Diễn biến điều tra vụ cha con ông Trần Quí Thanh bị tố “lừa đảo”: Tài sản 1.177 tỷ, sao "nhận chuyển nhượng” với giá chỉ 500 tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, động thái Bộ Công an ra Quyết định 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4 khởi tố vụ án hình sự để điều tra tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS với ông Trần Quí Thanh (ông chủ Cty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát, số 219, đại lộ Bình Dương, Thuận An, Bình Dương) cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số đối tượng… được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.
Bà Oanh công bố một số thông tin tại cuộc gặp với báo chí.
Bà Oanh công bố một số thông tin tại cuộc gặp với báo chí.

Hôm qua, Cty Kim Oanh, (một trong những DN, cá nhân có đơn tố cáo), đã tổ chức gặp mặt báo chí, cung cấp một số thông tin mới về sự việc.

“Cấu đầu cắt đuôi”, vay 500 tỷ, thực nhận… 27,5 tỷ?

Theo phía Kim Oanh, năm 2017, Kim Oanh ký hợp đồng mua 100% cổ phần Cty CP BĐS Minh Thành Đồng Nai (có dự án Minh Thành 56ha, xã An Phước, Long Thành, giáp cao tốc Long Thành – Dầu Giây) giá 530 tỷ đồng của vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh – Hồ Thị Diễm Trang. Kim Oanh đã trả 380 tỷ và theo thỏa thuận, đã là chủ sở hữu 100% cổ phần Minh Thành. Còn lại 150 tỷ, khi bên bán giao đủ 13ha đất sạch còn thiếu, sẽ trả nốt.

Thời điểm 2019 là giai đoạn khó khăn của Cty Kim Oanh vì bị cạnh tranh không lành mạnh, hàng loạt dự án vướng mắc, khó khăn tài chính, không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Thông qua “cò”, Kim Oanh tiếp cận ông Thanh và 2 con gái, vay 350 tỷ, lãi suất 3%/tháng (36%/năm, 10,5 tỷ/tháng), cầm cố dự án Minh Thành “làm tin”, và phải ký nhiều lớp hợp đồng giả cách.

Thứ nhất, Kim Oanh phải ký hợp đồng thanh lý giả cách với ông Minh – bà Trang xóa bỏ các thỏa thuận về việc bán 100% cổ phần Minh Thành cho Kim Oanh. Thứ hai, Kim Oanh phải giả cách hủy tất cả hợp đồng, văn bản đã ký trước đây với ông Minh - bà Trang. Thứ ba, Kim Oanh giả cách ký bán 50% cổ phần Minh Thành cho Tân Hiệp Phát; ông Minh - bà Trang giả cách ký bán 50% cổ phần còn lại cho phía ông Thanh; giao toàn bộ hồ sơ dự án, con dấu Cty Minh Thành cho phía ông Thanh “làm tin”.

Theo Kim Oanh, khoản lãi ba tháng phải trả một lần (31,5 tỷ đồng), được che giấu dưới cái tên “tiền đặt cọc để có quyền mua lại”. Để Kim Oanh khỏi lo ngại sẽ mất tài sản, phía ông Thanh viết giấy “Cam kết bán lại”. “Thực chất giấy này để che giấu giao dịch cho vay lãi, vừa để phía ông Thanh giữ tài sản cầm cố, vừa trốn thuế thu nhập”, tố cáo của Kim Oanh.

Ngày 12/8/2020, sau gần 1 năm vay tiền, đã trả lãi đầy đủ, Kim Oanh chuyển khoản trả 350 tỷ tiền gốc nhưng bị phía ông Thanh chuyển trả lại, không trả lại dự án. “Thời điểm này đất lên giá, và có thông tin đồn nhảm “Kim Oanh sai phạm sắp bị bắt” nên phía ông Thanh câu kết ông Minh - bà Trang biến hợp đồng giả cách thành thật, chiếm đoạt tài sản cầm cố”, Kim Oanh tố

Kim Oanh còn cho rằng bị phía ông Thanh lừa chiếm đoạt dự án Nhơn Thành 36 ha. Năm 2017, Kim Oanh mua 100% cổ phần Cty CP Đầu tư & Xây dựng Nhơn Thành (có Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phước An, Nhơn Trạch) với giá 150 tỷ đồng. Sau đó kẹt tiền, Kim Oanh cũng mang dự án này đi cầm cố phía ông Thanh.

Để được vay 150 tỷ, Kim Oanh phải trả 6 tỷ tiền “cò”; mỗi tháng trả lãi 4,5 tỷ; phải ký hàng loạt hợp đồng giả cách. Thứ nhất, Kim Oanh và Nhơn Thành phải giả cách “thanh lý hợp đồng” giữa hai bên, vờ để dự án là của Cty Nhơn Thành. Thứ hai, Cty Nhơn Thành phải ký hợp đồng giả cách chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Cty cho phía ông Thanh.

Ngày 12/8/2020, Kim Oanh chuyển trả nợ gốc 150 tỷ, phía ông Thanh ký văn bản xác nhận đã nhận đủ 150 tỷ. “Nhưng phía ông Thanh bất ngờ nại ra lý do “giao dịch với Cty Nhơn Thành, không liên quan Kim Oanh”, rồi công nhiên chiếm đoạt dự án”, Kim Oanh tố. Kim Oanh cho rằng khi mang hai dự án này cầm cố phía ông Thanh để vay 500 tỷ; sau khi trừ đi các khoản tiền cò, tiền lãi, “tiền phạt” bị áp đặt; và tiền đã trả nợ gốc, con số đã lên đến 473,5 tỷ; cuối cùng Kim Oanh chỉ còn thực nhận 27,5 tỷ đồng, và bị chiếm đoạt luôn cả hai dự án.

Kiến nghị Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”

Vào cuộc điều tra, C01 Bộ Công an có Văn bản yêu cầu định giá tài sản số 08/YC-VPCQCSĐT-P4, đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai định giá hai khu đất trên. Mới đây, Hội đồng định giá đã có văn bản trả lời kết quả định giá 2 tài sản trên.

Theo Hội đồng định giá, ở thời điểm cuối 2019, dự án Minh Thành có giá trị gần 600 tỷ đồng, dự án Nhơn Thành có giá gần 577 tỷ đồng. Như vậy, ở thời điểm Kim Oanh và phía ông Thanh ký “hợp đồng”, tổng giá trị hai khối tài sản trên là 1177 tỷ đồng.

Ở thời điểm cuối 2020, khi Kim Oanh bị phía ông Thanh từ chối “quyền mua lại”, từ chối thực hiện “cam kết bán lại”; theo Hội đồng định giá, khối tài sản trên có giá tới 1469 tỷ đồng (Minh Thành 809 tỷ, Nhơn Thành 660 tỷ).

Tại cuộc gặp gỡ, Kim Oanh một lần nữa khẳng định các giao dịch liên quan dự án Minh Thành, Nhơn Thành với phía ông Thanh chỉ là vay lãi và cầm cố tài sản; chứ không phải chuyển nhượng, Kim Oanh đưa ra các lập luận:

“Thứ nhất, theo kết quả định giá của cơ quan chức năng, tại thời điểm hai bên ký hợp đồng, khối tài sản có giá trị gần 1200 tỷ đồng. Tôi cũng xin nói rõ, thông thường con số theo kết quả định giá thường thấp hơn giá trị trường. Thế nên không thể có chuyện Kim Oanh là một Cty bất động sản nhiều năm kinh nghiệm lại chuyển nhượng hai dự án với giá chỉ 500 tỷ cho phía ông Thanh, thấp hơn 3 lần so với giá thực tế.

“Trước khi mang hai dự án trên cầm cố cho phía ông Thanh để vay tiền, từng có nhiều Cty bất động sản khác tại TP HCM gửi thư mời, đề nghị bán cho họ với giá hàng ngàn tỷ. Tuy nhiên Kim Oanh đều từ chối những lời mời này vì muốn giữ hai dự án lại để tự tay mình thực hiện. Vì vậy càng không thể có chuyện Kim Oanh bán hai dự án trên cho phía ông Thanh với giá chỉ 500 tỷ”.

“Thứ hai, nếu đây là chuyển nhượng, thì hai bên “mua đứt bán đoạn”, không có lý do gì Kim Oanh phải chấp nhận nhiều lần “đặt cọc để có quyền mua lại” với phía ông Thanh. Thực chất những lần chuyển tiền “đặt cọc để có quyền mua lại” với phía ông Thanh, là tiền lãi 3 tháng trả 1 lần”.

“Thứ ba, sau khi ký hợp đồng giả cách với phía ông Thanh, thì Kim Oanh vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý với hai dự án để tiến tới tự tay triển khai thực hiện; vẫn tiếp tục trả các khoản tiền cho ông Minh - bà Trang để ông Minh - bà Trang giao nốt số đất còn thiếu. Nếu đã bán dự án cho phía ông Thanh, thì Kim Oanh đã không bao giờ có các động thái như vậy”, đại diện Kim Oanh nói.

Bà Đặng Thị Kim Oanh chia sẻ: “Ở thời điểm vay, do lãnh đạo Tân Hiệp Phát thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông rao giảng đạo lý tốt đẹp với dư luận, tự xưng “doanh nghiệp lương thiện”, nên Kim Oanh nhầm tưởng gia đình ông Trần Quí Thanh với một “tập đoàn” lớn như Tân Hiệp Phát, doanh thu được quảng cáo là hàng ngàn tỉ đồng/năm, sẽ làm ăn đàng hoàng. Uy tín DN mới là điều quan trọng nhất với mỗi doanh nhân, nên lúc đó, Kim Oanh không khi nào dám nghĩ rằng với uy tín cao như thế, tiềm lực tài chính mạnh như thế, phía ông Thanh lại dám đánh đổi để đi lừa chiếm đoạt tài sản của chúng tôi”.

Tại cuộc họp báo, LS của phía Kim Oanh cũng cho biết: “Trong sự việc này, dòng tiền thể hiện rõ không phải mua bán mà bản chất là vay mượn. Hợp đồng mua bán chỉ là giả cách cho hợp đồng vay. Kim Oanh phải trả lãi hàng quý, hàng tháng, chịu phạt lãi. Ngoài vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được Bộ Công an khởi tố, với 50 tỷ “tiền phạt”, Kim Oanh đang kiến nghị Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án “Cưỡng đoạt tài sản””.

Đọc thêm