Bình Định: “Nóng” nạn phá rừng, khai thác gỗ

(PLO) - Gần đây, nhiều đối tượng ngang nhiên vào vùng rừng núi giáp ranh giữa thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân với xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) để phá rừng, khai thác gỗ.  Đáng nói, sau khi khai thác gỗ, lâm tặc vận chuyển về xuôi một cách vô tư, công khai.

Bảng tuyên truyền do ngành chức năng đặt tại khu vực đầu thôn Nghĩa Điền dường như không phát huy tác dụng khi mỗi ngày vẫn có hàng chục đối tượng vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Bảng tuyên truyền do ngành chức năng đặt tại khu vực đầu thôn Nghĩa Điền dường như không phát huy tác dụng khi mỗi ngày vẫn có hàng chục đối tượng vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Hoạt động rầm rộ
Khoảng 3, 4 tháng trở lại đây, mỗi ngày có hàng chục người ở nhiều địa phương khác nhau vào sâu khu vực rừng giáp ranh giữa xã Ân Nghĩa với xã Vĩnh Kim để khai thác gỗ. Sau đó, các đối tượng dùng xe máy vận chuyển gỗ về xuôi tiêu thụ. Tầm 15 giờ hàng ngày, lâm tặc bắt đầu chở gỗ về xuôi theo 3 hướng chủ yếu, gồm: từ thôn Nghĩa Điền xuống Kim Sơn, Gò Loi; từ chân núi Ụ Bò men dọc theo chân đèo thôn T6 (xã Bok Tới, Hoài Ân) về thôn Bình Sơn (xã Ân Nghĩa) và từ chân núi Ụ Bò đi qua trụ sở xã Bok Tới về thôn Nghĩa Nhơn (xã Ân Nghĩa). 
Để vận chuyển gỗ lậu trót lọt, lâm tặc thường cho người “thám thính” trước, sau đó mới di chuyển lần lượt theo nhóm từ 3 - 5 người. Qua tìm hiểu được biết, mỗi chuyến, các đối tượng thường vận chuyển 2, 3 súc gỗ, dài từ 2 - 3m, tổng khối lượng khoảng 0,2m3.
Khoảng 15 giờ 45 phút ngày 12/3, có mặt trước Nhà văn hóa thôn Nghĩa Điền, chúng tôi chứng kiến một nhóm khoảng 5, 6 người phóng xe bạt mạng, trên xe chở 2 - 3 phách gỗ thẳng tiến về xuôi tiêu thụ. Muốn biết điểm tập kết gỗ ở đâu, chúng tôi cho xe bám theo, nhưng đi khoảng 4, 5km thì bị phát hiện, các đối tượng lập tức tăng tốc và gọi người “tiếp viện”, tìm cách cản trở nên chúng tôi đành bỏ cuộc.
Nhóm lâm tặc vận chuyển gỗ.
Nhóm lâm tặc vận chuyển gỗ. 
Một người dân ở thôn Nghĩa Điền cho biết: “Mấy chú ở xa đến nên thấy lạ, chứ bọn tui ở đây ngày nào chẳng chứng kiến cảnh lâm tặc nối đuôi nhau chở gỗ về xuôi tiêu thụ. Độ 3, 4 giờ chiều trở đi là họ (lâm tặc - PV) lại phóng xe như bay trên đường, trên xe chất đầy gỗ nên rất mất an toàn giao thông. Bọn tui ra đường rất sợ những khúc gỗ cồng kềnh đụng phải”. 
Còn theo ông Nguyễn Văn Mây, Trưởng thôn Nghĩa Điền thì: Mỗi ngày có khoảng 15 - 20 người ở các xã Ân Tường Tây, Ân Thạnh, Bok Tới, thị trấn Hoài Ân và một số ít người ở Nghĩa Điền vào rừng khai thác gỗ. Dù hoạt động này diễn ra công khai nhưng cả địa phương và lực lượng kiểm lâm dường như chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn cản, truy quét triệt để. 
Khó ngăn chặn triệt để?!
Đem thực trạng trên phản ánh với đại diện UBND xã Ân Nghĩa và Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, kết quả chúng tôi nhận được là: “Dù địa phương và ngành chức năng nhiều lần, thường xuyên ra quân tuần tra, truy quét nhưng rất khó ngăn chặn triệt để”. 
Ngang nhiên vận chuyển gỗ giữa ban ngày.
Ngang nhiên vận chuyển gỗ giữa ban ngày. 
Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân thừa nhận: “Không phải anh em chúng tôi không tuần tra, truy bắt, nhưng thú thật do lực lượng mỏng, địa bàn quá rộng nên gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, hiện các đối tượng lâm tặc rất tinh vi, thường cử người “cảnh giới” anh em kiểm lâm, hễ chúng tôi có động tĩnh gì là lâm tặc thông báo cho nhau bằng điện thoại để “án binh bất động”. Manh động hơn, các đối tượng lâm tặc sẵn sàng tấn công lại lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện, truy đuổi”.
Như vậy có thể thấy, một khi chính quyền địa phương và các ngành chức năng đều nói “khó” và chưa tìm ra thuốc “đặc trị” để ngăn chặn triệt để, hiệu quả thì nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn sẽ âm ỉ diễn ra; những cánh rừng tiếp tục bị chặt phá, gỗ lậu tiếp tục được vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Rừng bị tàn phá và những hệ lụy tiêu cực do hiện tượng này mang đến có lẽ ai cũng đã thấy; nhưng như đã nói, làm thế nào để ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác gỗ là “bài toán” mà cả chính quyền địa phương và các ngành chức năng đều than “khó”./.

Đọc thêm