Bên cạnh việc cập nhật tình hình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, Diễn đàn đối tác tư pháp lần thứ 8 do Bộ Tư pháp tổ chức vào hôm qua (14/12) đã dành nhiều thời gian để chia sẻ thông tin về tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 với bạn bè quốc tế.
|
Nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp bị ảnh hưởng
Theo đánh giá của Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, công cuộc cải cách nền kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp và cải cách pháp luật trong những năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu, nhưng chưa được triệt để vì bị “vướng” các quy định của Hiến pháp.
Chẳng hạn, việc xây dựng mô hình tòa án theo khu vực bị vướng các quy định về tòa án, hay việc nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố thuộc Chính phủ bị vướng các quy định về Viện kiểm sát. Hoặc gần đây chúng ta chủ trương cải cách hành chính theo hướng bỏ HĐND cấp quận, huyện, phường thì bị vướng các quy định về HĐND nên đã phải thực hiện dưới hình thức thí điểm. Và “cách làm này không chỉ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp mà còn làm giảm hiệu quả của các chủ trương cải cách mà Đảng ta đã đề ra” – Thứ trưởng Liên thừa nhận.
Về tiến độ thực hiện tổng kết thi hành và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Thứ trưởng Liên cho biết, công việc này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn tổng kết thi hành Hiến pháp hiện đã được bắt đầu và sẽ hoàn thành vào quý I năm 2012, làm cơ sở cho việc đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Giai đoạn nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các phương án sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp, tổ chức thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào các nội dung sửa đổi, bổ sung thì sẽ tập trung thực hiện trong năm 2012 và đầu năm 2013; hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào quý IV năm 2013.
Tham dự Diễn đàn, đại diện một số cơ quan đại diện ngoại giao của một số nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật hoan nghênh việc công khai thông tin về tiến độ sửa đổi Hiến pháp lần này của Việt Nam.
Đảm bảo sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân
Nhằm làm cho Hiến pháp trở về với bản chất của nó và giữ vị trí là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước và xã hội, rất nhiều vấn đề lớn đã được đặt ra để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nội dung của Hiến pháp sẽ chỉ tập trung vào các chế định cơ bản, điều chỉnh những vấn đề có tính nguyên tắc về việc tổ chức quyền lực nhà nước, chức năng cơ bản của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, của hệ thống cơ quan nhà nước và mối quan hệ giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, hiến định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. “Hiến pháp không làm thay vai trò của các đạo luật thông thường” – Thứ trưởng Liên nhấn mạnh.
Với mục đích trên thì một trong ba bảo đảm cần và đủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là bảo đảm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân vào quá trình này. Đây cũng chính là một nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Diễn đàn.
Cố vấn Chính sách, pháp quyền và tiếp cận công lý, UNDP tại Việt Nam - ông Nick Booth chia sẻ, từ những năm 70 của thế kỷ trước, sự tham gia của công chúng đã được thừa nhận như là quyền tham gia vào các công việc xã hội và việc tham vấn công chúng sẽ tác động vào tính hợp pháp của bản Hiến pháp mới và tạo sự đồng thuận trong xã hội… Vì vậy, theo ông Booth, việc hỗ trợ cho các quá trình xây dựng Hiến pháp là nhiệm vụ ngày càng quan trọng của LHQ trên toàn thế giới.
Trước băn khoăn của một số đại biểu quốc tế về việc liệu Việt Nam có những biện pháp nào để đảm bảo sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Thị Thu Ba trả lời: “Việt Nam sẽ đảm bảo sự tham gia của công dân nói chung, trong đó có người dân tộc thiểu số vì chúng tôi có các tổ chức chính trị ở khắp các thôn bản, khu dân cư”.
Thứ trưởng Liên cho biết thêm, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là cơ hội để các giới, các nhà khoa học và toàn thể nhân dân tham gia và các cơ quan ở trung ương lẫn địa phương đều phải tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của nhân dân. Khẳng định quy trình tham vấn các tầng lớp nhân dân là bắt buộc, Thứ trưởng Liên đặc biệt nhấn mạnh, Ban chỉ đạo sẽ có giải trình tiếp thu hoặc không tiếp thu tất cả các góp ý này.
Hoàng Thư