Bốn nhà máy “bức tử” một thôn nghèo

(PLO) - Gần 1.000 hộ dân tại thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) bị “tra tấn” bởi khói bụi, tiếng ồn, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng do 3 nhà máy xi măng và 1 nhà máy vôi hoạt động trên địa bàn thôn gây ra. 
Nhà máy Xi măng Xuân Thành – một trong ba nhà máy đang “bức tử” khu dân cư
Nhà máy Xi măng Xuân Thành – một trong ba nhà máy đang “bức tử” khu dân cư

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra “thờ ơ” với việc khắc phục ô nhiễm, còn cơ quan chức năng thì chỉ biết đôn đốc doanh nghiệp…

Sống chung với bụi xi măng

Từ quốc lộ 1A đi vào chỉ khoảng 1km là 4 Nhà máy xi măng Xuân Thành, Nhà máy Vôi Tràng An, Nhà máy Xi măng Hoàng Long và Nhà máy Xi măng Thành Thắng nối tiếp nhau kéo dài theo trục đường từ Trạm xăng Bồng Lạng đến ngã 3 đường Thanh Bồng. Cả thôn Bồng Lạng như chìm trong những dây chuyền lò nung, máy móc, bê tông, sắt thép sừng sững, cùng với đó là những chiếc ống “khủng” đua nhau tỏa ra những làn khói mù đặc, u ám bao trùm toàn thôn xóm.

Khảo sát thực tế tại khu vực, chúng tôi thấy hàng trăm ngôi nhà đối diện các nhà máy này lúc nào cũng phải đóng cửa im ỉm như không có người ở. Nhưng tất cả các vật dụng trong nhà vẫn bám một lớp bụi xi măng dày cộp. Bụi xi măng cứ thế luồn vào bếp ăn, len vào phòng ngủ mà “tra tấn” sức khỏe của người dân.

Bà Nguyễn Thị Sửa – người dân sống đối diện với Nhà máy xi măng Hoàng Long, Nhà máy Vôi Tràng An cho biết: “Ngày tôi lau nhà mấy lần nhưng cũng không xuể, nền nhà lúc nào cũng bám đầy bụi xi măng đen sì như than. Khói từ các nhà máy cứ tỏa lên đen cả bầu trời. Hơn thế, từ khi Nhà máy Vôi Tràng An đi vào hoạt động còn kèm theo cả mùi khét lẹt như mùi cao su rất là khó thở. Chúng tôi phản ánh thì nhà máy có hệ thống lọc bụi được một thời gian rồi lại đâu vào đấy, cứ thế xả ra môi trường”.

Cũng từ khi khói bụi từ các nhà máy xi măng tấn công vào khu dân cư, người dân trong thôn càng trở nên khốn khổ hơn vì không có nguồn nước phục vụ ăn uống sinh hoạt. Bà Sửa cho biết thêm: “Trước đây, đa số các hộ dùng nước mưa nhưng rồi nước mưa hứng xuống lắng đầy bụi nên không ai dám ăn uống nữa. Mỗi tháng chúng tôi phải mất thêm chi phí để mua nước sạch, đã nghèo lại càng nghèo thêm”.

Không chỉ khốn khổ vì khói bụi, người dân thôn Bồng Lạng còn bị “tra tấn” bởi những dàn xe “siêu trọng” trở vật liệu cho các nhà máy băm nát các con đường, đất đá rơi vãi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, kèm theo đó là những cơn lốc bụi ập vào nhà dân.

Một em học sinh trên đường đi học về kể lại: “Ngày nào bọn em đi học cũng rất vất vả, đường sá thì nhiều ổ gà, xe tải cứ chạy qua là người lại bám toàn bụi bặm, có lúc còn không mở nổi mắt, trời mưa thì đường lầy lội, bẩn thỉu. Các xe tải cứ chạy ầm ầm, mỗi lần xe phóng qua là cảm giác như hung thần vừa đến. Nhiều khi đất đá văng từ trên thùng xe xuống bắn vào bánh xe khiến bọn em thót tim”.

Bên cạnh đó, hoạt động nổ mìn phá đá của các nhà máy cũng gây nhiều hệ lụy đến cuộc sống của người dân. Sau tiếng nổ lớn là cả vùng rung chuyển khiến cho tất cả các ngôi nhà dù mới xây cũng bị nứt. Kèm theo đó là bụi đá bắn tung tóe phủ xuống thôn xóm.

Đặc biệt, càng ngày thôn Bồng Lạng càng có nhiều người mắc các căn bệnh hiểm nghèo. Chủ yếu là bệnh ung thư phổi, các bệnh về hô hấp…người già, trẻ nhỏ cứ ho khù khụ từ ngày này qua ngày khác.

Mặc dù việc hoạt động của các nhà máy trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đến cuộc sống của người dân nhưng tất cả các doanh nghiệp này lại tỏ ra thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết hậu quả, cố tình chây ì theo kiểu “sống chết mặc bay”, còn các cơ quan chức năng thì chỉ biết đôn đốc doanh nghiệp.

“Chỉ biết đôn đốc…”?

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Đinh Ngọc Thật - Trưởng thôn Thanh Bồng khẳng định những nội dung người dân phản ánh là chính xác. Ông Thật nói: “Dân phản ánh là đúng đấy, là chân thực đấy, dân không chịu được nữa người ta mới phản ánh. Tôi đại diện cho người dân đã phản ánh ở nhiều cuộc họp, nhưng gọi là đưa ra ý kiến để tranh luận thôi chứ có giải quyết được đâu”.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp trên địa bàn xã, ngày 27/8/2015 UBND xã Thanh Nghị đã có Báo cáo số 16/BC-UBND gửi Phòng TNMT huyện Thanh Liêm, Sở TNMT tỉnh Hà Nam báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn xã.

Theo đó, báo cáo nêu rõ: “Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Nghị có ba nhà máy xi măng như: Nhà máy xi măng Xuân Thành, Nhà máy xi măng Thành Thắng và Nhà máy xi măng Hoàng Long; 2 cơ sở nghiền vôi bột và nhiều doanh nghiệp khai thác đất đá, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã.

Trên đoạn đường từ Trạm xăng Bồng Lạng đến ngã 3 đường Thanh Bồng, ô tô vận tải trở đất, đá cho các công ty trên địa bàn làm khói bụi mù mịt và tình trạng đất đá bị văng vãi ra nền đường nhưng không có người quét dọn, phun nước hàng ngày đã kéo dài nhiều tháng nay gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên tuyến đường và nhất là đời sống của nhân dân.

Các doanh nghiệp và cơ quan trên địa bàn đều chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường khiến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đăng Trình - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường lại tỏ ra thờ ơ với những vấn đề mà người dân đang rất bức xúc. Ông Trình cho biết, hàng năm Chi cục vẫn tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các công ty xi măng trên.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi các tài liệu kết luận liên quan thì ông Trình lại trả lời là vẫn đang làm. Ông Trình cũng khẳng định tất cả các công ty trên đều chưa tuân thủ những quy định về môi trường, chưa có báo cáo quan trắc môi trường hàng năm theo quy định. Nhưng ở cấp quản lý nhà nước Chi cục chỉ biết đôn đốc(!?).

Phóng viên hỏi, nếu đôn đốc nhiều lần nhưng các công ty vẫn không thực hiện thì phía Chi cục bảo vệ môi trường có biện pháp gì để giải quyết? Ông Trình tỏ ra khó chịu, cho rằng: “Theo quy định thì các công ty phải gửi quan trắc đánh giá tác động môi trường của công ty hàng năm. Công ty nào chưa thực hiện chúng tôi tiếp tục đôn đốc thôi, năm nào chúng tôi chả đôn đốc mấy lần”.

Vẫn biết việc sản xuất kinh doanh là để phát triển kinh tế, tuy nhiên đi đôi với nó thì phải chú trọng đến vấn đề môi trường, cuộc sống người dân để phát triển bền vững. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. 

Đọc thêm