13 năm truy tố vẫn không ra được bản án có hiệu lực

(PLO) - Đã 11 tháng qua kể từ ngày TAND TP Hà Nội trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng vụ án Đào Ngọc Tỉnh bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” vẫn rơi vào im lặng. Có gì khuất tất khiến vụ án tưởng chừng rất đơn giản lại bị kéo dài đến 13 năm kể từ ngày bị khởi tố khiến một thương binh nặng, dũng sĩ diệt Mỹ đã có 45 năm tuổi Đảng rơi vào thế cùng quẫn, mất niềm tin vào công lý.

Ông Tỉnh mòn mỏi chờ ngày được giải oan.
Ông Tỉnh mòn mỏi chờ ngày được giải oan.
Dù vi phạm tố tụng vẫn… quyết liệt khởi tố
Vụ án dùng 4 tờ giấy photocopy để làm chứng cứ bắt tạm giam nguyên Kế toán trưởng Công ty Thiết bị điện tử Giao thông Vận tải đã vi phạm tố tụng ngay từ khởi điểm, nhưng không hiểu vì sao VKSNDTC vẫn quyết định khởi tố bị can? Sự vi phạm tố tụng được TANDTC nhắc đi nhắc lại trong 2 bản án phúc thẩm nhưng VKSND Cấp cao vẫn… kiên quyết buộc tội ông Tỉnh tham ô gần 700 triệu đồng của Cty. Có chăng tình trạng các cơ quan tố tụng cho mình quyền được… sai luật, làm sai các quy định mà chính ngành mình đã ban hành? 
Cụ thể, Luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng Luật sư Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) viện dẫn: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), chứng cứ phải là những gì có thật. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC số 04/2005 ngày 17/9/2005, tại Chương II Mục 2.1 quy định: “Các tài liệu đọc được nội dung phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp xác nhận”. Căn cứ vào điều khoản này, rõ ràng ngay từ đầu đã thiếu căn cứ để khởi tố bị can đối với ông Đào Ngọc Tỉnh. 
Chưa hết, theo Khoản 2 Điều 121 BLTTHS quy định về thời hạn điều tra bổ sung cũng rất rõ ràng: trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ, thời hạn điều tra bổ sung tối đa của cơ quan điều tra là 2 tháng. Chính Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng nêu rõ: Thời hạn điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 của BLTTHS; cụ thể là thời hạn do VKS trả hồ sơ không quá hai tháng; do Tòa án trả hồ sơ không quá một tháng tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đến khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra bổ sung. 
Nhưng đã 11 tháng qua đi, các cơ quan tố tụng vẫn im lặng một cách đáng sợ trước vụ án này… Chúng tôi đã liên lạc với Thẩm phán Ngô Thị Ánh thì được chị cho biết chị không nhận được bất kỳ thông tin nào từ khi có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Khi được hỏi về thời hạn điều tra bổ sung, chị Ánh cho rằng sau điều tra có thể không đưa ra truy tố nữa, đã đình chỉ điều tra rồi thì sao? Lời phỏng đoán của Thẩm phán Ánh có lẽ cũng là thông tin mà ông Tỉnh, vợ và các con ông đang mong đợi từng ngày nhưng không biết ông Tỉnh và người thân phải đợi đến bao giờ? 
Những phiếu chuyển đơn vô cảm
Lại sắp thêm 1 năm nữa ông Tỉnh phải vác trên vai mình 2 tiếng “bị can” để mưu sinh sau khi bị tước mọi quyền lợi liên quan đến tiền lương, thưởng, trợ cấp, lương hưu và quan trọng là quyền công dân vẫn bị treo lơ lửng suốt từ năm 2003 đến nay. Dù mới ngoài 60 tuổi nhưng ông Tỉnh trông yếu ớt và già nua  hơn rất nhiều so với tuổi. Đó là hậu quả của hơn 10 năm đeo đẳng đi các nơi, gõ các cửa để tìm công lý cho chính mình…
Đáng lẽ với sự cống hiến của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ (được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ), với quá trình công tác của mình (nguyên Kế toán trưởng của Cty) ông Tỉnh phải được an hưởng tuổi già sau khi nghỉ hưu. Nhưng chỉ vì vụ án “từ trên giời rơi xuống”, ông đã mất tất cả: danh dự, nhà cửa, quyền lợi, để bây giờ hàng ngày 5h sáng ông phải lụi cụi đi bộ khoảng 2 cây số đến trạm xe buýt, chuyển 2-3 trạm mới đến được chỗ làm thêm và trở về nhà vào lúc 8h tối. Số tiền lương hàng tháng ông nhận được chỉ 3 triệu đồng. 
Ông tâm sự “May mà tôi có thẻ thương binh nên được miễn vé xe buýt, nếu không chắc số tiền lương ít ỏi lại bị chia 5 xẻ 7. Tôi nhiều tuổi lại yếu sức, cũng may được các đồng đội tạo điều kiện cho làm thêm, nếu không tôi không biết phải sống như thế nào, xoay xở ra sao”… 
Trong suốt 13 năm kêu oan cho mình, ông Tỉnh đã nhận được hàng trăm phiếu chuyển đơn từ các cơ quan cấp cao như Văn phòng Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, VKSNDTC, TANDTC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…  Lần lượt các kỳ họp Quốc hội khóa XIII vào các năm 2013, 2014, 2015 ông Tỉnh cũng đều nhận được các phiếu chuyển đơn của các đại biểu Quốc hội báo tin đã có công văn đề nghị đồng chí Viện trưởng VKSND Cấp cao xem xét giải quyết vụ án của ông nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào được đưa ra từ người lãnh đạo cao nhất ngành kiểm sát.
Những phiếu chuyển đơn này vô tình lại trở thành… cứu cánh cho nhiều đơn vị mà ông Tỉnh đã gửi đơn kêu oan. Cụ thể, chính VKSND Cấp cao (đơn vị ra cáo trạng truy tố ông Tỉnh) lại chuyển đơn của của ông đến VKSND TP Hà Nội để xem xét, giải quyết. Cụ thể hơn nữa, chính Vụ 1B, đơn vị thụ lý vụ án của ông, khi nhận được đơn kêu oan của ông cũng lại chuyển sang Viện Khiếu tố cho đúng… thẩm quyền. Chính những phiếu chuyển đơn vô cảm này đã là một phần khiến vụ án của ông kéo dài hơn 10 năm trời. 
Ông Tỉnh tuyệt vọng cho rằng, có thể do vụ án của ông không phải oan án giết người, ông cũng đã được tại ngoại nên không được quan tâm, không được các vị Đại biểu Quốc hội chất vấn trước Quốc hội. Ông hoang mang cho rằng các vụ án oan khác được chất vấn qua 3 - 4 kỳ họp Quốc hội vẫn chưa có câu trả lời, chưa có kết quả cuối cùng. Vậy với vụ án của ông, đến khi nào cơ quan điều tra mới chịu đưa ra quyết định cuối cùng? 
Ông Tỉnh bức xúc: “Án oan giết người hay án oan tham nhũng, tại ngoại hay vẫn bị tạm giam thì cũng đều vô phúc như nhau khi... đáo tụng đình. Tôi phải được nhận lại những gì mình đã mất sau 13 năm bị khởi tố. Tôi vẫn sẽ tiếp tục gửi đơn đi các nơi”... Nhưng đáp lại những lá đơn của ông và sự vào cuộc của các cơ quan báo chí vẫn là sự im lặng đáng sợ của các cơ quan tố tụng. 

Đọc thêm