Ngồi trên “ngai vàng” của Thủ đô Moscow gần hai thập kỷ, “cây cổ thụ” Yuri Luzhkov dường như không thể quật ngã. Tuy nhiên, chính sự ngoan cố không đúng thời điểm khiến ông Yuri Luzhkov phải từ giã chính trường.
Thị trưởng gạo cội
Ông Luzhkov là một trong những người sáng lập đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất và là một nhân vật trong ban lãnh đạo đảng. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Thị trưởng thành phố Moscow năm 1992 và đến nay trải qua ba đời Tổng thống, 6 kỳ Quốc hội và 10 đời Thủ tướng.
Theo ông Sergei Mironov, người đứng đầu Hội đồng liên bang Nga, sở dĩ ông Luzhkov có thể tại nhiệm trong khoảng thời gian dài như vậy là do thị trưởng này sở hữu "quyền lực vô hạn".
|
Với 18 năm kinh nghiệm, ông được đánh giá là chính trị gia quyền lực trong chính quyền Nga.
|
Chủ tịch Viện Chiến lược quốc gia Mikhail Remizov nhận xét, có những đánh giá trái chiều về sự lãnh đạo của ông Luzhkov: "Giai đoạn thứ nhất là vào những năm 1990, khi ông Luzhkov làm rất nhiều cho thành phố và tạo lập mô hình xã hội định hướng kinh tế đại đô thị. Tất nhiên, vị trí thuận lợi của Moscow tạo điều kiện thực hiện ý tưởng này. Giai đoạn lãnh đạo tiếp theo của ông Luzhkov là thời kỳ đan xen các biểu hiện tiêu cực như sự nhập cư bất hợp pháp ồ ạt, tham nhũng tràn lan, xuất hiện không ngừng những điểm xây dựng mới trong thành phố, vi phạm cảnh quan đô thị và lợi ích của người dân".
Kết quả chính mà hoạt quản lý của ông Luzhkov đem lại là sự biến đổi đáng kể diện mạo kiến trúc Moscow. Trưởng Khoa truyền hình ĐH Tổng hợp Moscow Vitaly Tretyakov từng là biên tập viên chính của tờ Moscow Times cho biết thêm: "Trong những năm gần đây, diện mạo kiến trúc lịch sử của trung tâm Thủ đô hầu như bị phá hủy. Nhiều vấn đề tồn đọng không được giải quyết. Ông Luzhkov chỉ biết và lắng nghe thị hiếu nghệ thuật của bản thân, điều đáng tiếc là ông không có".
Mất chức vì ‘ngông cuồng’?
Tuy nhiên, Tổng thống Medvedev hôm qua chính thức “nhổ rễ cây cổ thụ Yuri Luzhkov”. Thủ tướng Vladimir Putin cho rằng, ông Luzhokov mất chức vì để mối quan hệ với Tổng thống xấu đi.
Phát biểu với báo giới về sự việc trên, Thủ tướng Putin cho biết: "Ông Yury Luzhkov đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của thành phố Moscow và ở một chừng mực nào đó, ông ấy là một nhân vật có tính biểu tượng của nước Nga hiện đại. Tuy nhiên, rõ ràng quan hệ giữa Thị trưởng thành phố Moscow và Tổng thống ngày càng trở nên tồi tệ. Trong khi đó, Thị trưởng là cấp dưới của Tổng thống. Vì thế, ông Luzhkov đáng ra phải chủ động hàn gắn quan hệ trong tình hình này".
Tuy nhiên, dường như ông Luzhkov không nhận thức được điều này. Theo bà Natalia Timakova, phát ngôn viên của Tổng thống, ông Luzhkov được đề nghị từ chức trong danh dự và tùy ông quyết định kịch bản ra đi. Bởi vậy, thống nhất với văn phòng Tổng thống, ông Luzhkov xin nghỉ phép một tuần.
Trở lại công việc vào ngày thứ 2 sau kỳ nghỉ, ông Luzhkov trông bình thản và sảng khoái. Ông tuyên bố không có ý định từ chức. Bộ phận báo chí của ông thậm chí còn thông báo kế hoạch hoạt động của thị trưởng trong tháng 10, như không có chuyện gì xảy ra. Và kết cục khắc nghiệt nhất xảy ra. Các nhà phân tích cho rằng thị trưởng mắc “bệnh ngôi sao”, rằng chính ông có lỗi khi không chịu thỏa thuận.
Một nhà bình luận nhận xét: “Thị trưởng quên mất rằng ông là quan chức do người đứng đầu nhà nước bổ nhiệm, ông đặt mình cao hơn các quan chức khác”.
|
Ông Luzhkov kiên quyết không từ chức bất chấp sức ép từ Chính phủ.
|
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự ra đi của ông Luzhkov có thể làm ổn định tình hình chính trị và kinh tế không chỉ ở Thủ đô Moscow mà toàn nước Nga.
Bên cạnh đó, giới quan sát Nga nhận định, sự ra đi của thị trưởng đầy quyền uy và tai tiếng này chính là “điểm nhấn” trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Medvedev. Theo họ, không phải vô cớ mà gần đây người dân Moscow liên tục được giới truyền thông “nhắc nhở” về những vụ việc lạm dụng quyền lực của thị trưởng Luzhkov để giúp vợ là bà Yelena Baturina, người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới đút túi số tiền 2,9 tỷ USD từ các dự án xây dựng.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao “sự khéo léo” của ông Medvedev trong việc “đánh trúng” vào những nhức nhối của người dân Nga. Dù tuyên chiến với nạn tham nhũng ngay từ khi bước chân vào điện Kremlin với nhiều sắc lệnh cứng rắn nhưng những nỗ lực của ông dường như không có kết quả. Mức độ tham nhũng hiện nay không suy giảm, ngược lại, theo nhiều đánh giá, nó đang gia tăng. Theo tổ chức Minh bạch quốc tế, Nga xếp thứ 146 trong số 180 quốc gia được nghiên cứu và số tiền tham nhũng ở nước này lên tới 300 tỷ USD mỗi năm.
Ông Dmytry Medvedev hồi tháng 7 cũng thừa nhận, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Nga trên thực tế không tiến triển gì kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây hai năm. “Hoạt động chống tham nhũng của chúng ta chưa làm hài lòng ai. Tôi biết rằng, chúng ta chưa ghi nhận được nhiều thành tích có ý nghĩa trong việc này. Những nỗ lực được triển khai trong khuôn khổ cuộc đấu tranh chống tham nhũng thường xuyên chỉ là ký kết nhiều văn bản giấy tờ mà thôi”, Tổng thống nhấn mạnh. Ông chủ điện Kremlin còn than phiền: “Một số quan chức cố tình làm trái lệnh tôi”.
Vì vậy, việc “đánh gục” một “hình tượng tham nhũng” như thị trưởng Luzhkov chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh trong lòng dân chúng, đặc biệt trong thời điểm “nhạy cảm” với phía trước là cuộc bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào tháng 3/2012.
“Quyết định sa thải được đưa ra rất đúng thời điểm và đúng đối tượng. Dù ông Luzhkov một mực khẳng định khối tài sản kếch xù của vợ ông có được là do sự thông thái của bà nhưng bất cứ người dân nào cũng có thể nhận ra rằng các dự án xây dựng tại Thủ đô mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho bà tỷ phú”, ông Konstantin Simonov, nhà phân tích khoa học chính trị tại Moscow nhấn mạnh.
Ông Konstantin Simonov nêu rõ, dù Moscow trở nên sạch hơn, đẹp hơn sau 18 năm ông làm thị trưởng nhưng dư luận bất bình vì việc ông dẹp bỏ nhiều tượng đài lịch sử của Thủ đô để lấy chỗ xây dựng những ngôi nhà chọc trời bằng kính và bêtông. Trong khi đó, việc xây dựng do chính công ty của bà Baturina đảm nhận.
|
Thị trưởng Yuri Luzhkov có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Putin.
|
Phản pháo lại những cáo buộc này, bà Baturina khẳng định, chồng mình bị “vạ lây” trong cuộc cạnh tranh giữa Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. Theo bà, ông Medvedev “ra tay” bởi lo sợ ông Luzhkov ủng hộ Thủ tướng Putin quay trở lại điện Kremlin. Ông này từng phát biểu, nước Nga cần một vị lãnh đạo mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn mà theo nhiều chuyên gia người ông muốn ám chỉ đến chính là Thủ tướng Putin.
Tờ Ria Novosti cũng nhận định, việc sa thải Thị trưởng Yuri Luzhkov là một tín hiệu cho thấy Tổng thống Medvedev đang khẳng định quyền lực và phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán của mình trước các đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống, mà theo giới truyền thông Nga, đối thủ nặng ký nhất của ông Medvedev trong lần bầu cử này rất có thể đương kim Thủ tướng Vladimir Putin.
Tuy nhiên, những lý do dẫn đến sự sụp đổ của “đế chế Luzhkov đang dần bị lu mờ bởi những lo ngại về nhân vật thay thế ông. Dư luận Nga đang rất quan tâm xem ai sẽ là tân thị trưởng Moscow. Những ứng cử viên sáng giá bao gồm Chánh văn phòng Chính phủ Sergei Sobyanin, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Sergey Shoigu, cựu Phó Thị trưởng Moscow – giờ là Thống đốc tỉnh Nizhnegodrodskaya Valeri Shantsev và Bộ trưởng Quốc phòng Anatoli Serdyukov. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù người thay thế ông Luzhkov là ai thì nhân vật này cũng phải đối mặt với không ít thách thức để có thể thoát khỏi “cái bóng” của cựu thị trưởng gạo cội “có công nhưng cũng lắm tội”.
Theo Bích Diệp
Đất Việt