Bình Định: Rừng phòng hộ ven biển “kêu cứu”

(PLO) - Gần đây, mỗi ngày có hàng chục người dân ồ ạt vào khu vực rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Cát Chánh, huyện Phù Cát và xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước (Bình Định) chặt phá cây dương để làm nguyên liệu hầm than. 
Nhiều hecta rừng dương tại TK 281B bị chặt trụi, triệt hạ tận gốc
Nhiều hecta rừng dương tại TK 281B bị chặt trụi, triệt hạ tận gốc
Đáng nói, tình trạng trên có sự góp mặt của một số người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng chủ rừng và các ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý.
Khu vực rừng bị phá nghiêm trọng nhất thuộc tiểu khu (TK) 281B rộng hơn 100ha, nằm trên địa bàn 2 xã Cát Chánh và Phước Hòa, trong đó hầu hết diện tích thuộc xã Cát Chánh đã được Nhà nước giao cho Công ty cổ phần phong điện Phương Mai thực hiện Dự án Nhà máy phong điện (NMPĐ) Phương Mai 1.
Húi trọc rừng dương
Trung tuần tháng 12/2015, chúng tôi về khu vực rừng phòng hộ ven biển (RPHVB) thuộc Dự án NMPĐ Phương Mai 1 để “mục sở thị” tình trạng chặt phá rừng đang diễn ra nơi đây. Từ quốc lộ 19B - trước kia là đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội - vào sâu trong rừng khoảng 500m, chúng tôi nhận thấy rất nhiều khoảnh rừng với hàng trăm, hàng ngàn cây dương có đường kính từ 10 - 15cm đã bị triệt hạ tận gốc.
Đặc biệt, nếu như trước kia các đối tượng chặt phá rừng theo phương thức “tỉa thưa” - chặt mỗi chỗ một vài cây - thì hiện nay rừng bị triệt hạ trắng. Tại khu vực rìa và bên trong khoảnh rừng được ký hiệu Tháp 10, có khoảng 5 - 7ha rừng dương đã bị chặt trụi. Tương tự, tại khu vực Tháp 3, 5, 6, 8 và 11, nhiều hec-ta rừng cũng bị đốn hạ; trong đó, tại Tháp 3 có những cây dương đường kính từ 20 - 30cm chỉ còn trơ gốc.
Theo ông D. - người có nhiều năm làm công tác quản lý, bảo vệ tại RPHVB thì: Trước kia, các đối tượng lén lút thực hiện chặt phá rừng, nhưng hiện nay họ làm công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”; hiện tại TK 281B có khoảng 10 - 15ha, với hàng chục ngàn cây dương đã bị chặt phá. Có tình trạng này là bởi đơn vị chủ rừng - Công ty cổ phần phong điện Phương Mai - chậm trễ thanh toán tiền công quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, một số người trong tổ giữ rừng tự nghỉ, còn số khác “gỡ gạc” bằng cách chặt dương về hầm than hoặc bán lại cho người khác để lấy tiền.
“Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, trong khi chủ rừng và các ngành chức năng không kịp thời ngăn chặn, xử lý thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, khu vực RPHVB thuộc Dự án NMPĐ Phương Mai 1 sẽ bị chặt trụi” - ông D. lo lắng.
Người giữ rừng phá rừng (?)
Để xác minh thông tin một số người trong tổ quản lý, bảo vệ rừng tự chặt phá rừng hoặc “bật đèn xanh” cho người khác phá rừng, chúng tôi tìm gặp ông K. - người trực tiếp mua gỗ dương từ một số người giữ rừng để làm nguyên liệu hầm than. 
Ông K. khẳng định: “Tiếng là giữ rừng nhưng họ lại đứng ra chặt phá rừng rồi đem đi bán lấy tiền hoặc “bán rừng” cho người khác vào chặt phá. Họ bán gỗ dương thì tui mua về hầm than chứ đâu trộm cắp hay chặt phá gì mà sợ”.
Chúng tôi tiếp tục tìm gặp lãnh đạo UBND xã Cát Chánh để xác thực độ chính xác của thông tin một số người giữ rừng nhưng có hành vi xâm hại rừng. Theo ông Võ Thành Hải, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh: Bước đầu, địa phương đã nắm được tình hình phá rừng đang diễn ra tại TK 281B. Một số người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng được chủ rừng thuê cũng đã có đơn gửi tới UBND xã trình bày việc bị chậm trả tiền công. 
Thông tin một số người giữ rừng trực tiếp chặt phá hoặc “bán rừng” cho người khác chặt phá là có cơ sở; xã cũng đã biết được một số thông tin liên quan đến những người thực hiện việc làm này, hiện đang chỉ đạo kiểm lâm địa bàn kiểm tra, rà soát, thống kê tổng diện tích rừng bị chặt phá; khi có con số chính xác sẽ báo cáo bằng văn bản cho ngành chức năng để có hướng xử lý tiếp.
“Do đất và rừng tại TK 281B đã được Nhà nước giao quyền cho một công ty cổ phần nên về mặt quản lý hành chính, UBND xã Cát Hải chỉ phối hợp với đơn vị này và các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, đơn vị chủ rừng chưa thật sự thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong công tác này. 
Trước thực trạng nhiều diện tích RPHVB bị chặt phá nghiêm trọng như hiện nay, địa phương chúng tôi cũng rất bức xúc. Về mặt địa phương, tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng có liên quan của tỉnh trực tiếp làm việc với đơn vị chủ rừng để tìm biện pháp ngăn chặn, xử lý thật hiệu quả”, ông Hải nêu ý kiến.
Còn theo ông Mai Thiện, Trưởng trạm Kiểm lâm Cát Hải - kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã khu Đông huyện Phù Cát, trong đó có xã Cát Chánh, thì: Lực lượng kiểm lâm sẽ sớm cử cán bộ kiểm tra, xác minh tình hình phá rừng tại TK 281B, sau đó sẽ báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát và ngành chức năng liên quan để xin ý kiến chỉ đạo. 

Đọc thêm