Không có những vấn đề "giật gân câu khách", cũng không có những gương mặt "gây sốt" của làng giải trí, ekip của đoàn làm phim Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng vừa thực hiện xong chuyến đi dọc chiều dài đất nước để chọn lựa diễn viên cho phim - một nhân vật rất đặc biệt.
|
Đạo diễn Lương Đình Dũng trong một buổi đi tìm diễn viên |
- Dự án Cha cõng con của anh đã xong giai đoạn casting, anh có thể tiết lộ đôi chút về việc tìm diễn viên chính?
- Nhân vật người con trong phim là cậu bé Cá 6 tuổi. Cậu bé là linh hồn của bộ phim nên mọi yêu cầu đều rất khắt khe: từ sự trong trẻo, tự nhiên trong diễn xuất đến giọng nói, chiều cao, cân nặng và sức khỏe để có thể theo suốt quá trình quay bộ phim ở những vùng miền núi còn nhiều thiếu thốn. Chúng tôi đi nhiều tỉnh thành, không thể nhớ cụ thể đã casting bao nhiêu nơi. Tất cả ekip đều mệt nhoài vì có bé có gương mặt ưng ý thì lại nhút nhát, có bé diễn xuất tự nhiên thì ngoại hình lại không phù hợp…
- Nghe nói anh đã đến rất nhiều làng trẻ, trung tâm xã hội để tìm diễn viên, anh có cảm xúc gì, những kỷ niệm gì sau những buổi tìm diễn viên ở những nơi đó?
- Chúng tôi đến làng trẻ SOS từ Điện Biên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh..., và nhiều trung tâm bảo trợ xã hội khác. May mắn là đi đến đâu, mọi người cũng đều nhiệt tình giúp đỡ. Tôi nhớ hôm vào Trung tâm Hoa Phượng ở Hải Phòng, gặp hai bé gái mới biết đi. Trong đó có một cháu bị tật, khi thấy tôi cháu cứ ôm chặt và giơ tay đầy cát ra mếu máo mách rằng con mới bị ngã.
Nhìn cháu, tôi nhớ đến con gái mình, mỗi khi bị ngã lại chạy về mách bố, nhưng có lẽ cháu không nhận ra rằng cháu không có bố và mẹ để mách để khoe mỗi ngày. Đến khi ra về, hai cháu cứ quấn lấy tôi đòi bế. Cảm giác thật buồn. Khi ra về, tôi nói với đạo diễn Nguyễn Hồng Quân đi cùng rằng, đó cũng là một trong những lý do để tôi bắt buộc thực hiện phim này dành tặng cho những người con và ai đang làm cha mẹ.
- Nhiều người e ngại cho anh, khi nội dung phim có vẻ như đang đi ngược lại với trào lưu phim ra rạp hiện nay. Còn anh, điều gì khiến anh tâm huyết, theo đuổi đến cùng?
- Mỗi người đều chọn cho mình cách đi riêng phù hợp và không có hướng đi nào sai cả.
“Khi còn nhỏ, trong một lần trên đường về quê, tôi tận mắt chứng kiến cảnh một người con cầm gậy đánh cha mình đến gục ngã. Hình ảnh đó đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm. Sau này đọc báo, những vụ án đau lòng, cha mẹ bạc đãi con cái, con cái đánh đập thậm chí sát hại cha mẹ càng thôi thúc tôi làm một điều gì đó thật đẹp về tình cảm gia đình.
Tôi nghĩ rằng khi cái tình trỗi dậy thì nó là thứ quý giá nhất mà con người ta có được để dành cho nhau. "Cha cõng con" là một khát khao của tôi, tôi làm như một trách nhiệm của chính mình. Đây là suy nghĩ không chỉ của riêng tôi, mà còn là của rất nhiều người ủng hộ tôi làm bộ phim này.
Trong một lần tôi đến gặp anh Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình để thảo luận về dự án “Cha cõng con”, anh hỏi tôi làm phim này để làm gì?. Tôi trả lời rằng mình muốn làm một cái gì đó cho bọn trẻ và ước muốn được gây thành một quỹ giúp đỡ các em từ bộ phim này. Anh Đường bảo "đây cũng là tâm nguyện của anh, vậy chúng ta làm thôi".
Tôi tin phim này sẽ thành công về doanh thu để “phim còn đẻ ra phim nữa chứ”.
- Nghe nói một biên kịch Hollywood đã bật khóc khi đọc kịch bản của anh?
- Khi tham gia khóa học của biên kịch Pilar Alessandra, tôi đã gửi kịch bản nhờ “cô giáo” Pilar xem giúp. Khi nhận kịch bản, Pilar có nói, “Giá cho mỗi giờ làm việc của tôi không hề rẻ. Và phải 6 tháng tôi mới có thể trả lời”. Tuy nhiên, chưa đến 6 tháng, tôi đã nhận được phản hồi từ phía “cô giáo” Hollywood, Pilar không chỉ sửa kịch bản miễn phía cho tôi mà còn khen ngợi câu chuyện của “Cha cõng con” đầy chất thơ, đầy tính nhân văn, và đậm sắc màu Á đông. Kịch bản “Cha cõng con” đã khiến Pilar rơi nước mắt.
- Cảm ơn anh và chúc anh thành công.
Tháng 9 tới, “Cha cõng con” sẽ được bấm máy. Bối cảnh chính của phim được dàn dựng tại Hà Giang- Tuyên Quang, Hà nội, Sài gòn, nơi có những khung cảnh thiên nhiên trữ tình, hùng vĩ. Chính nơi thiên nhiên hoang sơ ấy, người cha và cậu con trai sẽ kể cho khán giả nghe câu chuyện của mình. Quay phim được giao cho Cordelia Beresford- người đã thực hiện phần quay cho “Chuyện của Pao”. Tựa tiếng Anh của phim là “Father and Son”. Phim dự kiến đóng máy vào cuối năm 2013. |
Ngọc Ninh (thực hiện)