400 ngôi mộ cùng hài cốt bị xúc đi đổ đường?

(PLO) - Vụ việc xảy ra tại làng Nghi An (thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng). 400 ngôi mộ cùng toàn bộ bài cốt bên trong đã biến mất không tăm tích. Người dân phán đoán có thể số lượng đất múc từ các khu mộ này đã được đưa đi san lấp mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi.
Một số ngôi mộ bị đào được xây dựng lại
Một số ngôi mộ bị đào được xây dựng lại
Xúc đổ đi 400 bộ hài cốt
Trong lá đơn tập thể gửi Chính quyền quận Cẩm Lệ, cụ Ngô Đằng (83 tuổi, Chủ tịch hội đồng chư phái làng Nghi An) cho biết, khu nghĩa trang Nghi An - Gò Đồi nằm trong khu vực cụm kho CK55 do Quân khu 5 quản lý kể từ sau giải phóng. 
Nơi đây quy tụ hàng ngàn ngôi mộ, trong đó có phần mộ các nghĩa sĩ dưới quyền danh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng.
Bên cạnh đó còn có nhiều phần mộ các liệt sĩ, chiến sĩ hoạt động cách mạng dưới thời chiến tranh chống Mỹ. 
Còn theo ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, căn cứ vào lịch sử Đảng bộ phường, khu vực nghĩa trang này chôn cất đến 2000 mộ (gấp đôi thông tin người dân cung cấp), trong đó có những chiến sĩ thuộc E96 đã hy sinh trong trận đánh tại cầu Bà Điếc. 
Tại đây còn bia chiến tích ghi rõ: “Nơi đây, trên dải phòng ngự Nghi An - Phước Tường, từ ngày 25/12/1946 - 6/1/1947, bộ đội ta thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 phối hợp với dân quân địa phương và hai đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 100 (Trung đoàn 93) đã ngoan cường chiến đấu giữ vững phòng tuyến, trong đó quyết liệt nhất có trận tại cầu Nghi An…”. Nhận thấy giá trị lịch sử, chính quyền đã lên phương án để nơi đây thành khu di tích.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều năm qua, lấy lý do khai thác cải tạo trường bắn, Quân khu 5 hợp đồng với nhiều công ty khai thác đất đồi tại đây. Ban đầu là Công ty Nhật Nga, sau đó là Công ty Phước Nghĩa, nay là Công ty Tiến Thanh (đều có trụ sở tại Đà Nẵng). 
Cuối tháng 2/2014, thấy các đơn vị khai thác đất đã xâm phạm nghiêm trọng đến mồ mả, ông Đằng thay mặt người dân gửi đơn kiến nghị có xác nhận của phường lên UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu bảo vệ nguyên vẹn khu nghĩa trang. 
“Thế nhưng không một ai quan tâm đến kiến nghị của tôi. Tới ngày 5/5/2015 lái xe máy múc của đơn vị thi công tiết lộ họ xúc hài cốt đi đổ. Tôi lên kiểm tra hiện trường và phát hiện đơn vị khai thác đất đã xúc 400 ngôi mộ đem đi đổ san lấp mặt bằng các dự án. 400 ngôi mộ nay đổ ở đâu không ai biết”, cụ Đằng bức xúc.
Ngoài ra, còn hàng chục ngôi mộ tổ tiên của bà con làng Nghi An sau một đêm cũng đột nhiên “biến mất”. Đơn cử, hộ cụ Nguyễn Lư (87 tuổi, tổ 14C) có sáu ngôi mộ nằm cạnh khu vực nghĩa trủng Nghi An đã bị xúc đi không còn dấu vết, trong đó có mộ của ông nội, cha ông Lư.
Trước sai phạm này, ngày 8/5, người dân các tổ 14C, 15, 16C liên tục có đơn gửi đến UBND TP Đà Nẵng và các ngành chức năng kêu cứu. Sự việc vẫn chưa được giải quyết. Máy xúc, xe tải vẫn chở đất chạy suốt ngày đêm.
Hình ảnh đơn vị khai thác đất
 Hình ảnh đơn vị khai thác đất
Quá bất bình nhưng không biết kêu cứu ai nữa, ông Nguyễn Tiến Ca (tổ trưởng tổ dân phố 16C) vừa gọi điện, vừa nhắn tin vào điện thoại ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Theo ông Ca, lúc đó ông Thọ đang họp ngoài Trung ương. Các ngành chức năng TP lập đoàn đến kiểm tra. 
Đất quân đội, chính quyền “bó tay”? 
Ông Hồ Kỳ Minh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ xác nhận, qua kiểm tra, quận đã phát hiện Tiến Thanh hợp đồng với Quân khu 5 khai thác đất đồi, đã đào múc, vận chuyển khoảng 400 ngôi mộ. Số hài cốt lẫn trong đất này đổ làm đường, làm công trình các nơi. 
Ngoài ra còn có thêm 10 ngôi mộ bị đào, dân phát hiện đã cho bốc hài cốt, xây dựng lại. Trước mắt, quận yêu cầu dừng ngay việc khai thác đất và phải xây dựng bờ kè tại khu vực nghĩa trủng Nghi An, đồng thời báo cáo lên Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đề nghị có hướng xử lý trách nhiệm các cá nhân và đơn vị liên quan.
Cũng theo ông Minh, khu vực đất trên do quân đội quản lý, quận không thể can thiệp được. “Hằng năm, tới định kỳ, UBND phường và hội đồng chư phái tộc làng Nghi An mới được vào làm lễ. 
Quân đội quản lý nên chính quyền muốn vào phải có giấy phép. Còn lại những gì diễn ra trong thời gian khác, không ai biết. Các ngôi mộ này có từ thời chống Pháp, quận rất bức xúc khi đơn vị khai thác phớt lờ những ảnh hưởng về tâm linh của người dân”, Bí thư quận nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo người dân phản ánh, việc khai thác đất trên lấy danh nghĩa cải tạo trường bắn, nhưng thực tế đất được đem đi bán để khỏi phải nộp thuế, xin giấy phép và các thủ tục khác. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho hay: “Sở cũng như TP Đà Nẵng không hề cấp phép cho các đơn vị khai thác đất tại khu vực này. Việc này do Quân khu 5 tự hợp đồng với công ty tư nhân để khai thác. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và đã đình chỉ khai thác nhưng họ vẫn làm”. 
Gia đình cụ Nguyễn Lư có 6 ngôi mộ bị xâm phạm
  Gia đình cụ Nguyễn Lư có 6 ngôi mộ bị xâm phạm
Ông Điểu cũng xác nhận, do khu vực nghĩa trang thuộc quyền quản lý của Quân khu 5 nên TP rất khó xử lý. Có thể số lượng đất được khai thác thời gian qua đã đưa đi san lấp mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng -Quảng Ngãi và các dự án làm đường khác trên địa bàn TP. 
Khi Sở cùng các ngành của TP làm việc với Quân khu 5, bên quân đội giải thích, do sử dụng vũ khí mới cho nên trường bắn phải mở rộng để đạt yêu cầu. Đất đào ra không có chỗ đổ, mới cho phép các doanh nghiệp khai thác. 
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản khẩn chỉ đạo UBND TP xử lý và báo cáo gấp vụ việc. Hiện tại được biết, quận phối hợp Công an phường Hòa Phát đã chụp ảnh lại toàn bộ khu vực bị xâm phạm, lấy ý kiến của nhân chứng, thông tin từ những người bốc mộ chuyển về Công an quận Cẩm Lệ, để hoàn chỉnh hồ sơ.
Người làng Nghi An yêu cầu các ngành chức năng phải có biện pháp tìm kiếm lại 400 ngôi mộ đã bị bốc đi đưa về mai táng, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến hành vi xâm phạm mồ mả.

Đọc thêm