Điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên cần phù hợp với khả năng cân đối ngân sách

(PLVN) -Chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Điều chỉnh định mức phân bổ chi thường xuyên cần phù hợp với khả năng cân đối ngân sách

Đại diện Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính cho biết: Nội dung dự thảo Nghị quyết đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Luật đầu tư công, các luật chuyên ngành); đảm bảo các mục tiêu quan trọng về NSNN theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung khắc phục những vướng mắc và kế thừa những mặt tích cực của nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.

Phù hợp khả năng cân đối ngân sách và yêu cầu thực hiện cơ cấu lại chi NSNN; tăng quyền hạn và trách nhiệm, tính chủ động của các Bộ, địa phương trong quản lý NSNN; khuyến khích địa phương tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư, chủ động bố trí dự toán nhiệm vụ chi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo yêu cầu Nghị quyết số 18, 19, 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Về nguyên tắc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN, đối với các bộ, cơ quan trung ương, trong lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: Bộ Tài chính trình Chính phủ theo 2 phương án.

Phương án 1, căn cứ yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW về việc “Nghiên cứu sửa đổi quy định và thực hiện việc phân bổ ngân sách chi thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị”, thực hiện bỏ việc xây dựng định mức phân bổ định mức chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể của các Bộ, cơ quan trung ương theo biên chế mà xây dựng dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các Bộ, cơ quan trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng Bộ, cơ quan Trung ương và các chế độ, chính sách chi ngân sách để xây dựng dự toán chi ngân sách hằng năm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

Còn phương án 2 cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 ngày 4/10/2016 của UBTVQH và Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có điều chỉnh tăng ở mức phù hợp để các Bộ, cơ quan trung ương đảm bảo các nhiệm vụ chi theo các chế độ, tiêu chuẩn quy định. Theo đó, dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể của các Bộ, cơ quan trung ương gồm 03 phần: Định mức tính theo biên chế; Chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương và Chi đặc thù ngoài định mức.

Đối với các lĩnh vực sự nghiệp, quy định mức phân bổ căn cứ theo chủ trương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương; các quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với chi an ninh, quốc phòng, cơ bản kế thừa quy định như tại Nghị quyết số 266 và Quyết định số 46 và có bổ sung cho phù hợp yêu cầu của giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đối với nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh của ngân sách trung ương, căn cứ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng kế hoạch 2021-2025 và chiến lược đến năm 2030 để xác định các nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với con người, nhiệm vụ đặc thù của quốc phòng, an ninh và ưu tiên bố trí cân đối ngân sách trung ương hàng năm, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định dự toán chi thường xuyên.

Đối với Ngân sách địa phương, định mức tiếp tục lấy tiêu chí dân số là tiêu chí chính, có điều chỉnh phân vùng theo quy định của pháp luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung định mức các tiêu chí bổ sung đối với từng lĩnh vực chi ngân sách để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính đặc thù đối với từng vùng, từng địa phương. Đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách do cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đến ngày 31/5/2021 và đảm bảo tính đủ mức tiền lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng.

Định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên xác định tổng chi thường xuyên, trong đó chi tiết sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học và công nghệ để Quốc hội quyết định; các địa phương căn cứ vào tổng mức chi thường xuyên và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án đồng thời nêu lên đặc thù của Bộ, ngành mình để đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi đã xác định; phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Đảng. Tuy nhiên, cần làm nổi bật hơn các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 18, 19, 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; văn kiện Đại hội Đảng XIII... để thể chế hóa thành quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Thứ trưởng cũng lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn tính khả thi của vấn đề phân bổ ngân sách với việc tạo động lực đổi mới, tinh gọn bộ máy như mục tiêu đã đề ra; định mức phân bổ chi ngân sách cần phù hợp với việc cân đối NSNN trong bối cảnh hiện nay.

Nhận định dự thảo Nghị quyết cơ bản đã thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, song, Thứ trưởng yêu cầu cần rà soát kỹ lưỡng để tránh chồng chéo, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, một số Nghị quyết liên quan đến cơ chế đặc thù của một số địa phương..

Đọc thêm