Bình Định: Đất nhà riêng bỗng thành… “đường đi chung”

(PLO) - Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2011 của bà Lê Thị Quỳnh Trâm (SN 1975, tại tổ 4, Khu vực 7 phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) xuất hiện “đường đi chung” với chiều rộng 2,5m, chiều dài khoảng 50m. 
Bà Thơ bên góc vườn vừa bị bà Trâm thuê người đến phát dọn để làm đường đi
Bà Thơ bên góc vườn vừa bị bà Trâm thuê người đến phát dọn để làm đường đi

Nhưng bà Lê Thị Thơ (SN 1948, hàng xóm bên cạnh) lại cho rằng “đường đi chung” nói trên nằm trên phần đất thuộc sở hữu của gia đình bà. Tranh chấp kéo dài nhiều năm chưa được các cơ quan giải quyết xong.

6 năm tranh chấp

Trong đơn gửi Báo PLVN, vợ chồng bà Lê Thị Thơ (SN 1948, ngụ phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định) trình bày: vợ chồng bà sở hữu mảnh đất thổ cư mang số hiệu 382, tờ bản đồ số 17, diện tích 601,6m2, tại Khu vực 7, phường Trần Quang Diệu.

Trên mảnh đất này, ông bà đã cất nhà, sinh sống ổn định và sử dụng liên tục từ năm 1970, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà năm 1993 và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 2001.

Năm 2010, bà Lê Thị Quỳnh Trâm chuyển đến sinh sống trên mảnh đất và ngôi nhà cạnh nhà bà Thơ (vốn là tài sản thi hành án mà bà Trâm trúng đấu giá) và cho rằng một phần mảnh đất của gia đình bà Thơ là con đường dẫn vào nhà mình.

Khi vợ chồng bà Thơ muốn rào lại khuôn viên mảnh đất của mình, bà Trâm đã đưa nhiều người lạ mặt đến cản trở.

Hai bên tranh cãi, bà Trâm tuyên bố phần đất tranh chấp chiều ngang 2,5m, chiều dài hơn 50m đang tranh chấp đã được bán cho mình. Gia đình bà Thơ bất ngờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Khi gia đình bà Thơ gửi đơn khiếu nại và chờ các cơ quan chức năng giải quyết, năm 2011, bà Trâm được UBND TP Quy Nhơn cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận). 

Đáng nói, trong sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất, cơ quan chức năng đã vẽ một “đường đi chung”, chiều ngang 2,5m, dài hơn 50m, nối từ mặt tiền quốc lộ 1A đến giáp mảnh đất bà Trâm. 

Trong khi bà Thơ cho rằng “đường đi chung” này thuộc phần đất gia đình bà sở hữu thì bà Trâm căn cứ vào Giấy chứng nhận trên càng cho rằng hành vi ngăn cản gia đình hàng xóm làm hàng rào là đúng. 

Đầu năm 2016, bà Trâm làm đơn khởi kiện gia đình bà Thơ ra TAND TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, khi Toà án quyết định thụ lý vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” chưa lâu, bà Trâm bất ngờ rút đơn khởi kiện. 

Bà Thơ trình bày: “Mỗi lần tôi rào lại vườn nhà thì bà Trâm lại đưa côn đồ đến cản trở, đe doạ. Hiện nay, mảnh đất gia đình tôi đang có ở nhiều người lạ mặt ra vào rất tự nhiên, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh, mất an ninh địa bàn. Tuy nhiên đến nay đã 6 năm mà sự việc vẫn chưa được giải quyết”.

Đến ngày 11/7 vừa qua, bà Trâm lại thuê người đến phát dọn một góc mảnh vườn trong mảnh đất mà bà Thơ cho rằng thuộc sở hữu của gia đình mình. Cũng như những lần trước đó, bà Trâm cho rằng mình thực hiện theo nội dung thể hiện trong Giấy chứng nhận đã được UBND TP Quy Nhơn cấp.

Văn bản của UBND phường Trần Quang Diệu đề nghị thành phố xem xét lại việc cấp CGNQSDĐ cho bà Trâm
Văn bản của UBND phường Trần Quang Diệu đề nghị thành phố xem xét lại việc cấp CGNQSDĐ cho bà Trâm

“Phường phản đối, thành phố vẫn cấp”

Gia đình bà Thơ và nhiều hộ dân sinh sống lâu năm cạnh đó khẳng định, trên thửa đất số hiệu 382, tờ bản đồ số 17 thuộc sở hữu của gia đình bà Thơ không hề có “đường đi chung”. Thực tế khác, mảnh đất bà Trâm được cấp Giấy chứng nhận năm 2011 đã có đường đi, bà Trâm đi lại trên con đường này từ lúc đến địa phương sinh sống. 

Hơn nữa đường đi được thể hiện trong Giấy chứng nhận của bà Trâm dẫn thẳng vào mảnh đất của bà này, không thể gọi là “đường đi chung” được.

PV đã đến Phòng Địa chính – Nhà đất, UBND phường Trần Quang Diệu để tìm hiểu thông tin. Tại tờ bản đồ số 17, bản đồ địa chính phường năm 1996 thể hiện, mảnh đất số hiệu 382 thuộc sở hữu của gia đình bà Thơ có diện tích 601,6m2.

Đối chiếu với nội dung thể hiện trong giấy GCNQSDĐ của hộ gia đình bà Thơ thì số liệu trên hoàn toàn trùng khớp. 

Về việc trên Giấy chứng nhận của bà Trâm có thể hiện “đường đi chung”, ông Nguyễn Thanh Danh, cán bộ địa chính – nhà đất phường khẳng định: “Giấy chứng nhận đó thành phố cấp bị sai. Mảnh đất 382 đã được giao quyền sử dụng cho bà Thơ, nên khi phát hiện sai sót về việc đường đi chung, phường có văn bản phản đối nhưng thành phố vẫn cấp”.

Ông Đỗ Xuân Nhất, Phó Chánh văn phòng UBND TP Quy Nhơn cho biết, việc cấp GCNQSDĐ cho bà Trâm được căn cứ hoàn toàn vào hồ sơ do Chi cục THADS TP Quy Nhơn cung cấp, và khẳng định thành phố cấp GCNQSDĐ cho bà Trâm với “đường đi chung” như vậy là đúng quy định pháp luật.

Cán bộ địa chính bị “chơi xỏ”?

PV tiếp tục làm việc với lãnh đạo Chi cục THADS TP.Quy Nhơn và ông Võ Công Đạt, chấp hành viên trước đây chịu trách nhiệm giải quyết việc thi hành án liên quan đến vấn đề tranh chấp.

Năm 2007, ông Đạt được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành Bản án số 80/DSST ngày 5/3/2007 của TAND TP Quy Nhơn. Theo đó, THADS TP Quy Nhơn đã kê biên, định giá và hợp đồng uỷ quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Định bán đấu giá tài sản là ngôi nhà và hai thửa đất số hiệu 391 và 392, tờ bản đồ số 17 (phần đất bà Trâm đang ở, cạnh thửa đất số hiệu 382 của bà Thơ).

Mặc dù hai thửa đất này vốn là đất nông nghiệp, (ngôi nhà diện tích 115m2 trên thửa đất 392 xây dựng trái phép), không hề có đường đi trực tiếp từ quốc lộ 1A vào, nhưng trong nhiều biên bản làm việc, ông Đạt lại đề cập đến “đường đi chung”.

Cụ thể, trong Biên bản Họp bàn biện pháp xử lý án lập ngày 22/5/2008 giữa đại diện THADS TP Quy Nhơn và đại diện phường Trần Quang Diệu, có nội dung: “Khu đất nhà ông Lê Vĩnh Thiệu (thời điểm đó ông Thiệu là chủ sở hữu hai thửa đất 391 và 392) có lối đi ra đường Lạc Long Quân (quốc lộ 1A) chiều ngang 2,5m, không có tranh chấp”.

Cùng với biên bản này là một bản sơ đồ vị trí đất lập ngày 13/1/2009, trên đó vẽ một “lối vào nhà ông Thiệu” rộng 2,5m, có chữ ký xác nhận của cán bộ tư pháp và cán bộ địa chính phường Trần Quang Diệu.

PV trở lại làm việc với ông Nguyễn Thanh Danh, người trực tiếp ký xác nhận về “đường đi chung” nói trên.

Ông Danh cho rằng, con đường dẫn vào lô đất của ông Thiệu mà ông xác nhận trong biên bản lập ngày 22/5/2008 là một “sai sót”, lối đi thể hiện trong biên bản nói trên chỉ là tạm thời, chứ trước nay chưa hề có đường đi.

Tương tự, hình vẽ lối đi trong sơ đồ vị trí đất lập ngày 13/1/2009 theo ông Danh là do “thi hành án vẽ”. Việc ông Danh xác nhận lối đi này theo ông là do “chủ quan, không giải thích rõ ràng”.

Ngoài thừa nhận sai sót, ông Danh cũng cho rằng mình đã “bị ông Đạt chơi xỏ lá”. Chính vì sai sót này, năm 2011, trước khi thành phố cấp GCNQSDĐ cho bà Trâm, UBND phường Trần Quang Diệu đã gửi công văn ngăn chặn như đã trình bày ở trên.

Câu hỏi đặt ra: vì sao cả bà Thơ lẫn UBND phường Trần Quang Diệu đều phản đối “đường đi chung” trên đất của bà Trâm, thế nhưng UBND TP Quy Nhơn vẫn theo ý kiến của cơ quan thi hành án cấp GCNQSDĐ gây tranh cãi như trên?

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 

Đọc thêm