Vụ bê bối đạo diễn thu tiền của diễn viên để giao vai, phản ánh một thực tế: dường như đang có rất nhiều "hợp đồng cho đi đổi lại" trong làng điện ảnh Việt Nam, cơ hội để nhiều người lợi dụng, kiếm chác theo nhiều nghĩa. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với hai đạo diễn: Lê Hoàng - người đã làm phim từ thời còn bao cấp và nay cũng "kịp" tham gia làm phim truyền hình xã hội hóa - và Hùng Phương - đạo diễn trẻ phim truyền hình và cũng là diễn viên khi mới tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh - về tình trạng đổi tiền/tình lấy vai diễn, một hiện tượng không mới nhưng đang có xu hướng bùng phát trở lại thời gian gần đây.Đạo diễn Lê Hoàng: Còn phim “chùa” thì còn diễn viên “chùa”!
Đạo diễn Lê Hoàng |
- Anh đã làm phim từ thời bao cấp đến khi mọi thứ gắn với hai chữ “thị trường” và mới đây là phim truyền hình, xin anh cho biết cảm nhận về sự khác biệt giữa cách giao - nhận, xin - cho vai giữa đạo diễn và diễn viên qua các thời kì? - Đặc điểm của phim Việt Nam kéo dài từ thời bao cấp đến thời thị trường là chọn diễn viên theo mô-típ ngoại hình có sẵn. Ví dụ: Sinh viên nghèo – Lê Công Tuấn Anh; công tử, đểu giả - Lê Tuấn Anh; bộ đội - Trần Lực; gái quê - Việt Trinh; gái ngoan - Diễm Hương; bà già đau khổ - Kim Xuân; phụ nữ tranh đấu - Trà Giang; bộ đội xuất ngũ - Trần Phương; chính ủy - Mạnh Linh. Thời nào thì cũng có xin vai, nhắn gửi vai, khác là ở cách trả và cách nhận.- Là một đạo diễn lâu năm, lại có tiếng và có nhiều phim, anh đã từng nhận được lời đề nghị đổi tiền/tình lấy vai chưa? - Tôi chưa nhận được, chắc vì hai lí do: 1. Tôi quá xấu trai, chả ai dám đổi tình. 2. Tôi quá tham lam, nếu đổi tiền chắc sẽ tốn nhiều. Tôi vẫn còn đang hi vọng…- Vậy anh đánh giá thế nào về chuyện này? - Chừng nào phim gì do ai diễn thế nào cũng vẫn được phát hành thì chừng đó còn gian manh trong chọn lựa. Nếu phim làm bằng tiền túi của của “nó” xem, “nó” sẽ cẩn thận ngay. Bao giờ còn phim “chùa” sẽ còn diễn viên “chùa”!Đạo diễn Hùng Phương: Tôi thường nhận được những “cuộc gọi lúc nửa đêm” - Anh nhận xét thế nào về diễn viên thời nay? - Tôi thường tuyển diễn viên từ nhiều nguồn nhưng vẫn ưu tiên cho những người học trong trường Sân khấu – Điện ảnh. Điều tôi muốn ở diễn viên là cảm xúc chân thực nhưng những người trong trường lại thiếu điều này, họ thích “diễn”, vì thế tôi cũng tuyển diễn viên từ giới người mẫu, ca sĩ. Qua vài phim cộng tác với người mẫu, ca sĩ, tôi thấy rằng độ cọ xát với thực tế cuộc sống của họ cao hơn hẳn các diễn viên học trường lớp ra. Chẳng hạn trường hợp Lê Quý Bình – diễn viên trong phim Chuyện tình công ty quảng cáo – tôi đã phải thử vai 5 lần mới quyết định giao vai cho cậu ấy và phải sửa cả kịch bản, nhưng kết quả thì tốt. Trước đây, khi mới ra trường, tôi cũng từng làm diễn viên. Thời đó phim ít, một vai có khi chỉ được từ 5 đến 10 phân đoạn nhưng tất cả các diễn viên đều rất trân trọng và đầu tư nhiều thời gian, công sức diễn cho đạt những phân đoạn ít ỏi đó. Đạo diễn Lê Cung Bắc khi làm Người đẹp Tây Đô tuyển tôi cho một vai nhỏ mà tôi cũng phải thử vai tới 3 lần. Còn bây giờ, diễn viên thích nổi tiếng để làm những việc khác nữa nhưng họ lại quên đi trách nhiệm và phận sự của mình với công việc diễn xuất. Họ mê nổi tiếng nhưng khi nhận được vai, họ không nghĩ đến việc phải đào sâu cho vai diễn mà lại tính chuyện làm sao để nhận một lúc 3 vai rồi cứ đi lướt lướt qua cả 3 đoàn phim. Tôi không đả kích việc nhận 1 hay 3 vai nhưng khi nhận họ phải làm được hết, làm tốt, tuy nhiên tôi không hưởng ứng việc đó. Có người nhận nhiều phim rồi làm cho tất cả các đoàn phim có họ bể hết lịch quay. Giờ với diễn viên, tiền không hẳn là vấn đề mà vấn đề là họ được xuất hiện trên nhiều phim.
Đạo diễn Hùng Phương |
- Tiêu chí của anh khi tuyển diễn viên là gì? - Ngoại hình và diễn xuất, đương nhiên. Nhưng tôi cũng hỏi ngay là họ hiện đang có show gì, có thể thu xếp thời gian để không làm ảnh hưởng đến lịch quay hay không. Nếu ai đang có 3 phim là tôi chào luôn.- Có khi nào anh phải khó xử với chuyện diễn viên đến xin vai hay đề nghị đổi thứ gì đó cho vai diễn mà họ muốn? Anh đối xử thế nào với những diễn viên đó? - Tôi vẫn thường nhận được những “cuộc gọi lúc nửa đêm” để xin vai. Còn có trường hợp diễn viên trung niên nổi tiếng gọi cho tôi để gửi gắm những người mới vào nghề. Hồi quay phim Đâu phải chia ly ở Đà Lạt, nửa đêm tôi nhận được điện thoại đề nghị cho một vai thứ hoặc một vai nhỏ nhưng phải cá tính với “giá” 25-30 triệu đồng. Tôi trả lời cô đó rằng “em nhầm đạo diễn rồi”, nhưng cô ấy rất bình thản, hồn nhiên nói rằng “khi nào anh thấy cần thì cứ gọi cho em”. Một lần khác, cũng là khi đang quay phim này, tôi được hai cô có tiếng trên truyền hình ở lĩnh vực khác, không phải diễn viên, ngỏ ý đổi tình lấy vai diễn, cũng là một cuộc hẹn lúc nửa đêm. Hai cô này còn tỏ ra biết rất rõ về kịch bản phim và muốn tôi sửa kịch bản để họ có thể xuất hiện.- Theo anh thì những thông tin đó “rò rỉ” từ đâu? - Không phải từ thành phần chính, có thể từ những khâu phụ. Thông tin lan ra có lúc cũng có lợi bởi tôi có thêm cơ hội tìm được những diễn viên ưng ý, nhưng thường thì chuyện rò rỉ này hay làm tôi thấy phiền. Tôi khó ngủ trở lại sau những cú điện thoại ấy và nghĩ rằng chắc chắn người trong nghề có chuyện như thế và dường như là chuyện rất phổ biến. Tôi không đánh giá ai nhưng với tôi, tôi sợ việc này bởi nó không chỉ là chuyện bán rẻ lương tâm, gây hại cho nhà sản xuất mà còn làm tổn thương chính những người sẵn sàng bỏ tiền hay bỏ tình ra mua vai diễn. Diễn viên giờ đã có nhiều tiền hơn so với thời trước nhưng cát-sê như vậy cũng không phải cao nếu tính tới mức sống hiện nay, nếu họ phải nghĩ đến chuyện đổi tình để có được những vai diễn thì chua chát quá, và nếu gặp những đạo diễn chấp nhận đổi tình, họ sẽ đánh giá rất xấu về giới đạo diễn. Chuyện này cũng không có gì mới cả, cách đây 15 năm tôi cũng đã thấy rồi và 3 năm trở lại đây bỗng nhiên lại nở rộ. Nhưng ở một thị trường phim đang đi dần đến sự chuyên nghiệp thì việc này không nên có.- Xã hội hóa việc sản xuất phim ảnh, các nhà sản xuất cũng có nhiều quyền trong việc tuyển chọn diễn viên, có khi nào anh bị nhà sản xuất chi phối mạnh mẽ ở khâu này? - Tôi nghĩ là cũng có chuyện diễn viên đặt vấn đề “đổi” thẳng với nhà sản xuất nhưng cá nhân tôi thì chưa gặp phải trường hợp này. Thường thì nhà sản xuất không chọn những diễn viên không biết làm việc, tình trạng chỉ xảy ra khi họ muốn có những cái tên “hot” cho phim của mình. Những lúc như thế chúng tôi sẽ bàn bạc, tuy nhiên đạo diễn vẫn phải “khuất phục” nhà sản xuất và sự cố thường xảy ra khi nhà sản xuất muốn diễn viên “hot” là cả đoàn phim phải ngồi chờ diễn viên.- Khi bị “ép” làm việc với các ngôi sao như vậy, khó khăn của anh là gì? - Tôi thấy ngoài chuyện họ không xếp được lịch phù hợp cho đoàn phim, vấn đề lại không nằm ở họ, những ngôi sao “đá lộn sân”, mà nằm ở các diễn viên đã có tên, người trung niên. Chính những người này mới mắc bệnh ngôi sao đấy. Họ khiến tôi rất căng thẳng vì họ đóng một lúc có khi tới 5 phim rồi chẳng cần biết đến việc giữ chữ tín. Biết làm thế nào trong thời buổi diễn viên trung niên thiếu trầm trọng.
Theo Thể thao Văn hoá