Bệnh viện Da liễu Hà Nội: Chi trả chế độ ưu đãi nghề sai quy định?

(PLO) - “Công tác tại Bệnh viện Da Liễu Hà Nội và chủ yếu làm các xét nghiệm về bệnh truyền nhiễm, nhưng mức hưởng trợ cấp theo nghề lại không tương xứng theo Nghị định của Chính phủ” là phản ánh của bà Nguyễn Thị Thảo (trú tại số 36, ngõ 3 Nguyễn Viết Xuân, Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội). 

Khuất tất việc chi trả ưu đãi nghề

Bà Thảo cho biết: Trước đây là nhân viên của Trung tâm Da liễu Hà Nội (TTDL) khu vực Hà Đông, TP Hà Nội. Năm 2013, TTDL sáp nhập vào Bệnh viện Da Liễu Hà Nội (BVDL) và bà thường xuyên làm các xét nghiệm về bệnh truyền nhiễm như: Lậu, Trichomonas, Candida…

Theo quy định tại tiết b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức (CCVC) công tác tại các cở y tế công lập thì bà được hưởng mức phụ cấp 60%. Tuy nhiên, BVDL duyệt phụ cấp theo nghề cho bà ở mức 50%, giống như các CCVC không làm xét nghiệm độc hại. 

“Thời điểm tôi còn công tác tại BVDL, tôi thường xuyên, trực tiếp thăm khám các bệnh nhân truyền nhiễm, nhưng không hiểu sao tôi chỉ được duyệt phụ cấp ưu đãi 50%. Trong khi đó, trong một bảng thanh toán tiền lương vào tháng 6/2013 của TTDL thì một số cán bộ khoa khác lại được hưởng mức trợ cấp lên tới 70%. BVDL đã cố tình làm sai quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho tôi”, bà Thảo trình bày. 

Bà Thảo còn tố cáo sai phạm trong hoàn trả chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật năm 2013 của BVDL và theo Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm bà vẫn được hưởng. Tuy nhiên, ngày 10/10/2014, BVDL đã gửi Thông báo số 511/TB-BVDL cho toàn thể người lao động với nội dung không thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật.  

“Trong quá trình tố cáo, khiếu nại đến các cấp theo đúng trình tự của Luật Khiếu nại, tố cáo và tôi cũng nhận được một số hồi đáp, nhưng tôi không đồng ý vì trả lời không thảo đáng, thuyết phục. Tôi nghĩ trong vấn đề này có sự bao che”, bà Thảo cho biết.

Chưa thỏa đáng?

Trao đổi với PV về phản ánh của bà Thảo - ông Nguyễn Thế Vỹ - Trưởng phòng Tổ chức hành chính – BVDL cho biết: Về mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề với khối Xét nghiệm, Hội đồng lương Bệnh viện đã thông qua mức hưởng là 50%, bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục chỉ là một trong nhóm của bệnh truyền nhiễm.

Vì vậy, khi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không thể đại diện cho cả chuyên khoa truyền nhiễm nên không thể hưởng mức 60% như chuyên khoa truyền nhiễm. Hơn nữa, các bệnh lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ dưới 10% trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở 1 BVDL, còn cơ sở 2 là 0 bệnh nhân/năm. Nếu có bệnh nhân xét nghiệm cũng không đảm bảo yếu tố tiếp xúc thường xuyên, liên tục. Do vậy, không đủ điều kiện hưởng mức 60% phụ cấp ưu đãi. 

Ngày 20/5/2013, Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 1246/SYT-TCCB trả lời các kiến nghị của bà Thảo, cho rằng: “…Bệnh lậu, giang mai, Trichomonas… thuộc nhóm C của bệnh truyền nhiễm và Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm. Trên cơ sở đó, tại tiết n khoản 4 Điều 5 Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14/1/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định Phòng khám chuyên khoa Da liễu: Khám bệnh, chữa các bệnh về da, bệnh phong và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy, bệnh lậu, giang mai, Trichomonas… thuộc chuyên ngành Da liễu”.

“Việc chi trả phụ cấp mức 70% đối với ông Nguyễn Tòng Xuân, ông Đinh Doãn Thạch và bà Trần Thị Thu Thủy năm 2013, Giám đốc BVDL Hà Nội đã đề nghị TTDL Hà Đông cũ rà soát lại, nếu thời gian tiếp xúc với bệnh nhân không thường xuyên, liên tục sẽ truy thu lại. Bệnh viện đề xuất phương án chấm công theo ngày, hưởng theo ngày tiếp xúc với bệnh nhân: 50% trong ngày tiếp xúc với bệnh nhân và 20% trong ngày không tiếp xúc với bệnh nhân”, ông Vỹ cho biết. 

Liên quan đến chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, ông Vỹ cho rằng, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho cán bộ viên chức và người lao động, bệnh viện đã mời Cty TNHH Tư vấn môi trường Hà Nội đo quan trắc xác định mức độ ô nhiễm, độc hại của môi trường tại 3 cơ sở. Bệnh viện cũng đã kí hợp đồng kiểm tra môi trường lao động tại 3 cơ sở và  cho thấy điều kiện lao động tại đây không còn yếu tố nguy hiểm.

Chính vì thế, ngày 7/10/2014, Hội đồng lương của Bệnh viện đã họp về việc dừng thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật. Ngày 10/10/2014, đã thông báo tới các khoa, phòng, CBVC và người lao động về việc dừng thực hiện chế độ. Ngày 31/7/2015, Bệnh viện đã lấy ý kiếm đóng góp của CCVC và người lao động sau 1 năm thực hiện dừng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đều nhất trí với việc dừng thực hiện chế độ từ năm 2014 và không có ý kiến gì khác. 

Tuy nhiên theo bà Thảo, tại cuốn chi tiêu nội bộ năm 2014 đã thể hiện rõ người lao động được hưởng chế độ phụ cấp ở mức hệ số từ 0,2 đến 0,4 theo Công văn số 6608/BYT-TCCB ngày 22/8/2005 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với CCVC ngành Y tế, đồng thời ngày 27/8/2014, Bệnh viện có Thông báo số 44/TB-TCHC về việc đăng ký danh mục sửa bồi thường độc hại bằng hiện vật năm 2014. 

“Như vậy, đồng nghĩa với việc tôi phải được hưởng chế độ độc hại. Vậy tại sao BVDL lại cắt giảm chế độ độc hại cho CCVC liệu có thỏa đáng? Câu trả lời xin gửi về lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.

Đọc thêm