“Án chồng án” - do năng lực hay muốn “lách luật”?

(PLO) -Một tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai đương sự tại thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, Phú Thọ đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật nhưng TAND huyện Tam Nông vẫn thụ lý và ra phán quyết như một vụ án mới. Để  tạo “vỏ bọc” theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, Tòa này đã “gắn” tên cho vụ kiện này là “tranh chấp mốc giới”…

Bác đơn đòi đất
Cho rằng gia đình mình bị thiếu đất so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), năm 2011 ông Phan Hữu Nghị (trú tại khu Tân Hưng, thị trấn Hưng Hóa) đã khởi kiện đòi 8,7m2 đất của gia đình hàng xóm là bà Nguyễn Thị Bích Hòa.
Xử sơ thẩm vụ kiện vào ngày 24/5/2011, TAND huyện Tam Nông đã ra phán quyết buộc bà Hòa phải trả cho nguyên đơn 6m2 đất. 
Tuy nhiên, bản án này đã bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên sửa theo hướng bác đơn khởi kiện của ông Nghị với nhận định: tại phần đất tranh chấp thì gia đình bà Hòa đã làm căn nhà cấp 4 từ năm 1992. Đến năm 2003, gia đình ông Nghị được cấp GCNQSDĐ, hai bên đều không có ý kiến gì. Đến năm 2009, khi bà Hòa tháo dỡ căn nhà cấp 4 để xây nhà mới (cấp 3) thì ông Nghị mới cho rằng bà Hòa lấn đất nhà mình. Nhưng hiện tại phần đất tranh chấp vẫn còn móng nhà cũ của gia đình bà Hòa. Hơn nữa, theo xác định của địa phương thì diện tích đất của ông Nghị hiện có là 363,7 m2, tức là thừa 0,7m2 so với GCNQSDĐ.
Như vậy thì việc ông Nghị đòi diện tích đất giáp ranh với bà Hòa đã bị bản án phúc thẩm (có hiệu lực từ tháng 9/2011) bác bỏ, đồng nghĩa với việc bà Hòa không hề lấn đất của ông Nghị.
Bi hài cảnh “bình mới, rượu cũ”
Thế nhưng đến năm 2015, ông Nghị lại có đơn khởi kiện đến TAND huyện Tam Nông cho rằng đất nhà ông bị thiếu, đề nghị Tòa “xác định mốc giới đất” với nhà bà Hòa.
Theo Điều 164 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì đơn khởi kiện  phải nêu cụ thể các yêu cầu đề nghị Toà án giải quyết đối với bị đơn. Tuy nhiên, đơn khởi kiện của ông Nghị lại có nội dung “chung chung” là “đề nghị Tòa xác định mốc giới” mà không nói rõ mốc giới nhà mình tới đâu, bị thiếu bao nhiêu đất, bà Hòa phải trả bao nhiêu đất?
Ngoài ra, theo Điều 25 BLTTDS quy định về tranh chấp thuộc thẩm quyền của tòa thì không quy định về loại án “tranh chấp mốc giới” mà chỉ có “tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất”.
Thế nhưng không hiểu sao TAND huyện Tam Nông vẫn thụ lý đơn của ông Nghị và “gán” tên cho vụ kiện này là “tranh chấp mốc giới quyền sử dụng đất” trong đó nguyên đơn, bị đơn và người liên quan y hệt như vụ kiện mà Tòa này đã thụ lý trước đó hơn 4 năm. Cũng không hiểu Tòa xác định giá trị của mốc giới này là bao nhiêu mà tính tạm ứng án phí cho ông Nghị là 200.000đ?
Như vậy, vụ “tranh chấp mốc giới” này có bản chất giống hệt vụ “tranh chấp quyền sử dụng đất” đã có phán quyết từ năm 2011 bởi ông Nghị đều yêu cầu được sử dụng phần đất (hiện để trống) giữa hai nhà. Vả lại, để “xác định mốc giới đất” thì đương nhiên phải xác định quyền sử dụng đất của hai nhà, tức là phải giải quyết tranh chấp đất.
Vậy nhưng TAND huyện Tam Nông vẫn cố tình lờ đi việc tranh chấp trên đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực, ra bản án mới công nhận ông Nghị được sử dụng 11,3m2 đất trống giữa hai nhà.
Nếu bản án sơ thẩm này có hiệu lực, không hiểu cơ quan thi hành án sẽ phải thi hành như thế nào khi mà bản án mới thì phán đất của ông Nghị, trong khi bản án cũ lại tuyên  ông Nghị không có quyền đòi diện tích đất này.
Lấn quyền Ủy ban
Đơn khởi kiện của ông Nghị đề nghị Tòa xác định mốc giới với đất bà Hòa để đủ diện tích 363m2 như trong GCNQSDĐ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm của TAND huyện Tam Nông lại “hào phóng” cho ông Nghị sử dụng tới 381,7 m2, bao gồm cả 19,9m2 đất trống không nằm trong GCNQSDĐ (giáp nhà ông Dự), không thuộc diện tích tranh chấp với gia đình bà Hòa.
Theo một số luật sư thì với phán quyết trên, không những Tòa giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự mà còn “lấn quyền” của chính quyền. Theo quy định thì Tòa án chỉ giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất đã có GCNQSDĐ. Còn nếu đất chưa có GCNQSDĐ mà tranh chấp thì do UBND cấp huyện giải quyết. Trong trường hợp này, nếu ông Nghị cho rằng GCNQSDĐ của mình thể hiện thiếu 19,9m2 hoặc có nhu cầu sử dụng đất lưu không ngoài GCNQSDĐ thì cần làm thủ tục điều chỉnh lại GCNQSDĐ đã cấp hoặc đề nghị chính quyền hợp thức hóa đất cho mình. Tòa án không thể tự ý lấy đất lưu không, đất công để cho không một cá nhân như trên.
Được biết, bản án sơ thẩm của TAND huyện Tam Nông đã bị VKSND tỉnh Phú Thọ kháng nghị theo hướng hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
Báo PLVN sẽ thông tin tiếp về kết quả phiên tòa phúc thẩm tới đây.
 Mở phiên tòa rồi mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử:
Ngày 18/9/2015, bà Đào Thị Mai Hoa, Thẩm phán TAND huyện Tam Nông đã ký Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2015/DSST- QĐ ấn định thời gian mở phiên tòa vào 7h30 ngày 30/9/2015 với Hội thẩm nhân dân (HTND) là ông Nguyễn Hữu Hưng, bà Nguyễn Thị Suyến (HTND dự khuyết là ông Phan Duy Hưng, Nguyễn Hồng Nguyên). Tuy nhiên, ông Hưng và ông Nguyên lại chính là hai HTND trong Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Nghị và bà Hòa năm 2011.
Theo trình bày của bà Hòa thì 2 ngày trước khi có quyết định mở phiên tòa nêu trên, bà đã được triệu tập đến tham gia phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, phiên tòa ngày 16/9 này đã bị hoãn. Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2015 nêu lý do “nguyên đơn ông Phan Hữu Nghị vắng mặt có lý do lần thứ nhất” (không thấy ghi tên kiểm sát viên) và tên HTND lại là ông Lê Bá Kỳ và bà Nguyễn Thị Phương.
Đến phiên tòa ngày 30/9 thì HTND lại là ông Dương Văn Tịnh và Phạm Ngọc Thi.
Như vậy, đã có vi phạm nghiêm trong về tố tụng khi thẩm phán cho mở phiên tòa trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, rồi tùy tiện trong việc phân công và thay đổi HTND.

Đọc thêm