Điều gì giúp tàu chiến “Ông lão của hạm đội Nga” đến nay vẫn chưa phải “nghỉ hưu”?

(PLVN) - Cho đến tận bây giờ, một con tàu đã hơn 100 năm tuổi vẫn đang phục vụ trong  lực lượng Hải quân Nga. Được cho là con tàu cổ nhất thế giới, nó hiện vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng này.
Tàu Kommuna.
Tàu Kommuna.

Con tàu cổ nhất thế giới

Nói đến những con tàu hơn 100 tuổi vẫn đang phục vụ trong hải quân Nga, nhiều người có thể sẽ nghĩ đến tàu tuần dương bọc thép hạng 2 Avrora (Rạng Đông). Nói về tuổi tác, tàu Avrora “già” hơn 10 năm so với tàu cứu hộ Kommuna (trước đây có tên là Volkhov). Song, tàu Kommuna được cho là con tàu cổ nhất thế giới và hiện vẫn nằm trong trang bị  hải quân đồng thời cũng vẫn đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng này.

Manh nha hình thành tàu Kommuna là từ đầu thế kỷ 20, khi sự phát triển của hạm đội tàu ngầm Nga làm phát sinh nhu cầu về tàu nổi hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm. Trong bối cảnh đó, Sĩ quan tàu ngầm - Thuyền trưởng Vasily Merkushov của Nga sau khi tham khảo thông tin về một con tàu tương tự xuất hiện trong hải quân Đức vào năm 1909 đã đệ trình đề xuất đóng một con tàu nổi hỗ trợ cho các tàu ngầm của Nga.

Ý tưởng này nhanh chóng được chấp thuận và được triển khai trên thực tế. Kết quả là, vào tháng 11/1913, con tàu Volkhov đã được hạ thủy tại nhà máy đóng tàu Putilovskaya ở St.Petersburg (nay là nhà máy Severnaya Verf). Đây là tàu cứu hộ có trọng lượng rẽ nước 3.100 tấn, dài khoảng 100 m và rộng gần 19 m. 

Tàu Volkhov theo thiết kế được trang bị 2 động cơ diesel Felzer & Co của Nga cho phép tàu có thể di chuyển với tốc độ 6 hải lý mỗi giờ hay 11 km/h. Tốc độ di chuyển như vậy là khiêm tốn nhưng đủ cho các nhiệm vụ cụ thể. Doanh nghiệp chế tạo động cơ cho con tàu trên hiện vẫn đang còn ở Nga và đã được đổi tên thành Công ty Rumo. Thiết bị làm việc chính của tàu là các cần trục mạnh mẽ, có khả năng nâng một tàu ngầm lên và đặt vào giữa thân tàu, như thể trong bến. Về nhân lực, thủy thủ đoàn của Volkhov bao gồm 24 người, trong đó có cả các thợ lặn. 

Năm 1915, tàu Volkhov được phiên chế trong thành phần của Hạm đội Baltic của Nga. Con tàu này khi đó được sử dụng như một căn cứ tiếp liệu nổi. Thực hiện nhiệm vụ này, với thiết kế ban đầu, tàu Volkhov đã đảm nhiệm một cách hiệu quả nhiệm vụ của nó, cứu được hai tàu ngầm Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Sau cuộc cách mạng năm 1917, con tàu tiếp tục phục vụ trong hạm đội Xô Viết và Hải quân Liên Xô nhưng được đổi tên thành Kommuna. Trong thời gian này và cả trong Chiến tranh thế giới II, tàu đã hơn một lần tham gia vào các hoạt động trục vớt tàu ngầm bị tai nạn (tổng cộng đã nâng lên 10 chiếc) và sửa chữa các tàu này.

Tàu Volkhov suốt một thời gian dài phục vụ như một căn cứ nổi của Hạm đội Baltic, chở theo ngư lôi và dự trữ nhiên liệu. Ngoài ra, tàu cũng cung cấp chỗ ở cho 60 thủy thủ. Đến năm 1967, tàu Kommuna được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen và chính thức được cho đặt tại bến Sevastopol. Hiện tại, con tàu nằm trong đội tàu cứu hộ số 145 của Hạm đội Biển Đen.

Sức mạnh bền bỉ

Vào giữa những năm 1980, tàu Kommuna được đưa đi sửa chữa nhằm khắc phục những điểm yếu đã được phát hiện cũng như gia cố thêm sức mạnh để nó có thể tiếp tục phục vụ lâu dài. Trong quá trình này, các động cơ diesel chính tiếp tục được thay thế bằng động cơ hiện đại, các thiết bị thông tin liên lạc và định vị cũng được nâng cấp. Khi sửa chữa, kiểm tra thân tàu và chân vịt, các kỹ sư kinh ngạc nhận thấy rằng tất cả đều vẫn còn rất tốt, không cần sửa chữa gì. Sau hơn 7 thập kỷ phục vụ trong môi trường nước biển và gió mặn, thép của tàu gần như không bị ăn mòn. Vì vậy, việc sửa chữa chỉ giới hạn trong việc sơn lại vỏ tàu.

Đến nay, 109 năm sau khi hạ thủy, thân tàu, phần dưới nước và tất cả các cấu trúc thượng tầng của con tàu đều được đánh giá vẫn ở trong tình trạng tuyệt vời. Các bộ phận truyền động và thiết bị phòng máy (bao gồm cả vòng bi trục các đăng) đã hoạt động tốt trong hơn 1 thế kỷ. Loại thép đặc biệt dùng để đóng thân tàu giúp con tàu hoạt động một cách hoàn hảo cho tới nay. Rất tiếc, kỹ thuật sản xuất loại thép này đã bị “thất truyền” sau Cách mạng Nga.

Có một điểm đáng chú ý là, trong quá trình đóng tàu, đơn vị sản xuất đã đặt trong phòng chung của con tàu một cây đàn piano được làm từ năm 1912 và đến nay, cùng với sự tồn tại dẻo dai của tàu, cây đàn hiện cũng vẫn đứng đó. Nhạc cụ cổ vẫn được đánh giá là có âm thanh tuyệt vời và thường xuyên được một trong những người thợ chỉnh đàn tốt nhất ở Sevastopol kiểm tra.

Ngày nay, các tàu ngầm hiện đại có kích thước rất lớn nên chúng không thể nằm gọn giữa thân tàu Kommuna và tàu này cũng không thể nâng những tàu như vậy lên. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của con tàu, người ta sử dụng thiết bị cần cẩu để trục vớt máy bay rơi xuống biển. Đã hơn 1 lần tàu Kommuna thực hiện những nhiệm vụ như vậy. Điển hình, vào năm 1977, tàu này đã trục nâng một máy bay ném bom Su-24 lên khỏi đáy Biển Đen. Gần đây hơn, vào mùa hè năm 2020, tàu này cũng đã tham gia trục vớt các mảnh vỡ của máy bay chiến đấu Su-27 bị rơi.

Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của tàu hiện vẫn là tìm kiếm tàu ngầm gặp nạn và giải cứu thủy thủ đoàn. Với mục đích này, phương tiện cứu hộ biển sâu AS-28 đã được lắp đặt trên tàu Kommuna. Trong năm 2020, thiết bị này đã trải qua quá trình hiện đại hóa triệt để tại một trong những nhà máy đóng tàu ở St.Petersburg và một lần nữa đi vào hoạt động.

Theo dữ liệu từ các nguồn mở, AS-28 là một tàu ngầm mini làm bằng titan có lượng choán nước 110 tấn và dẫn động điện thủy lực. Thủy thủ đoàn trên thiết bị này gồm 5 người, có tốc độ tối đa là 3,7 hải lý/giờ (gần 7 km/h). Thiết bị được hạ xuống nước với sự hỗ trợ của cần cẩu, có khả năng lặn xuống độ sâu 1.000 m, hành trình tìm kiếm tự động tối đa 3 ngày. 

Việc liên lạc giữa tàu mẹ và thủy thủ đoàn tàu lặn cứu hộ biển sâu được thực hiện qua một số kênh, bao gồm thủy âm, trực tiếp qua nước với sự trợ giúp của một bộ rung điện từ đặc biệt được lắp đặt trên tàu Kommuna. Công nghệ của những năm 1950-1960 này đến nay vẫn được đánh giá là còn phù hợp.

Với những công nghệ nền tảng sẵn có và những cải tiến cho phù hợp, đến nay, con tàu Kommuna - con tàu được đặt cho biệt danh “Ông lão của hạm đội Nga” đến nay vẫn chưa “nghỉ hưu”, bất chấp việc các tàu cứu hộ khẩn cấp cực kỳ hiện đại đang dần đi vào hoạt động.

Đọc thêm