Bình dương: Dồn doanh nghiệp vào thế bí

(PLO) - Mòn mỏi suốt nhiều năm trời kiện cáo để đòi lại quyền lợi chính đáng, thế nhưng xem ra còn khó hơn cả “bắc thang lên trời”. 5 bản án đã được các cấp tòa tuyên, nhưng kết cục vẫn chỉ là “con kiến mà leo cành đa”.
Bao năm đi đòi quyền lợi chính đáng đã khiến cho ông Khanh tiều tụy, điêu đứng
Bao năm đi đòi quyền lợi chính đáng đã khiến cho ông Khanh
tiều tụy, điêu đứng
“Lên bờ xuống ruộng” vì án kéo dài
Theo đơn kêu cứu của ông Thế Khanh - Giám đốc Cty TNHH Thiện Trung, năm  2003 ông Khanh (phía bên B) ký hợp đồng (HĐ) mua của Cty THNH Tứ Hải (bên A - sau này là Cty TNHH Phú Mỹ) 10.000m2 đất nền nhà ở thuộc khu dân cư khu công nghiệp (KCN) Tân Đông Hiệp B, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương với giá 2 tỷ đồng, đã trả trước 1,1 tỷ đồng. 
Do không có đất để giao, đồng thời vợ chồng ông Khanh cũng có nhu cầu đầu tư trong KCN trên nên hai bên đã thống nhất ký kết HĐ thanh lý hợp đồng trước đó, với nội dung: Bên A  hoán đổi, cho  bên B thuê lại 15.000m2 đất tại KCN trên và giữ nguyên giá trị theo HĐ trước. Hai bên có nghĩa vụ sẽ ký HĐ cho thuê lại đất 48 năm theo quy định. Bên A có nghĩa vụ giao đất và làm sổ đỏ cho bên B.  Bên B đã thanh toán 1,1 tỷ  đồng, còn lại sẽ thanh toán khi bên B nhận sổ đỏ. 
Ngày 01/4/2005, vợ chồng ông Khanh thành lập Cty THHH Thiện Trung và ngày 09/11/2005, bên A bàn giao đất cho ông Khanh, hai bên lập biên bản bàn giao mốc giới, kèm theo sơ đồ vị trí lô đất. Ngày 06/7/2006, phía ông Khanh xin xây dựng hàng rào tạm và sau đó tiến hành xây dựng thì bị phía Cty Tứ Hải tổ chức phá bỏ, do đó ông Khanh rất nhiều lần yêu cầu bên A ký HĐ thuê lại đất với công ty của mình, nhưng đều bị phía Cty Tứ Hải từ chối, buộc ông phải khởi kiện ra toà án yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Vụ việc được TAND huyện Dĩ An tuyên HĐ thanh lý vô hiệu, buộc bên A bồi thường 1,1 tỷ đồng và trả lại 1,1 tỷ đồng tiền cọc. Nhưng hai bên kháng cáo và được TAND tỉnh Bình Dương xử tuyên bên A phải ký HĐ thuê lại đất với Cty Thiện Trung với diện tích 8.250m2  đất  hoặc phải bồi thường cho ông Khanh tổng số tiền gần 11,8 tỷ đồng cùng với 35 triệu đồng thiệt hại về hàng rào bị phá. 
Đang trong quá trình thi hành án thì VKSNDTC kháng nghị theo hướng hủy án xét xử lại. Theo đó, ngày 25/09/2012, TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy cả hai bản án trên, trả hồ sơ về xét xử lại. Ngày 05/4/2013, TAND thị xã Dĩ An xét xử lại và tuyên HĐ vô hiệu, buộc bên A trả lại cho phía ông Khanh 1,1 tỷ đồng tiền gốc và bồi thường thiệt hại hơn 6,6 tỷ đồng (lỗi 50/50). Cả hai phía kháng cáo. Ngày 22/10/2013, TAND tỉnh Bình Dương  xử và tuyên y án sơ thẩm của TAND thị xã Dĩ An. 
Doanh nghiệp bức xúc
Một lần nữa trong thời gian chờ thi hành án, ông Khanh lại nhận được Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TANDTC cho rằng HĐ thanh lý do hai bên ký kết năm 2003 có nội dung trái pháp luật và vi phạm về hình thức. Cá nhân ông Khanh không có quyền thuê đất trong KCN, hai bên chưa ký HĐ thuê lại đất, HĐ chưa xác định vị trí, tại thời điểm tranh chấp chưa thành lập công ty, chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý các KCN, chưa có phương án đầu tư  và giá đất mà cả hai cấp toà tính bồi thường chưa phù hợp. Do đó cần phải tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên hủy HĐ và chỉ trả cho nhau những gì đã nhận ban đầu.    
Thấy vô lý, ông Khanh đã gửi đơn đề nghị TANDTC rút lại quyết định kháng nghị và cho rằng: Thứ nhất, theo quy định, cá nhân ông Khanh không có quyền thuê đất trong KCN, nhưng cá nhân ông có quyền đứng ra ký kết các giao dịch phục vụ cho việc đầu tư về sau. 
Thứ hai, HĐ đã ký kết với bên A là giao dịch dân sự không xác định thời hạn, cả hai bên đều có quyền yêu cầu bên kia thực hiện HĐ chính thức bất cứ lúc nào. Thứ ba, nghĩa vụ của hai bên theo HĐ thanh lý là phải ký kết HĐ thuê đất chính thức. Cam kết này hoàn toàn hợp pháp. Tuy nội dung HĐ có một phần chưa phù hợp nhưng sau đó ông Khanh đã yêu cầu bên A ký hợp đồng với Cty TNHH Thiện Trung của ông Khanh, chứ không phải cá nhân ông Khanh. 
Thứ tư, xác định lỗi hoàn toàn thuộc về ông Khanh là chưa phù hợp, vì  nghĩa vụ của hai bên là phải ký kết HĐ thuê lại đất, nhưng bên A đã không ký thì làm gì có HĐ. Chưa có HĐ này thì công ty của ông Khanh không thể đăng ký đầu tư và có chấp thuận của Ban quản lý các KCN để thực hiện các bước tiếp theo. 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Theo quy định thì cá nhân không có quyền thuê đất trong KCN, nhưng cá nhân có quyền lập các giao dịch nhằm phục vụ cho doanh nghiệp. Điều 11 Luật Doanh nghiệp 1999 cho phép thành viên của doanh nghiệp có quyền ký kết các HĐ nhằm mục đích phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trước khi doanh nghiệp được thành lập, hoạt động. HĐ hai bên đã ký là một trong các giao dịch đó. Đây chỉ mới là giao dịch ban đầu và không xác định thời hạn nên bên B có quyền yêu cầu bên A ký kết HĐ thuê lại đất chính thức khi có điều kiện. Mặt khác, theo  thoả thuận, nghĩa vụ tiếp theo là sẽ ký với nhau HĐ thuê đất chính thức, bên nào không ký thì bên đó hoàn toàn có lỗi và phải bồi thường.
Quy trình đầu tư vào KCN có 8 bước. Bước một là ký kết HĐ thuê lại đất theo quy định. Bước hai là đăng ký đầu tư để được chấp thuận chủ trương. Bên A không thể cho rằng chưa có chấp thuận chủ trương, chưa có phương án đầu tư... để đổ lỗi cho phía bên B. Bên A không ký HĐ thì bên B không thể thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để có chấp thuận chủ trương. Còn các thủ tục khác phía bên B chưa cần thực hiện trong giai đoạn này. 
Vì vậy, nếu TANDTC căn cứ vào những nội dung này để cho rằng HĐ trái pháp luật về nội dung là chưa chính xác, chưa toàn diện và  khách quan.

Đọc thêm