Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Cty Cổ phần khoáng sản Hùng Vương

(PLO) - Báo Pháp Luật Việt Nam số ra ngày 19/11/2015 có bài “Dân lao đao vì doanh nghiệp khai thác quặng” phản ánh về hoạt động khai thác quặng của Cty cổ phần khoáng sản Hùng Vương làm ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống người dân địa bàn xã Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ.
Một trong những đập chống xô lũ của Cty Hùng Vương.
Một trong những đập chống xô lũ của Cty Hùng Vương.
Sau khi báo đăng, Cty cổ phần Khoáng sản Hùng Vương (Cty Hùng Vương) đã có văn bản hồi âm nhằm lý giải về tình trạng trên.
Theo Cty Hùng Vương thì từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cty luôn thực hiện đúng Giấy phép khai thác và thực hiện nghiêm túc cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường, đồng thời thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo đúng cam kết và đã xây dựng được hàng loạt công trình hồ, đập tại nơi khai thác và chế biến khoáng sản nhằm chống xô lũ. 
Tuy nhiên vào đêm 24/6/2015 và đêm 17/9/2015, trên địa bàn xã Dị Nậu đã xảy ra hai trận mưa rất to làm quá tải các công trình tránh xô lũ, gây tràn bờ suối và tràn một số đoạn bờ đập chống xô lũ, do vậy đã ảnh hưởng đến một số diện tích trồng lúa nằm dọc theo bờ suối từ xứ Đồng Vỡ xuống xứ Đồng Óc, với diện tích bị ảnh hưởng khoảng hơn 8ha. Đây là diện tích hàng năm người dân vẫn canh tác, vì vậy ngay sau trận mưa, Cty Hùng Vương đã khắc phục san gạt mặt bằng trả lại diện tích canh tác cho người dân. 
Hiện ở xã Dị Nậu chỉ có rừng sản xuất và theo số liệu thống kê của UBND xã Dị Nậu, từ năm 1995 trở về trước do người dân chặt phá, đốn củi nên núi bị xói mòn, chất đất bị tàn kiệt dẫn đến nhiều diện tích đất trở thành đất trống, đồi núi trọc. Sau năm 1995, rừng mới được trồng theo Dự án, Chương trình 327, 661 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nên phần nào bị ảnh hưởng sau mỗi trận mưa. Việc sản xuất của người dân thực hiện theo vụ, thu hoạch mỗi vụ khác nhau, do đó đối với diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân khi thu hoạch đạt từ 1,8 - 2,2tạ/sào. Riêng diện tích gieo cấy vụ mùa chủ yếu nằm ở các hang, dộc, chất đất xấu, do yếu tố thời tiết, sâu bệnh nên năng suất không cao. Do vậy, người dân không mặn mà với đồng ruộng nên diện tích gieo cấy vụ mùa thường bỏ không, có gieo cấy thì sản lượng cũng thấp. Đối với diện tích bị xô lũ, Cty Hùng Vương đã khẩn trương khắc phục san ủi trả lại mặt bằng để người dân tiếp tục canh tác một cách bình thường.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Dị Nậu, ngoài Cty Hùng Vương còn có Cty TNHH khoáng sản Thành Phương khai thác và chế biến khoáng sản. Do vậy, không thể nói việc một số hộ dân lấy nước vào ao khiến cá chết hàng loạt cũng  như lợn bị tiêu chảy là do các hộ dân lấy nước từ nguồn nước suối trong phạm vi khai thác của Cty Hùng Vương và bị ảnh hưởng xô lũ từ khu vực khai thác của Cty Hùng Vương… Bên cạnh đó, hàng năm sản lượng hàng hoá của Cty Hùng Vương sản xuất không lớn (bình quân một ngày vận chuyển 140 tấn) nên việc gây ra bụi không đáng kể. Trong quá trình vận chuyển, Cty Hùng Vương đều có xe tưới nước chuyên dụng để giảm thiểu bụi; đồng thời hàng năm Cty Hùng Vương đều thực hiện duy tu, bảo dưỡng đường giao thông với 100% chi phí do Cty bỏ ra. Năm 2013 Cty Hùng Vương đã đầu tư 176.218.000đ, năm 2014: 218.128.000đ và năm 2015: 313.872.000đ… để sửa chữa, bảo dưỡng, duy tu đường giao thông phục vụ việc vận chuyển quặng của Cty cũng như phục vụ việc đi lại của người dân địa phương.
Cty Hùng Vương đã thực hiện đúng Giấy phép khai thác và thực hiện nghiêm túc cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. PV
Cty Hùng Vương (địa chỉ: Khu 3, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) có Giấy phép đăng ký kinh doanh được Sở KH&ĐT tỉnh Phú Thọ cấp thay đổi lần 2 ngày 26/06/2013, được UBND tỉnh Phú Thọ gia hạn giấy phép khai thác quặng Caolin-Fenspat tại mỏ Đồi Gianh - Ba Tri, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông và xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ tại Quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 28/7/2011. 
Ngày 11/6/2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 1956/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo, phục hồi môi trường Dự án “Đầu tư khai thác, chế biến Kaolin-Fenspat” tại mỏ Đồi Gianh - Ba Tri, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông và xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ của Cty Hùng Vương. 
Đến nay sản phẩm của Cty Hùng Vương đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và thu nguồn ngoại tệ không nhỏ, đóng góp vào ngân sách địa phương; đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân 3.500.000đ/người/tháng. Ngoài ra, Cty Hùng Vương còn thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động như: Nộp 100% BHXH, BHYT, BHTN cho công nhân...; ủng hộ các chương trình dân sinh, từ thiện nhân đạo do chính quyền địa phương phát động.

Đọc thêm