fabregas như mẹ ôm con, Chelsea một mực phủ nhận những tin đồn liên quan đến Ashley Cole và Drogba, Liverpool “kiên cường” hơn cả khi bảo vệ thành công hai trụ cột vô giá của CLB là Fernando Torres và thủ quân Gerrard. MU thì không sợ mất quân nhưng sợ mất tinh thần nên đã để Rooney cùng Evra ở nhà tĩnh dưỡng, không tham gia tour du đấu.
Nói thế cũng chẳng phải là vì họ không có tiền, trừ Liverpool đang tính đẩy Mascherano đi để bổ sung vào két sắt. Roman Abramovich thậm chí còn ném 100 triệu bảng cho Carlo Ancelotti muốn làm gì có lợi cho CLB thì làm. Có lẽ vấn đề ở đây là vì, không một ai muốn xáo trộn bộ khung sẵn có bằng những thay đổi hàng loạt và có thể dẫn đến thừa mứa. Chelsea nói muốn đưa Torres về Stamford Bridge, nhưng liệu có cần không khi Drogba vẫn còn ở đó và chưa cho thấy dấu hiệu sa sút? Arsenal nhất định không để Fabregas ra đi vì anh là quả tim trong cơ thể của The Gunners. Dù phải nửa tháng nữa mới khép cửa phiên chợ mùa hè, nhưng nhìn chung nhóm Big Four đã “đóng hòm” ngay từ lúc này và sẽ chỉ thâu nạp thêm những bản hợp đồng cỡ vừa.
Chelsea vô địch mùa giải 2009/10. |
Hệ quả của World Cup cũng ít nhiều tác động đến các CLB. Sir Alex Ferguson thừa nhận cơ hội vô địch của MU là không cao khi nhiều người vừa phải trải qua một chuyến đi thất bại ở Nam Phi. Trong khi đó, Carlo Ancelotti lại cười hớn hở khi cho rằng chính việc phải rời cuộc chơi sớm của các ngôi sao sẽ giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị thể lực cho mùa bóng mới. Hai ý kiến trái chiều nhưng tour du đấu giao hữu của hai đội đều nhìn chung không mấy ấn tượng do hệ quả đó. MU để thua 2 trận giao hữu trên đất Mỹ và chỉ có đúng một trận là không bị thủng lưới, trong khi Chelsea còn kém hơn khi thua liểng xiểng liền một mạch 3 trận chỉ trong 1 tuần.
Galacticos phiên bản 3.0
Xin nói thêm là phiên bản này không phải được thiết kế bởi tay đấu thầu xây dựng Florentino Perez hay là “bản mở rộng” do ai đó thêm thắt vào từ hai bản cũ. Đó là một “dải thiên hà” hoàn toàn mới được kết tinh từ… trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của Sheik Mansour.
Sau ngót nghét 3 năm, Man City đã thực sự có được một đội hình đắt giá theo đúng nghĩa đen. Roberto Mancini đã có thể rải đều “sao” lên khắp sa bàn chiến thuật. Thậm chí, đa phần những cầu thủ của họ đều là những tuyển thủ quốc tế hoặc đã từng được thực hiện nghĩa vụ quốc gia (Xem ảnh dưới).
Hai đội quân triệu phú của Roberto Mancini: Tất cả đều là tuyển thủ quốc gia. |
Sự tự tin ở Eastlands lúc này đang lên rất cao, rằng cuối cùng thì Man City sẽ trở lại đỉnh cao của nền bóng đá đảo quốc sương mù sau 42 năm và vượt mặt gã hàng xóm đáng ghét MU.
Nhưng đó chỉ là sự lạc quan tếu của các CĐV. Phần còn lại đều có chung quan điểm: giỏi lắm thì The Citizens cũng chỉ kiếm được một suất trong nhóm đi châu Âu. Các nhà chuyên môn cho rằng, mặc dù tiềm lực tài chính không phải bàn cãi, nhưng Man City vẫn phải cần thời gian để trở thành một sức mạnh được vị nể ở Premier League.
Thứ nhất, Mancini đang tự biến thành nô lệ của shopping khi đã và đang mua vào hàng loạt và mua toàn “hàng hiệu” (nếu tính theo giá). Việc mua vào như vậy trong khi đã có nhiều cầu thủ cao cấp (và cả người thừa chưa được đẩy đi) khiến Mancini sẽ phải giải quyết bài toán về sự ổn định. Việc một loạt tân binh xuất hiện sẽ phá vỡ hệ thống chiến thuật quen thuộc cũng như sự gắn kết giữa các cầu thủ trong đội. Ngoài ra, khi một vị trí mà có tới 2 lựa chọn trở lên, Mancini sẽ phải quyết định giữa luân phiên sử dụng hoặc “bó đũa chọn cột cờ”.
Không rõ ai trong số này là nhạc trưởng của Man City? |
Thứ hai, The Citizens không có lấy một sản phẩm nào từ lò đào tạo trẻ xuất hiện trong đội 1. Tất cả đều là những người chưa gắn bó lâu dài với CLB (lâu nhất là Shay Given, 18 tháng). Ở Barcelona, các cầu thủ trẻ được huấn luyện từ nhỏ để làm quen với sơ đồ 4-3-3 của đội A nên họ không cảm thấy bỡ ngỡ nhiều khi được thử sức, nhờ đó mà có được những Xavi, Iniesta đóng vai trò hạt nhân của đội bóng. Còn ở City of Manchester, không một ai trong số lứa mầm non ở Ewen Fields được cất nhắc lên thành phần chính thức, và cũng vì thế mà Man City bước vào mùa giải mới mà không biết ai sẽ đóng vai trò nhạc trưởng.
Tóm lại, Man City đã là một “dải ngân hà” thứ thiệt, nhưng để rực rỡ như 2 phiên bản đầu tiên, họ phải cần thời gian để tích lũy bản thân, hoặc là trông chờ Big Four cũng như các đối thủ Tottenham, Everton nhanh chóng suy yếu.
Tái chiếm châu Âu
CLB thành công nhất của Anh ở cấp độ châu lục mùa giải 2009/10 là… Fulham, đội đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng cuối mùa nhưng lại lọt đến tận chung kết Europa League.
Quả thực việc để “mất máu” của Big Four thời gian này năm ngoái đã khiến sức mạnh của họ suy giảm rõ rệt (tiêu biểu là C.Ronaldo của MU và Xabi Alonso của Liverpool). Nhưng có lẽ, cái duyên ở châu Âu của Big Four mùa vừa rồi đã hết, chứ không phải vì họ suy giảm lực lượng. Real và Barca, những con “ma cà rồng” của hè 2009 cũng không thể đi đến trận chung kết Champions League (Barca bị Inter hạ gục ở bán kết, Real “chết trận” ngay vòng 1/8 trước Lyon), thay vào đó là Inter Milan và Bayern Munich.
Hình ảnh này đã có từ cách đây 2 năm rồi. |
Điều đáng nói là, hy vọng của bóng đá xứ sương mù ở châu Âu lần này là khá lớn, khi tất cả những tên tuổi có thực lực đều góp mặt ở cả hai giải đấu. Chelsea, MU và Arsenal không còn xa lạ, “lính mới tò te” Tottenham cũng tỏ ra tự tin khi được Harry Redknapp dẫn dắt. Ở Europa League, Liverpool được “chuyển hộ khẩu” xuống giải đấu ít “chất béo” trong hệ thống của UEFA, cùng với “thiếu gia” Man City và Everton được kỳ vọng sẽ dễ dàng quét sạch mọi chướng ngại vật để đưa chiếc cúp này về đất Anh sau gần 10 năm (Liverpool vô địch gần nhất năm 2001).
Trong bối cảnh Serie A đã lụi bại, Bundesliga vẫn đang trong giai đoạn gây dựng tên tuổi, đối thủ của Premiership hẳn phải là La Liga, hay chính xác hơn là Real và Barca, những đội rầm rộ nhất (và thắng thế nhất trên thị trường).
Luật 25
Sự xuất hiện của luật mới về số lượng cầu thủ tối đa trong một đội bóng (25 người) và số cầu thủ bản địa (8 người) phần nào ảnh hưởng lớn đến sự chuẩn bị của CLB Premier League, nhất là khi 60% số cầu thủ đang kiếm cơm tại hạng đấu cao nhất xứ sở sương mù là người ngoại quốc.
Thảm họa ở Nam Phi của tuyển Anh đã thúc đẩy sự ra đời của luật 25. |
Những đội chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ luật này là Arsenal, Chelsea, Liverpool và Man City. 3 đội thuộc nhóm Big Four không đạt yêu cầu về số cầu thủ bản địa trong đội hình chính nên không được sử dụng tối đa 25 cầu thủ, trong khi Man City lại thừ tới 9 người trong biên chế. Điều này cũng tác động lên hoạt động chuyển nhượng của 4 đội, nhất là Man City đang phải tìm cách bán tống bán tháo cho xong trước khi đóng cửa mua sắm. Xuất hiện cũng do hiệu ứng từ World Cup, luật 25 có thể là cách để một số tài năng triển vọng của Anh được sử dụng thường xuyên hơn, cung cấp những nhân tố xuất sắc cho Fabio Capello, người vừa phải gọi 2 thủ môn mới toanh lên bắt ở đội tuyển.
VTC News