Bị “tố” lừa đảo, lãnh đạo Cty CP Đầu tư Vĩnh Cát quy trách nhiệm cho người lao động

(PLVN) - Sau khi bị anh B.V.R  và N.V.T, cùng ngụ tại huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng “tố” lừa đảo xuất khẩu lao động, lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát khẳng định không liên quan đến sự việc. Trong khi đó, bà Lê Hồng Vân, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát tự xưng, đã bị cho nghỉ việc từ tháng 4/2019. 
Trụ sở Cty CP Đầu tư Vĩnh Cát, nơi ông Hòa giữ chức Phó tổng Giám đốc
Trụ sở Cty CP Đầu tư Vĩnh Cát, nơi ông Hòa giữ chức Phó tổng Giám đốc

Ước mộng tan vỡ nơi trời Tây

Theo đơn kêu cứu gửi Báo Pháp Luật Việt Nam, năm 2018, qua giới thiệu, 2 lao động trên có gặp ông Phạm Văn Kim và ông Đặng Đình Hòa, Phó tổng giám đốc Cty CP đầu tư Vĩnh Cát  tại Nam Định. Ông Hòa và ông Kim “quảng cáo” có thể đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Qua các cuộc gặp gỡ, người lao động được phát thông báo tuyển lao động đi làm việc có thời hạn tại Slovakia, thông báo này được đóng dấu đỏ của Cty Vĩnh Cát. 

Thông báo tuyển lao động đi Slovakia của Cty CP đầu tư Vĩnh Cát
Thông báo tuyển lao động đi Slovakia của Cty CP đầu tư Vĩnh Cát

Theo "quảng cáo", khi đi lao động tại Slovakia, người lao động sẽ có thu nhập dự kiến từ 1.500 - 2.000 EUR/tháng, tương đương khoảng 40-55 triệu VNĐ/tháng với các ngành nghề thợ hàn, thợ lắp máy, thợ cơ khí. Để được đi lao động tại nước ngoài, ngoài các điều kiện về sức khỏe, thân nhân, người lao động phải có trình độ văn hóa từ cấp 3 trở lên hoặc cấp 2 có chứng chỉ nghề. 

Sau đó, 5 người lao động tại huyện Vĩnh Bảo, trong có anh R và anh T đã lên số 9, ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội để gặp ông Hòa, ông Kim và bà Lê Hồng Vân, người xưng là giám đốc Công ty Vĩnh Cát để ký hợp đồng. Tại địa chỉ này treo biển rõ ràng "Phòng Nghiệp vụ số 8, Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát". 

Phòng nghiệp vụ số 8, Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát tại ngõ 39 Phạm Tuấn Tài
Phòng nghiệp vụ số 8, Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát tại ngõ 39 Phạm Tuấn Tài

Khi đó, người lao động được ông Kim, ông Hòa, bà Vân tư vấn rằng ký ở mức 686 EUR/tháng là mức lương để “tránh thuế”, vừa tốt cho công ty, vừa tốt cho người lao động. Theo lời ông Hòa giới thiệu, chỉ cần biết hàn thôi thì sang Slovakia làm việc đã được hưởng lương cao 1.500 đến 2000 EUR/tháng chứ không phải ở mức 686 EUR/tháng như trên.

Sau đó, 3 người này có phổ biến cho người lao động đi học lấy chứng chỉ hàn tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo anh R, thực tế anh này chưa tốt nghiệp cấp 2 và chứng chỉ thợ hàn anh này có được là do được những người môi giới trên đồng ý cho người thi hộ. Không chỉ có anh R mà hàng chục lao động khác cũng được bố trí người thi hộ. Sau đó, người lao động được tư vấn rằng chỉ cần nộp 8.000 USD/người là đủ toàn bộ chi phí để sang Slovakia lao động theo đơn hàng đóng tàu.

Tin nhắn ông Hòa trao đổi với người nhà anh R. (Ảnh:NVCC)
Tin nhắn ông Hòa trao đổi với người nhà anh R. (Ảnh:NVCC)
 
Ông Hòa gửi chuyển phát tài liệu cho người nhà anh R.. bằng số điện thoại 0913.238.187 (Ảnh: NVCC)
Ông Hòa gửi chuyển phát tài liệu cho người nhà anh R.. bằng số điện thoại 0913.238.187 (Ảnh: NVCC)

Tính đến tháng 3/2019, người lao động nhiều lần lên Phòng nghiệp vụ số 8 của Công ty Vĩnh Cát tại địa chỉ số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội gặp ông Kim, ông Hòa và bà Vân nộp tiền lệ phí bay, khám sức khỏe. 

Đến ngày 2/3/2019, 28 lao động, trong đó có 2 người làm đơn trên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bay sang Slovakia để bắt đầu làm việc tại công ty TAPRAVAGONKA có trụ sở tại Stefanikova 887/53, 05801 Poprad. 

Bà Vân, áo trắng, ra sân bay tiễn 28 lao động sang Slovakia
Bà Vân, áo trắng, ra sân bay tiễn 28 lao động sang Slovakia 

Trao đổi với phóng viên, anh R. cho biết: "Sang đến nơi, tôi mới vỡ lẽ rằng đã bị lừa. Thay vì công việc thợ hàn như đã hứa, hầu hết chúng tôi không có việc gì làm, chỉ ngồi chơi. Hàng tuần đều không có việc làm thêm. Tiền nhà trọ thì mất 150 UER/tháng. Tiền lương thì chỉ nhận ở mức 686 EUR/tháng nhưng bị trừ 49% các khoản thuế và bảo hiểm. Thu nhập thực nhận chưa đầy 10 triệu/tháng. Do đó, các lao động đã làm đơn gửi Công ty Vĩnh Cát và Cty TAPRAVAGONKA kiến nghị đòi quyền lợi".

Đơn kiến nghị với 26 chữ ký của người lao động tại Slovakia
Đơn kiến nghị với 26 chữ ký của người lao động tại Slovakia

Không chỉ vậy, thấy tiền lương quá thấp, người lao động đành gọi điện về cho bà Vân để thắc mắc. Bà Vân nói "thử mượn bảng lương của người Việt Nam đã làm tại đấy xem thực tế họ thu nhập được bao nhiêu. Chị cũng không rõ bên đó người ta trừ những cái gì nhưng với tất cả lao động đến công ty, chị đã tư vấn rất kỹ vì lượt đầu này là chính chị tư vấn". Sau đây là đoạn ghi âm do người lao động cung cấp:

Sau lá đơn này, để "xoa dịu" người lao động, phía Công ty Vitium Spol, SR.O có địa chỉ tại Zelena 2, 81101, Bratislava, Slovakia, đơn vị được người lao động ủy quyền làm thủ tục cấp visa đã hứa sẽ không tính 1 đến 2 tháng tiền nhà. 

Anh R cho hay: "Do không đúng với những gì chúng tôi được tư vấn khi ở Việt Nam, đến nay, nhiều lao động đã tìm mọi cách để kiếm công việc khác nhưng không được".

Sự thật về vị "giám đốc" mang tên Lê Hồng Vân

Để làm rõ những nội dung người lao động phản ánh, PV báo PLVN đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Vĩnh Cát. Ông Sơn cho hay, 2 người lao động làm đơn kêu cứu trên không ký hợp đồng xuất khẩu lao động với Cty Vĩnh Cát. Ông Sơn khẳng định, trên thực tế, 2 người này đi sang Slovakia lao động theo hợp đồng tư nhân, trong đó ông Hòa, Phó tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Cát chỉ "giúp đỡ" họ làm thủ tục visa. 

Tại buổi làm việc ngày 26/6/2019 vừa qua, đại diện phía Cty Vĩnh Cát xác nhận, bà Lê Hồng Vân thực chất chỉ là Trưởng phòng Thị trường Trung Đông và các thị trường khác, không phải là Giám đốc của Cty Vĩnh Cát. Bà Vân đã bị doanh nghiệp này chấm dứt hợp đồng lao động từ 26/4/2019 do vi phạm thỏa ước về lao động và nội quy lao động của công ty.

Phía người lao động khẳng định, trong sự việc này, ông Kim là người thu tiền, bà Vân và ông Hòa giữ vai trò môi giới. Không chỉ về Nam Định gặp gỡ, ông Hòa còn về tận gia đình nhà anh R gặp người thân của anh này để "nói chuyện" về mức lương 686 EUR. Ngoài ra, ông Kim, ông Hòa và bà Vân cũng dẫn người lao động đi học lấy chứng chỉ nghề và "tận tình" đưa tiễn người lao động ra sân bay Nội Bài để họ sang Slovakia lao động.  

 
Tin nhắn ông Hòa trao đổi với người thân của người lao động (Ảnh: NVCC)
Tin nhắn ông Hòa trao đổi với người thân của người lao động  (Ảnh: NVCC)

Ông Đặng Đình Hòa, Phó tổng Giám đốc Cty Vĩnh Cát khẳng định chỉ "nói chuyện" với người lao động và đưa họ ra sân bay vì "tình cảm". Để phủ nhận sự liên quan đến việc đưa người lao động đi xuất khẩu sang Slovakia, ông Hòa còn khẳng định phía Cty Vitium Spol, SR.O nói trên, cũng là đối tác của Cty Vĩnh Cát đã cử người đại diện đến Việt Nam trực tiếp thu tiền xuất khẩu lao động của 28 lao động nói trên. 

Theo giấy ủy quyền của người lao động cho Cty Vitium Spol, SR.O thể hiện, doanh nghiệp này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vậy, nếu đúng như lời ông Hòa nói, việc làm của Cty Vitium Spol, SR.O tổ chức tuyển lao động, đào tạo, thi chứng chỉ, sát hạch, thu tiền, tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài có đúng với quy định của pháp luật?

Văn bản thể hiện ông Kim nộp tiền cho bà Vân tại ngõ 39 Phạm Tuấn Tài (Ảnh: Ông Kim gửi người lao động)
Văn bản thể hiện ông Kim nộp tiền cho bà Vân tại ngõ 39 Phạm Tuấn Tài (Ảnh: Ông Kim gửi người lao động)

Tại thời điểm đưa người lao động đi xuất khẩu, bà Vân vẫn là nhân sự của Cty Vĩnh Cát. Bà này cũng đã nhận tiền từ ông Kim sau khi ông này thu tiền từ phía người lao động tại địa chỉ số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Địa chỉ này được đại diện Cty Vĩnh Cát xác nhận là Phòng nghiệp vụ số 8 của Cty Vĩnh Cát.

Như vậy, khẳng định của lãnh đạo Cty Vĩnh Cát rằng "không liên quan" đến vụ việc nói trên liệu có đúng và liệu bà Lê Hồng Vân có lợi dụng danh nghĩa của Cty Vĩnh Cát, thu mỗi người hàng ngàn USD để làm thủ tục xuất khẩu lao động hay không? Trong khi đó, ông Sơn khẳng định, vào tháng 3/2019, Cty Vĩnh Cát chưa được phép đưa người lao động sang Slovakia làm việc.

Những khuất tất liên quan đến việc tuyển dụng, đào tạo, tổ chức đưa người lao động có liên quan đến bà Lê Hồng Vân, ông Đặng Đình Hòa, Cty Vĩnh Cát sẽ được báo PLVN thông tin trong những kỳ tiếp theo.

Đọc thêm