Bình xuyên (Vĩnh Phúc): Ai “bảo kê” cho doanh nghiệp sử dụng hàng chục ngàn mét đất trái phép?

(PLO) - Hàng ngàn mét vuông đất tại Nông trường Tam Đảo (thuộc xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) từ lâu nay đã bị một số cá nhân và doanh nghiệp sử dụng trái mục đích nhưng dường như chính quyền lại "làm ngơ", không xử lý. 
Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Tuổi Trẻ Khai Quang trái phép tại khu vực đồi Hiệp Thuận.
Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Tuổi Trẻ Khai Quang trái phép tại khu vực đồi Hiệp Thuận.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Bình Xuyên còn ban hành những văn bản theo kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi", bất hợp lý liên quan đến sự việc này.

Thời gian vừa qua, một số người dân ở thôn Hiệp Thuận, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc phản ánh tới các cơ quan chức năng vì tiếng ồn, bụi bặm và ô nhiễm môi trường từ hoạt động của 2 trạm trộn bê tông trên đồi Hiệp Thuận gây ra nhưng không bị xử lý.

Theo người dân địa phương cho biết, bất kể trời mưa hay nắng nóng, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe trọng tải lớn chở cát, sỏi và bê tông thành phẩm chạy rầm rập gây ra tiếng ồn và bụi bặm gây ô nhiễm môi trường.

Cả hai trạm trộn bê tông này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tuổi trẻ Khai Quang (địa chỉ tại thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) và Công ty Cổ phần Bê tông Phúc Thành (địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Khu vực mà hai trạm trộn bê tông này hoạt động có diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông đã được san phẳng và xây dựng nhà xưởng kiên cố. 

Trạm trộn bê tông trái phép của Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành tại khu vực đồi Hiệp Thuận.
Trạm trộn bê tông trái phép của Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành tại khu vực đồi Hiệp Thuận.

Cũng theo người dân cho hay, trước đây toàn bộ diện tích đất này được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Nông trường Tam Đảo. Trước đây khu đồi này được trồng rất nhiều cây tràm, thế nhưng gần đây nhiều ngọn đồi lại bị một số cá nhân và doanh nghiệp đến “thâu tóm”, san phẳng, để xây dựng nhà xưởng và các công trình trái phép, không đúng mục đích sử dụng đất.

Ngoài việc xây dựng các lán trại kiên cố thì vật liệu cát, sỏi được tập kết cao như những ngọn núi thì khu vực đồi Thuận Hiệp còn có nhà xưởng của Công ty Luận Khánh, một xưởng gỗ và một xưởng sản xuất gạch rất lớn cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân trong khu vực.

Trạm trộn bê tông và tập kết vật liệu xây dựng trái phép tại khu đồi Hiệp Thuận.
Trạm trộn bê tông và tập kết vật liệu xây dựng trái phép tại khu đồi Hiệp Thuận.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù hoạt động xây dựng các công trình để ở và nhà xưởng, trạm trộm bê tông trái phép diễn ra từ năm 2017 nhưng dường như chính quyền địa phương sở tại dường như “không nhìn thấy” và không hề có biện pháp xử lý. Thậm chí, có những văn bản còn được bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên ký và xác nhận còn xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Điển hình là ngày 15/5/2018, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung đã ký văn bản số 567/TNMT-UBND của UBND huyện Bình Xuyên gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc để báo cáo về việc 2 trạm trộn bê tông của Công ty Tuổi trẻ và Công ty Phúc Thành xây dựng trên đồi Hiệp Thuận có diện tích khoảng 3,5ha chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Công văn số 567/TNMT-UBND ngày 15/5/2018 của UBND huyện Bình Xuyên gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xử lý.
Công văn số 567/TNMT-UBND ngày 15/5/2018 của UBND huyện Bình Xuyên gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xử lý.

Nội dung văn bản số 567 này thể hiện: Diện tích đất trên thuộc quản lý của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất và phát triển VINECO Tam Đảo (Nông trường Tam Đảo cũ), không thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện Bình Xuyên. Ngoài ra, văn bản cũng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại khu vực trên.

Và trong khi các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang “chậm trễ” và "lúng túng" chưa biết xử lý như thế nào thì ngày 3/7/2018 vừa qua (tức là sau gần 2 tháng mà bà Nhung ký và gửi văn bản số 567/TNMT-UBND lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xử lý) thì bà Nhung lại ký Giấy xác nhận số 793/GXN-UBND về việc xác nhận cho Công ty TNHH Tuổi trẻ Khai Quang đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Dự án Công trình đường dây và trạm biến áp 400kVA-22/0.4kV cấp điện cho Công ty TNHH Tuổi trẻ Khai Quang tại UBND huyện Bình Xuyên.

Giấy xác nhận số 793/GXN-UBND ngày 3/7/2018 của UBND huyện Bình Xuyên do bà Nguyễn Thị Hồng Nhung ký.
Giấy xác nhận số 793/GXN-UBND ngày 3/7/2018 của UBND huyện Bình Xuyên do bà Nguyễn Thị Hồng Nhung ký.

Theo ông Lưu Văn Thuyên, Giám đốc Điện lực huyện Bình Xuyên cho biết, trạm điện trên chính là nguồn cung cấp điện cho trạm trộn bê tông của Công ty Tuổi trẻ đang hoạt động trên đồi Hiệp Thuận. Và hiện nay, trạm trộn bê tông của Công ty Tuổi trẻ và Công ty Phúc Thành đang ngày đêm hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân, cũng như đang ngày đêm bức tử môi trường khu vực này.

Giấy xác nhận số 793 có thể hiểu là một phần để đủ thủ tục cho Công ty điện lực Bình Xuyên cấp điện cho Công ty Tuổi trẻ, nhưng chẳng nhẽ bà Nhung lại không biết là trạm điện này chính là nguồn điện chính để cho trạm trộn bê tông hoạt động? 

Việc trong vòng chưa đủ 2 tháng nhưng bà Nhung đã ký hai văn bản hoàn toàn trái ngược nhau (mặc dù khác dự án) khiến dư luận không khỏi nghi ngờ, liệu đây có phải là chiêu thức “lách luật” để cho trạm trộn của Công ty Tuổi trẻ hoạt động trái phép, sai mục đích sử dụng đất?

Điều đáng nói là Giấy xác nhận 793 này còn căn cứ vào đề nghị của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Xuyên tại báo cáo số 316/BC-TNMT ngày 3/7/2018. Vậy là trong một thời gian ngắn, lãnh đạo huyện Bình Xuyên đã ký 1 văn bản báo cáo lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc để ngăn chặn việc hoạt động trái phép của 2 trạm trộn bê tông nhưng 1 văn bản lại tiếp tay cho hoạt động này?

Được biết, liên quan đến hoạt động trái phép của 2 trạm trộn bê tông này, cũng như việc sử dụng đất trái mục đích, gây ô nhiễm môi trường, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã có đoàn xuống thanh tra xuống làm việc. Tuy nhiên, đến nay chưa ai biết kết luận và hình thức xử lý như thế nào, chỉ biết rằng là 2 trạm trộn của Công ty Tuổi trẻ và Công ty Phúc Thành vẫn hoạt động ngày đêm, còn người dân thì chỉ biết sống trong ô nhiễm và nỗi sợ hãi vì xe tải trọng lớn chạy rầm rập suốt ngày đêm mà không thấy "bóng dáng" của cơ quan chức năng.

Dư luận nghi vấn rằng, phải chăng có "bàn tay" nào đó "bảo kê" cho hoạt động trái phép nên cả 2 trạm trộn bê tông này mới "lộng hành" như vậy?

Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!

Đọc thêm