10 năm, 8 bản cáo trạng vẫn tiếp tục kêu oan

(PLO) - Vụ án “tham ô tài sản”, “giả mạo trong công tác” và “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” xảy ra tại Cty CP Bảo Minh Cà Mau kéo dài đã 10 năm, với 8 bản cáo trạng và trải qua nhiều phiên tòa nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc. Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây nhất, các bị cáo tiếp tục kêu oan…
Nguyễn Viết Lượng và các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm.
Nguyễn Viết Lượng và các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm.

10 năm, 8 bản cáo trạng

Người được coi là “đầu vụ” trong vụ án có 16 bị cáo này là Nguyễn Viết Lượng (58 tuổi, nguyên Giám đốc Cty CP Bảo Minh Cà Mau). Ngày 24/5/2007 ông Lượng bị bắt tạm giam để điều tra. Sau khi bị tạm giam 4 năm 8 tháng, ngày 19/1/2012 thì ông này được TAND tỉnh Cà Mau cho tại ngoại. Trong thời gian này, cơ quan điều tra (CQĐT) đã có 8 bản kết luận điều tra, VKSND tỉnh Cà Mau ra 6 bản cáo trạng, TAND cùng cấp 3 đưa vụ án ra xét xử thì cả 3 lần đều trả hồ sơ điều tra bổ sung.  Đến ngày 19/4/2012, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ 4, tuyên phạt bị cáo Lượng 20 năm tù giam về tội “tham ô tài sản” vì cho rằng bị cáo này đã chiếm đoạt hơn 55 triệu đồng của Cty CP Bảo Minh Cà Mau. Các bị cáo khác, người nặng nhất bị tuyên phạt 15 năm tù, người nhẹ nhất là “cải tạo không giam giữ”. 

Tháng 6/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND cấp cao) tại TP.HCM đã xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra bổ sung. Tại Bản án số 635/2013 ngày 20/6/2013, HĐXX phúc thẩm cho rằng: “Quá trình điều tra truy tố, xét xử cấp sơ thẩm đã thiếu sót nghiêm trọng và Cty CP Bảo Minh Cà Mau không biết thiệt hại bao nhiêu mà buộc tội các bị cáo là chưa đủ căn cứ”.

Tháng 5/2015, TAND tỉnh Cà Mau mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ 5 đã tuyên trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Cà Mau để điều tra bổ sung. Tháng 12/2015, VKSND tỉnh Cà Mau tiếp tục ra cáo trạng truy tố bị cáo Lượng và đồng phạm. 

Tại bản án sơ thẩm số 02/2016 (14/1/2016) TAND tỉnh Cà Mau tuyên bị cáo Lượng 20 năm tù; bị cáo Đảo 4 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Nghiệp 1 năm tù; bị cáo Tạ Viễn Phương 3 năm 6 tháng tù; bị cáo Trương Hoàng Hùng 8 năm tù; bị cáo Lâm Hoàng Dũng 1 năm tù; bị cáo Hà Văn Khoa 9 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Nhung 1 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Hưng 6 năm tù; bị cáo Trần Hoàng Nhất Linh 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Hoàng Nam 1 năm tù về tội “Tham ô tài sản”; các bị cáo Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Thanh Vĩnh (nguyên Công an thị xã Vĩnh Long) và Bùi Minh Thắng  (nguyên Công an huyện Giá Rai) đều bị phạt 1 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”; bị cáo Nguyễn Việt Hồng bị phạt 1 năm 6 tháng cải tạo không giam giữ và Phạm Bình Minh 1 năm cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản nhà nước”.

Tòa cấp sơ thẩm xác định bị cáo Lượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập khống 17 hồ sơ tai nạn, khước từ bồi thường tàu xe nhưng chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ bồi thường và không chi trả khách hàng, cấu kết với các cơ sở sửa xe lập khống chứng từ… chiếm đoạt 673.425.000; câu kết với bị cáo Nguyễn Văn Đảo và Trương Hoàng Hùng chiếm đoạt 21.615.000 đồng, trong đó Lượng chiếm đoạt 9.377.500 đồng; giúp sức cho các bị cáo khác chiếm đoạt 137.849.000 đồng… 

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Lượng không thừa nhận hành vi phạm tội nên đã không được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Cho rằng mình bị oan, các bị cáo đã gửi đơn kháng cáo đến TAND cấp cao TP HCM.

Bị hưởng án nhẹ cũng kêu oan

Đáng nói hơn, trong số bị cáo kêu oan về “tội tham ô tài sản” có cả bị cáo Hà Văn Khoa (người chịu mức án nhẹ nhất trong nhóm bị cáo bị kết tội tham ô tài sản”. Tòa sơ thẩm cho rằng bị cáo này đã có hành vi tính toán hai bộ hồ sơ do Nguyễn Viết Lượng giao cho. Khi đó Khoa mới hơn 20 tuổi, có 1 năm công tác tại Cty CP Bảo Minh Cà Mau với nhiệm vụ của một nhân viên bồi thường, tức là tính toán đề xuất mức bồi thường trên cơ sở hồ sơ được giao.

Bị cáo Khoa khẩn thiết kêu oan bởi hồ sơ bồi thường số 20 đối với chủ phương tiện xe 69L- 5220 là bà Nguyễn Kim Yến được ông Lượng giao tính toán, khi ấy hồ sơ đầy đủ. Ông Lượng đã ký duyệt giá sửa chữa, ký duyệt biên bản giám định thiệt hại, hồ sơ có phiếu mua bảo hiểm của Cty CP Bảo Minh Cà Mau, có tai nạn thật,  tổn thất thật, có hồ sơ Cảnh sát giao thông, hình ảnh minh họa kèm theo, hồ sơ tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm. 

Theo quy định, tài liệu đầy đủ thì nhân viên phải chấp hành theo phân công của lãnh đạo để tính toán số tiền dự kiến bồi thường, việc làm này là khách quan làm theo nhiệm vụ. Bản án cũng kết luận ông Lượng chiếm đoạt hoàn toàn số tiền từ bộ hồ sơ này. Khoa không biết nó có được trả cho khách hàng hay bị ai đó chiếm đoạt. Bản án kết luận Khoa phải chịu trách nhiệm vì tính toán trên hồ sơ khống, nhưng chính bộ hồ sơ này tại bản án sơ thẩm đã nhận định “các chứng từ có trong hồ sơ đầy đủ và hợp lệ... không có căn cứ chứng minh bán khống bảo hiểm”.

Hồ sơ bồi thường số 21 xe 64H - 2459 chủ phương tiện là ông Phạm Minh Phúc, án sơ thẩm đã tuyên Khoa đồng phạm với ông Lượng lập hồ sơ khống bồi thường, giúp sức cho ông Lượng chiếm 58.000.000 đồng. Khoa kêu oan vì tương tự hồ sơ trên, Khoa không được bàn bạc, không cố ý phạm tội mà chỉ tính toán theo nhiệm vụ lãnh đạo giao cho. Thẩm quyền quyết định chi trả bồi thường là Kế toán trưởng và Giám đốc nên buộc tội cho Khoa là không có căn cứ.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 14/1/2016 đại diện nguyên đơn, Giám đốc CTy Bảo Minh Cà Mau cũng khẳng định việc Khoa tính toán bồi thường ở hai hồ sơ nêu trên là phù hợp, đúng quy định, không thể từ chối theo sự phân công của lãnh đạo.

Vụ án đã kéo dài 10 năm với nhiều lần phải điều tra bổ sung nhưng căn cứ buộc tội các bị cáo vẫn chưa chặt chẽ như trên đang chờ phán quyết khách quan tại phiên tòa phúc thẩm tới đây.

Đọc thêm