Bị bắt, bị phạt vì tự làm đường nhựa dân sinh: Lạm quyền, ức hiếp dân lành?

(PLO) - Xây cầu làm đường dân sinh là việc công ích, là trách nhiệm của Nhà nước, trong điều kiện ngân sách hạn chế Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích vận động nhân dân cùng làm...
Ông Anh bên con đường do mình tráng nhựa.
Ông Anh bên con đường do mình tráng nhựa.

...Việc cá nhân bỏ tiền làm đường dân sinh lẽ ra đáng được biểu dương khen thưởng, thế nhưng ngay tại TP HCM đã xảy ra chuyện người làm đường dân sinh lại bị bắt còng tay như tội phạm, xe lu làm đường bị giam thiệt hại cả trăm triệu đồng, muốn được thả xe, đương sự phải làm cam kết “tháo dỡ công trình xây dựng không phép” phải đóng tiền phạt vi phạm hành chính. 

 Hai tháng qua, báo chí đã tốn nhiều bút mực thông tin về việc ông Bùi Hoàng Anh (39 tuổi, ngụ xã Trung An, Củ Chi) làm đường dân sinh cho người dân trên địa bàn ấp 6, xã Tân Thạnh Đông huyện Củ Chi, TP HCM bị bắt, bị phạt khá trớ trêu. Mới đây, ngày 2/7 công an xã lại bắt ông làm cam kết phải tháo dỡ con đường nhựa đã làm.

Làm công ích bị bắt như tội phạm

Ông Anh là nhà thầu chuyên thi công các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh miền Trung. Theo thông tin các báo, ông Anh có nhân thân tốt, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội không chỉ tại địa phương mà còn nhiều lần đến vùng sâu huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Ông cũng được nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương cư trú (xã Trung An) về phong trào vì an ninh Tổ quốc do nhiều lần thông tin tố cáo các hành vi chôn lấp chất thải trái phép ảnh hưởng tới môi trường địa phương. 

Vào cuối tháng 4 vừa qua, cho rằng tình cờ chứng kiến người dân trên địa bàn ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (giáp ranh với xã ông cư trú, nơi có các doanh nghiệp thường vi phạm chôn chất thải trái phép) bị tai nạn té xe do con đường trước nhà họ quá xấu, bị sình lầy ngập, ông Anh giúp đỡ và trao đổi với họ phương án làm lại con đường.

Người dân cho biết họ đang cư trú hợp pháp, trong sổ đỏ có thể hiện con đường trước nhà rộng 12m, sau đường là đất nông trường. Tất cả các hộ dân đều thuộc diện khó khăn nên không thể góp tiền làm đường, đã xin chính quyền hỗ trợ nhiều lần nhưng không được giải quyết.

Ông Anh cho rằng cám cảnh khó khăn này nên quyết đinh bỏ tiền túi làm đường và kêu gọi người dân góp công. Ông đã đổ 30 xe đá, 30 xe đất nâng mặt đường và hướng dẫn bà con làm vệ sinh hệ thống cống thoát.

Ngày 4/5, ông thuê xe lu hỗ trợ bà con tráng nhựa con đường dài khoảng 100m, bề rộng chừng 3m. Do người dân phụ việc khá đông nên con đường hoàn thành khá nhanh. Khoảng 8h30 sáng 4/5, công an xã và cán bộ xã đến yêu cầu ngừng thi công vì đường chưa được cấp phép. Ông Hoàng Anh giải thích, con đường này trời mưa trơn trượt, dễ gây té ngã cho người già và trẻ em nên hỗ trợ miễn phí làm đường. Tuy nhiên, cán bộ xã yêu cầu phải dừng và dùng nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Cán bộ xã thuê xe cẩu đến cẩu chiếc xe lu làm đường (đã rời hiện trường hơn 1 km) đem về trụ sở. Ông Hoàng Anh và người dân chuyển sang làm đường bằng máy đầm tay. Máy đầm hết xăng, ông Hoàng Anh dùng xe gắn máy chạy đi mua 2 lít xăng. Trên đường về, ông bị cán bộ, công an xã truy đuổi bị tai nạn giao thông ngã văng ra đường. Ngay sau đó, các cán bộ công an xã ập đến khống chế ông Anh, còng tay ông rồi đưa cả người lẫn xe về trụ sở xã. Ông Anh chân bị té ngã lại va chạm liên tục vào còng và vật cứng nên đến khoảng 21h đêm 4/5, vết thương sưng to, các cán bộ đưa ông đi bệnh viện chụp X quang, sau đó đưa trở về trụ sở xã tiếp tục còng giam đến 10h ngày 5/5 thì cho về nhà.

Xã: Đi mua xăng là có ý định đốt xe

Theo văn bản báo cáo của xã, diễn biến vụ việc xảy ra gay cấn như cuộc chiến trấn áp tội phạm là những người dân làm đường: “Vào lúc 8h ngày 4/5, Tổ công tác của UBND xã kiểm tra và phát hiện công trình làm đường không có giấy phép, không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. UBND xã đã lập biên bản đình chỉ thi công nhưng ông Anh không hợp tác nên UBND xã tạm giữ một xe lu của ông Anh và giao cho lực lượng công an cùng quân sự xã hỗ trợ áp giải chiếc xe trên đến trụ sở để giải quyết. Trong quá trình điều chuyển xe lu, do tài xế xe lu không hợp tác nên UBND xã thuê xe tải kéo xe lu về xã. 

Cho đến khoảng 11h15 cùng ngày, trong lúc xe tải đang kéo xe lu, có lực lượng công an, quân sự hộ tống phía sau, lúc này phát hiện ông Anh điều khiển xe gắn máy biển số 54Y6 – 8928 mang theo hai bình nhựa đựng xăng với ý định đốt xe tải, không cho kéo xe lu vi phạm. Lực lượng công an xã can ngăn. Ông Anh sử dụng hột quẹt đòi đốt lực lượng và dùng xăng tạt vào lực lượng công an. Khi đến trước cổng UBND xã, do xe tải phải rẽ vào, lúc này ông Anh chạy xe tông thẳng vào bên hông phần đầu xe tải rồi dùng bật lửa định đốt, lực lượng công an xã kịp thời khống chế và bắt giữ.

Qua xem xét hành vi trên của ông Anh có dấu hiệu “Chống người thi hành công vụ” nên công an xã đã báo cáo công an huyện chỉ đạo điều tra, xử lý theo thẩm quyền”.

Cũng theo báo cáo của xã, qua điều tra và xem xét hồ sơ vụ việc, ngày 5/5/2018, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi cho rằng hành vi của ông Anh chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” nên có văn bản giao Công an xã Tân Thạnh Đông xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ, hành vi gây rối trật tự công cộng đối với ông Anh và đã cho gia đình bảo lãnh.

Theo đó, xã đã tạm giữ xe gắn máy hiệu Airblade biển số 54Y6- 8928 là vật chứng nên công an xã tạm giữ và để đảm bảo cho công tác xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng; Tạm giữ điện thoại vì trong thời gian công an xã tạm giữ ông Anh chờ ý kiến chỉ đạo, để tránh trường hợp đương sự manh động, liên lạc với các đối tượng khác, công an xã đã tạm giữ điện thoại. Đến ngày 8/5 công an xã đã trả lại chiếc điện thoại trên cho ông Anh”.

Theo thông tin một số tờ báo phản ánh, sau khi xem báo cáo của lãnh đạo xã, nhiều luật sư cho rằng báo cáo này hoàn toàn mâu thuẫn, vì không thể nào thấy người khác đi mua xăng chạy máy đầm tay lại cho rằng họ có ý định đốt lực lượng chức năng. 

Còn theo một cán bộ xã trả lời báo chí, đã đặt ra nghi vấn mục đích thực sự đằng sau việc làm đường của ông Anh không phải làm từ thiện mà để phục vụ cho một số người có đất nền trên khu vực con đường chạy qua.

Lạm quyền, ức hiếp dân lành?

Trước báo cáo trên, nhiều người cho rằng ông Hoàng Anh không có hành vi chống người thi hành công vụ mà cũng không có hành vi cản trở người thi hành công vụ hay gây rối trật tự xã hội. Ông sẵn sàng hợp tác cùng về xã làm biên bản về vụ việc, ông không dùng sức mạnh hay thủ đoạn gì cản trở. Suy diễn hành vi mua xăng chạy máy là phạm tội thì bất cứ người dân nào cũng có thể thành tội phạm.

Hành vi của ông là cùng những người dân trải nhựa lát đường cho một đoạn đường ngắn trước nhà của họ. Đây là con đường hiện hữu đã thể hiện trong hồ sơ địa chính chứ không phải là làm đường mới, việc làm này không xâm phạm đến lợi ích công cộng hay an ninh quốc phòng. Vi phạm của ông Anh ở đây chỉ là vi phạm hình thức, thủ tục, tráng nhựa mặt đường mà không xin phép. Nhưng bù lại việc làm này mang lợi ích thiết thực cho các hộ dân hai bên đường và được dân đồng tình hưởng ứng. Lẽ ra chỉ cần nhắc nhở và hướng dẫn họ về thủ tục và các cam kết nghĩa vụ cần thiết nếu có. Việc truy bắt còng tay, giam giữ người và quy chụp nặng nề một việc làm hào hiệp của một công dân tốt là mất lòng dân. Việc phạt giam tài sản, phương tiện hành nghề của người dân và phạt tiền vô lý phần nào đó là sự lạm quyền ức hiếp dân lành.

Đăc biệt, sau khi vụ việc được báo chí đăng tải, chính quyền xã né tránh, hẹn 15 ngày trả lời báo chí theo từng câu hỏi để kéo dài thời gian xử lý vụ việc. Lẽ ra, với tầm nhìn trách nhiệm và sự am hiểu pháp luật cao hơn, UBND huyện cần lắng nghe phản ánh của dư luận báo chí, chỉ đạo kiểm tra, xác minh đúng bản chất sự việc, chứ không nên im lặng đáng sợ như đã qua.

Ngày 2/7, Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông và lãnh đạo công an xã đã mời ông Anh đến trụ sở xã để làm việc sau gần 2 tháng tạm giữ xe lu mà ông thuê. Tại buổi làm việc, xã buộc ông Anh cam kết sau khi được trả phương tiện, ông sẽ phá nát con đường nhựa mà ông đã làm để trả cho nó về con đường đất. Trao đổi với nhà báo, ông Anh nói: “Chiếc xe lu tôi thuê mỗi ngày 1,5 triệu đồng, tới nay tiền thuê xe đã gần 100 triệu đồng. Nếu không ngoan ngoãn chìu theo ý của lãnh đạo thì họ giam chừng một năm là tôi bỏ luôn xe”.

Việc buộc ông Hoàng Anh phải cam kết tháo dỡ mặt đường nhựa đã trải lại càng phản cảm và mất lòng dân. Chỉ trừ khi chứng minh được mặt đường nhựa ấy ảnh hưởng xấu đến lợi ích kinh tế địa phương hoặc an ninh quốc phòng một cách cấp thiết, tất cả những lý do khác đưa ra để buộc người dân bỏ đường nhựa để quay về con đường đất lầy lội là đi ngược lại sự phát triển, kéo lùi đời sống người dân./.

Đọc thêm