Bé trai câm điếc từng bị kẻ ngáo đá đánh đập trong khách sạn, giờ ra sao?

(PLO) - Ba năm sau vụ việc bị đối tượng “ngáo đá” đưa vào khách sạn hành hạ, đánh đập đến nay tâm lý cháu Tú đã dần ổn định. Nhưng vết thương lòng vẫn hằn sâu trong tâm trí đứa trẻ câm điếc và người thân.
Bố con anh Sỹ sau gần 3 năm xảy ra sự việc chấn động dư luận.
Bố con anh Sỹ sau gần 3 năm xảy ra sự việc chấn động dư luận.

Ký ức buồn

Gần 3 năm sau vụ việc xôn xao dư luận cả nước liên quan đến con trai mình, vết thương vẫn còn rỉ máu trong trái tim vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ 50 tuổi, ngụ xóm 17, xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Mỗi khi nhắc đến chuyện buồn của con trai, lòng anh lại nhói đau. “Hiện tâm lý con tôi đã ổn định hơn trước. Nhưng mỗi khi nhớ lại các vết thương khắp mặt, vùng kín của con trai, một người làm bố như tôi vô cùng xót xa” - anh Sỹ chia sẻ.

Nếu như lúc trước, vì cuộc sống mưu sinh hai vợ chồng thường để em Nguyễn Anh Tú (17 tuổi) chơi ở nhà một mình thì nay họ đã quan tâm hơn đến đứa con bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ. “Sau cú sốc tinh thần và nỗi đau thể xác, giờ con trai tôi đã bớt hoảng loạn, tính tình vui vẻ hơn. Cháu đã mạnh dạn đi chơi, nhưng với người lạ nó vẫn còn e dè lắm. Do đó, thường ngày luôn có người trông chừng cháu” - lời anh Sỹ.

Vụ việc chấn động ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ vốn bị câm điếc bẩm sinh xảy ra cách đây gần 3 năm. Trước đó, Nguyễn Thanh Sơn SN 1972, ngụ phường Hà Huy Tập, TP Vinh, thuê phòng trọ tại nhà anh Dũng (anh ruột anh Sỹ) thường xuyên qua nhà anh Sỹ chơi.

Biết cháu Tú bị câm điếc, thiểu năng trí tuệ, Sơn thường hay đưa đi chơi, hôm thì vài tiếng, hôm kéo dài vài ngày. Vợ chồng anh Sỹ thấy người hàng xóm sống sát nhà đối xử tốt với con mình nên rất vui mừng, biết ơn. Ngày 19/8/2014, Sơn sang nhà anh Sỹ xin đưa cháu Tú đi chơi ít hôm. Nghĩ như những lần trước nên người bố liền đồng ý.

Suốt quá trình đó, hai bên vẫn điện thoại thông tin cho nhau. Biết cháu Tú vẫn khỏe, ăn uống bình thường, hai vợ chồng hoàn toàn yên tâm, không chút nghi ngờ. Khi đưa cháu Tú đi, Sơn lần lượt thuê các khách sạn: Media, Thượng Hải, Mường Thanh trên địa bàn TP Vinh. Tối 13/9, Sơn đưa bé trai đến khách sạn Hoàng Anh 1 (cách nhà của vợ chồng anh Sỹ chừng 500m) thuê phòng ở. Thấy thể trạng cháu Tú yếu, Sơn đã mua mì tôm, trứng về pha cho ăn. Trong thời gian ở tại đây, người đàn ông này còn đưa đứa trẻ câm điếc đi chơi một số nơi.

Tối 15/9, Sơn có việc đi ra ngoài. Khoảng 21h đêm về đến phòng thì thấy Tú tiểu tiện ra chăn nên Sơn bực mình dùng tay đánh đập bé trai. Sơn còn lột thắt lưng quật nhiều phát vào ngực, lưng, bụng, tai rồi lại đưa vào phòng vệ sinh tắm rửa. Khi cởi quần áo ra Sơn phát hiện thấy Tú lở loét, tróc da ở hậu môn và dương vật nhưng không hề mua thuốc về chữa trị. Sau đó, người đàn ông này đã để mặc bé trai ở khách sạn, còn mình “cao chạy xa bay”. Chiều ngày hôm sau, bảo vệ khách sạn phát hiện cháu bé có dấu hiệu bị thương nặng ở vùng mặt, người nên đã thông báo lên cơ quan công an. Nhận được tin báo, lực lượng công an TP Vinh lập tức có mặt đưa cháu bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An.

Ngày 11/03/2015, TAND TP Vinh đã mở phiên xét xử sơ thẩm Nguyễn Thanh Sơn. Tại phiên tòa hôm đó, Sơn đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi. Trong thời gian bị bắt tạm giam, gia đình Sơn đã đến xin lỗi, hỏi thăm gia đình cháu Tú, gia đình cháu Tú cũng đã có đơn xin giảm án cho Sơn. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Sơn 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, buộc bồi thường cho gia đình bị hại hơn 40 triệu đồng.

Cố quên quá khứ

Ngồi bên đứa con bị khiếm thanh, khiếm thính và thiểu năng trí tuệ, anh Sỹ chia sẻ, sự việc xảy ra khiến cuộc sống gia đình bị xáo trộn thời gian dài, nhất là với cháu Tú. Trong suốt thời gian con trai chịu đau đớn bởi các vết thương, vợ chồng anh chị phải thay phiên nhau túc trực.

Mọi công việc mưu sinh hàng ngày họ phải tạm gác lại khiến cho cuộc sống vốn đã khó khăn càng túng thiếu hơn. “Mỗi ngày trôi đi đối với hai vợ chồng tôi dài vô tận. Con tôi nằm viện 11 ngày thì được đưa về nhà điều trị. Vì nó không thể nói được nên những lần lên cơn đau chỉ biết ú ớ, kêu rên. Thấy con như vậy, vợ chồng tôi xót lắm, chỉ biết nhìn nó rơi nước mắt” - anh Sỹ nhớ lại.

Được biết, hoàn cảnh gia đình vợ chồng anh Sỹ rất khó khăn. Sau khi lấy nhau, đôi vợ chồng trẻ háo hức chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui đó chẳng trọn vẹn khi họ biết rằng con mình bị tật bẩm sinh. Ngoài việc không nói được thì mãi 5 tuổi, Tú mới bắt đầu tập tễnh bước đi trong hình hài xiêu vẹo. Người con thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời khiến kinh tế đã eo hẹp, càng chật vật hơn. Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, vào năm 2011, trong một vụ tai nạn giao thông, anh Sỹ bị xẹp tủy sống và mất khả năng lao động, gánh nặng đặt hết lên vai người vợ. 

Nhắc đến kẻ đã khiến tâm lý và thể xác con mình bị ảnh hưởng, anh Sỹ tâm sự: “Sau phiên tòa xét xử năm đó, gia đình tôi cũng không còn biết thông tin gì về Sơn nữa. Đây xem như là bài học của hai vợ chồng, giờ oán trách họ càng khiến mình thêm đau đớn. Thôi thì tha thứ cho lòng nhẹ nhõm. Gia đình tôi chỉ mong sao con mình trở lại như xưa”.

Đọc thêm