Điệp viên huyền thoại “Người không bóng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với những năng lực vô cùng nổi bật, điệp viên huyền thoại Yan Chernyak được đặt cho biệt danh “Người không bóng”. Ông là người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Điệp viên Yan Chernyak.
Điệp viên Yan Chernyak.

Trí nhớ siêu phàm

Yan Chernyak sinh năm 1909. Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra đã đẩy Chernyak vào trại trẻ mồ côi vì tất cả người thân đều thiệt mạng do bom đạn. Mang lòng căm thù chủ nghĩa đế quốc, Chernyak tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên Xã hội Chủ nghĩa. Điểm đặc biệt của Chernyak là dù sống trong khốn khó từ nhỏ nhưng ông vẫn sớm bộc lộ trí thông minh thiên bẩm.

Bước vào tuổi niên thiếu, chỉ tự mày mò học nhưng ông ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức còn biết 6 ngoại ngữ gồm tiếng Romania, Hungary, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Séc. Đến năm 20 tuổi, ông có thể nói được rành rọt tất cả những thứ tiếng trên như người bản địa. Không những vậy, Chernyak còn có khả năng ghi nhớ đặc biệt, có thể đọc lại chính xác đến từng từ trong một văn bản dài đến gần 10 trang chỉ sau một lần đọc, hay có thể kể lại chính xác vị trí 70 đồ vật khác nhau trong phòng.

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Prague với tấm bằng giỏi, Chernyak làm việc tại một nhà máy điện nhưng ít lâu sau lại bị mất việc do đại suy thoái. Khi đó, ông quyết định sang Đức, theo học tại trường Đại học Berlin để lấy bằng kỹ sư. Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đức với niềm tin vững chắc vào hệ tư tưởng Mác-Lenin. Đây cũng là thời điểm Chernyak được tình báo Liên Xô tuyển mộ.

Nhận lời làm việc cho Cục tình báo Hồng quân Liên Xô, Chernyak thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là đến Rumani với tư cách lính nghĩa vụ tại một trung đoàn pháo binh. Tại đây, ông bắt đầu thu thập những tài liệu mật về hoạt động mua sắm, kế hoạch huy động lực lượng, tiềm lực kỹ thuật của quân đội và hợp tác quân sự của Rumani với Đức và gửi cho Liên Xô. Tuy nhiên, hoạt động của ông có nguy cơ bị phát giác sau khi một kẻ phản bội bị phát hiện. Chernyak được rút về Moscow để đào tạo các kỹ năng tình báo chuyên nghiệp.

Một thời gian sau, ông được cử sang Đức với nhiệm vụ tổ chức một mạng lưới tình báo mật. Khi công việc đã bước đầu có thành công, Chernyak lại một lần nữa có nguy cơ bị lộ khi một thành viên trong mạng lưới của ông bị bắt. Chernyak lập tức được rút về. Đến năm 1936, với bí danh Jen, Chernyak tiếp tục được cử đến Thụy Sỹ dưới vỏ bọc phóng viên hãng thông tấn TASS của Liên Xô. Một thời gian ngắn sau đó, mạng lưới điệp viên có tên “Krona” được thành lập, bao gồm 35 người.

Cho đến nay, ngoài Chernyak mới có 2 nhân vật trong nhóm này được xác định rõ danh tính, bao gồm 2 diễn viên Olga Tchekhova và Marika Rokk, còn thông tin về 33 người còn lại vẫn chưa được giải mật. Chỉ biết rằng, họ đều là những nhân vật có vai vế trong chính quyền Đức Quốc xã, trong đó có cả quan chức trong Chính phủ của Hitler, thư ký bộ trưởng, sĩ quan quân đội, tình báo quân sự, mật vụ, giám đốc ngân hàng...

Với việc cả 35 người đều có mặt sâu trong bộ máy của Đế chế Đệ tam, những thông tin mà họ thu thập được đều rất quan trọng. Các thông tin đó đều được Liên Xô đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nghiên cứu chế tạo các thiết bị phát tín mới, tiết kiệm hàng triệu rúp chi phí nghiên cứu.

Ngày 12/6/1941, Chernyak đã gửi về Moscow bản sao Kế hoạch Barbarossa - lệnh đặc biệt của Chỉ huy lực lượng bộ binh Đức về thời gian, mục đích cũng như các ám hiệu tiến hành cuộc tấn công Liên Xô. Sau đó không lâu, nhóm Krona tiếp tục gửi về báo cáo chi tiết về chiến dịch Citadel, giúp Chỉ huy Hồng quân Liên Xô nắm được chiến thuật tấn công Vòng cung Kursk của quân phát xít. Ngoài ra, Chernyak còn cung cấp cho Moscow dữ liệu về thiết kế của xe tăng Tiger (Panzerkampfwagen VI Ausf) và Panzerkampfwagen V Panther mới, mà Đức Quốc xã dự định sử dụng trong cuộc tấn công quan trọng này.

Khối lượng thông tin Chernyak gửi về Moscow là rất lớn. Riêng trong năm 1944, ông gửi về Liên Xô khoảng 12.000 trang tài liệu kỹ thuật, bao gồm thông tin về các loại máy bay và vũ khí pháo binh mới được chế tạo đến các chi tiết của hệ thống chống tàu ngầm và phòng không của Đức Quốc xã, tên lửa hành trình V-1, V-2, máy bay chiến đấu phản lực...

“Người không bóng”

Tổng cộng, mạng lưới Krona đã hoạt động ở Đức trong 11 năm. Dù cơ quan phản gián của Đức phát hiện đã được những mạng lưới gián điệp tinh vi của Liên Xô như Red Orchestra hay Red Trio nhưng họ chỉ đoán được về sự tồn tại của mạng lưới Krona mà không thể phát hiện được bất cứ người cung cấp thông tin hay thành viên nào của mạng lưới trên cũng như người đứng đầu mạng lưới là Chernyak.

Yan Chernyak khi đó được phản gián Đức đặt cho biệt danh “người không bóng” bởi ông không bao giờ để lại dấu vết ở bất cứ đâu. Dưới sự chỉ đạo của Chernyak, hoạt động của mạng lưới của ông luôn bảo đảm yếu tố bí mật, các thành viên không bao giờ gặp mặt trực tiếp mà chỉ trao đổi qua mạng lưới liên lạc. Bản thân Chernyak cũng rất cẩn thận trong quá trình làm việc. Thường xuyên phải di chuyển, ông được cho là đã tự mình làm giả hộ chiếu mà không bị phát hiện khi nhập cảnh. Chưa hết, ông còn sáng tạo ra các quy ước riêng để chỉ người nhận tài liệu với các quy ước từ trước mới có thể đọc được nhằm tránh nguy cơ tài liệu có thể bị giải mã.

Ngoài ra, ông còn thường xuyên thay đổi ngoại hình, thay đổi khách sạn ít nhất 1 lần mỗi tuần và chỉ sống trong căn hộ của những người mà ông tin tưởng. Để phòng thân, Chernyak tích cực học võ và là một bậc thầy về võ thuật. Ông cũng được cho là có thể thôi miên và đoán ý của người khác hay dự báo về các sự kiện sẽ diễn ra. Không chỉ vậy, người đàn ông này còn được ca ngợi có bàn tay vàng, có thể bóc tem hay niêm phong trên đồ vật rồi dán lại như cũ hay giả mạo chữ viết tay của người khác mà không ai phát hiện ra.

Giới chức Liên Xô đánh giá rằng mạng lưới gián điệp của Chernyak là một trong những mạng lưới gián điệp xuất sắc nhất trong lịch sử. Trong suốt hơn 10 năm hoạt động, mạng lưới này được cho là thậm chí chưa từng thất bại.

Những tài liệu quý giá

Chernyak cũng có đóng góp đáng kể trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Sau khi được điều tới Mỹ làm việc, ông đã thuyết phục được nhà vật lý nguyên tử người Anh Allan May (lúc này đang làm việc tại một công ty con của dự án nguyên tử Manhattan của Mỹ) hợp tác với tình báo Liên Xô “vì sự an toàn của nhân loại”. May đã trao cho Chernyak 130 trang tài liệu tối quan trọng nhất, chứa thông tin về sơ đồ cấu tạo và hoạt động của một lò phản ứng uranium, công nghệ sản xuất plutonium và các thiết bị tách đồng vị uranium. Đặc biệt, nhà khoa học này còn cung cấp cho May một mẫu uranium-235.

Ngoài ra, Chernyak còn thu được bản sao báo cáo của nhà vật lý người Italia Enrico Fermi (người được cho là một trong những cha đẻ của bom nguyên tử) và danh sách các trung tâm nghiên cứu bí mật đang tiến hành công việc chế tạo vũ khí hạt nhân ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động của Chernyak tại Mỹ phải dừng lại sau khi người đứng đầu bộ phận mã hóa của Đại sứ quán Liên Xô tại Canada là Igor Guzenko phản bội. Chernyak lập tức được rút về nước.

Chernyak đã về Liên Xô an toàn nhưng cũng từ đây, ông hoàn toàn bị chìm vào quên lãng. Mãi đến ngày 14/12/1994, khi đã yếu đến mức phải nằm viện trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, ông mới được phong danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga và giải thưởng Sao vàng. 10 ngày sau đó, ông qua đời. Đến lúc này, người ta mới biết về ông - điệp viên huyền thoại với biệt danh “Người không bóng”, với nhiều cống hiến quan trọng cho nước Nga.

Đọc thêm