Cá chết dai dẳng nhiều năm trên sông La Ngà (Đồng Nai): Hàng chục năm 'điệp khúc' nguyên nhân do... ông trời

(PLVN) - Từ hàng chục năm nay, cứ “đến hẹn lại lên”, khúc sông La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) lại là tâm điểm trên mặt báo, với hình ảnh những bè cá chết trắng. Một năm trước, gần 2.000 tấn cá “đột tử”, cơ quan chức năng cho rằng nguyên nhân do thiên tai. Mất mát chưa đi qua, lại thêm lần nữa “cá chết vì thiên tai”. Trong khi đó người nuôi cá cho rằng nguyên nhân do các công ty gần đó xả thải ra môi trường. 
Cá chết trắng bè, chính quyền nói do “thiên tai”, dân nói do bị xả thải độc.
Cá chết trắng bè, chính quyền nói do “thiên tai”, dân nói do bị xả thải độc.

Sau khi xảy ra vụ chết gần 1.000 tấn cá trên sông La Ngà mới đây, ngày 27/5 cơ quan chức năng Đồng Nai cho rằng do trận mưa lớn kéo dài từ tối 15 đến rạng sáng 16/5 đã cuốn theo rác thải, các chất ô nhiễm từ trên bờ đổ xuống sông La Ngà, chảy về khu vực nuôi cá làm tăng khí độc dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt.

Nỗi đau “đến hẹn lại lên”

Đoạn sông La Ngà đi qua hai xã La Ngà, Phú Ngọc là vị trí thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá bè (lồng) với cả trăm hộ dân, cả ngàn bè. Chiều chiều vào giờ cho cá ăn, cả khúc sông chộn rộn, tiếng cười nói râm ran.

Vậy mà chỉ sau đêm 15/5, không khí u buồn nặng nề lan khắp làng bè. Cá đang vào mùa thu hoạch chết như ngả rạ, ngập trắng bè, chỉ còn cách đem đi làm phân bón cây. Hộ dân bị thiệt hại nhiều nhất, theo trình báo lên đến tiền tỉ.

Những ngày sau đó, cá nuôi trong bè ở một số lồng còn lại vẫn còn chết rải rác, cá ngoài tự nhiên cũng lâm vào cảnh tương tự. Vẻ mặt thẫn thờ, đôi mắt thâm quầng, ông Trần Văn Thiện nói như người mất hồn: “Trong vài chục phút, gia sản nhà tôi mất trắng”.

Một lượng lớn cá chết được chế biến thành phân bón cây.
Một lượng lớn cá chết được chế biến thành phân bón cây.

Theo thống kê, trong đợt cá chết vừa qua, xã La Ngà có 40 hộ với 165 vèo (nuôi cá lăng), 17 bè cá bị thiệt hại với tổng sản lượng gần 428 tấn cá; xã Phú Ngọc có 41 hộ với 143 vèo, 9 bè cá bị thiệt hại với khoảng 548,5 tấn cá.

Cá chết chủ yếu là cá chép, cá lăng, cá diêu hồng, cá mè... Trong đó đa số là cá lớn gần đến kỳ thu hoạch nên mức thiệt hại càng cao.

Nhiều người nuôi cá cho biết trước mỗi mùa mưa họ đều được cảnh báo về việc giảm đàn, sớm xuất cá để tránh thiệt hại.

Tuy nhiên họ cũng chia sẻ rằng việc giảm đàn cá sẽ dẫn đến việc bị giảm thu nhập, tính toán trừ hết công chăm sóc, thức ăn,…. thì sẽ không có lời. Vì thế họ vẫn chấp nhận “đánh bạc”, mỗi năm lượng cá nuôi tại các bè vẫn rất nhiều và cứ mỗi đợt mưa xuống lại nơm nớp lo sợ.

“Cả ngàn bè cá ở đây với cả trăm con người hàng chục năm chỉ biết bám lấy mặt sông, bám lấy những con cá để sống. Chúng tôi cũng biết có rất nhiều rủi ro từ môi trường, nhưng vẫn phải nuôi.

Cứ đánh cược may rủi, nếu bán kịp trước khi gặp sự cố thì thở phào, còn nếu lỡ gặp nạn thì mạt vận”, bà Nguyễn Thị Phên cho biết.

Ở gần đó, bà Nguyễn Thị Thu chỉ tay về phía những lồng bè cá trống hoác của gia đình, giọng vẫn còn thảng thốt: “ Mùa vụ trước nhà tôi cũng thiệt hại 800 triệu, phải vay mượn nuôi tiếp. Gia đình tôi nuôi cá cả chục năm nay, chưa bao giờ chết liên tiếp như hai năm trở lại đây. Chắc tôi phải bỏ đi xứ khác làm ăn”.

Được cho là bị thiệt hại nhiều bậc nhất trong đợt cá chết hàng loạt vừa qua, ông Võ Văn Thảo trước đó cứ tưởng sẽ bội thu 8 bè, ai ngờ tài sản tan như bọt nước. Ông Thảo cho hay, giữa năm 2018, gia đình ông cũng thiệt hại hơn 1 tỉ đồng do cá chết, ông phải về quê bán ruộng vườn lên đầu tư tiếp. 

“Bà con nơi đây đa phần là dân miền Tây, lên đây bám theo con nước làm ăn đã nhiều năm nay, của cải bao nhiêu đời gom góp vay mượn để nuôi cá. Mùa vụ trước, nhiều gia đình đã phải phá sản nhưng các đại lý cung cấp thức ăn, con giống cho nợ để nuôi tiếp, khi nào bán cá sẽ trả. Vậy mà tai họa lại ập đến, giờ không biết làm sao”, ông Thảo nói.

Cơ quan chức năng có vội vã kết luận?

Sau sự việc, nhiều người nuôi cá không đồng tình với nguyên nhân do… trời mà cơ quan chức năng công bố. Theo họ, nguyên nhân chính là các nhà máy gần khu vực và công ty chế biến xoài xả hóa chất ra con suối Tam Bung để cá chết. 

Những ngày sau khi thiệt hại, PV đã theo người dân đi quanh khu vực suối Tam Bung để tìm hiểu thực tế. Con suối này dài khoảng 20km, có nhiều nhánh nhỏ, rất khó đi bởi dọc con suối là bờ bụi rậm rạp, hẻo lánh. Men theo con suối, có những đoạn nước nổi váng, sủi bọt, nhiều đoạn đen kịt, đặc quánh không chảy được. Cùng với đó, mùi hôi hám bốc ra đứng từ xa vẫn có thể ngửi được. 

Theo bà Lê Thị Tình, người dân sống khu vực này cho biết, trước đây, con suối này chảy qua các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Định Quán, có tôm cua cá nhiều. Thời gian 5 năm nay trở lại đây, con suối này bị “bức tử”.

Chính dòng suối này phải chịu đựng chất thải của hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn xả ra. Riêng đoạn chảy huyện Định Quán, con suối “gánh” chất thải của 4 cơ sở, trong đó có các công ty người dân thường xuyên tố cáo như Công ty sản xuất chế biến xoài Hương Thuận, Phúc Lộc Thọ… 

Cống xả thải của một doanh nghiệp xả trực tiếp ra môi trường bị người dân phát hiện vào ngày 23/5.
Cống xả thải của một doanh nghiệp xả trực tiếp ra môi trường bị người dân phát hiện vào ngày 23/5. 

Theo bà Tình, hóa chất xử lý xoài là cực độc, một số cơ sở sản xuất xoài ở đây từng bị xử phạt vì làm ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân nơi đây liên tục bắt gặp các công ty này xả chất thải đen ngòm ra suối Tam Bung. Cụ thể, 18h ngày 23/5, nhiều người dân xã La Ngà phát hiện một cơ sở sản xuất trên địa bàn xả thải dòng nước đen ra sông Thần Đồng tại cống Ba Miệng, thuộc khu công nghiệp Định Quán. 

Tuy nhiên, sau đó ông Ngô Hồng Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Định Quán cho rằng, nước thải ra từ hệ thống cống này “đã qua xử lý, giám định thường xuyên, đạt chuẩn xả thải”. Ông Phúc còn cho rằng: “Tình trạng xả thải này xảy ra thường xuyên và là chuyện rất bình thường”. 

Về phía người dân rất bức xúc khi cơ quan chức năng lại cho rằng dòng nước này đạt chuẩn vì nó có màu đen kịt, đặc quánh, đứng gần không thở nổi. “Nhìn bằng mắt thường cũng biết nó ô nhiễm như thế nào mà cơ quan chức năng lại nói nước đạt chuẩn thì tôi cũng không biết nói làm sao”, ông Nguyễn Sơn phản biện. 

Con suối Tam Bung có màu đen kịt, bốc mùi hôi hám, dẫn ra gần khu vực nuôi cá.
Con suối Tam Bung có màu đen kịt, bốc mùi hôi hám, dẫn ra gần khu vực nuôi cá.

Cùng với đó, dọc con sông La Ngà gần khu vực cá chết, có nhiều nhà máy hoạt động luôn kín cổng cao tường, có nhà máy xử lý xả thải đặt quay lưng với con suối, cống thải đặt vị trí khó tiếp cận, có nhà máy thì đặt thẳng xuống lòng đất.

“Như vậy cơ quan chức năng làm sao giám sát được mà vội kết luận các cơ sở sản xuất tại khu vực được kiểm soát rất chặt chẽ, không gây ô nhiễm. Rồi vội vã nói nguyên nhân cá chết là do thiên tai, mưa lớn?”, bà Tình đặt câu hỏi.

Còn ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, sông La Ngà có rất nhiều nhánh, tại sao khi mưa lớn các nhánh khác không chết cá, mà chỉ có ở lưu vực sau các nhà máy xoài lại chết nhiều? “Vậy mà cơ quan chức năng lại không xác minh rõ ràng mà vội vàng kết luận”, ông Nghĩa nói.

Liên quan đến sự việc 1.000 tấn cá chết trắng trên sông La Ngà (Đồng Nai), mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng này và triển khai các biện pháp xử lý triệt để.

Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý, trường hợp nguyên nhân cá chết là do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các nguồn thải lớn ra sông La Ngà, đặc biệt là các trường hợp có đơn thư tố cáo của nhân dân.

Đối với lượng cá chết, tỉnh Đồng Nai thực hiện thu gom, xử lý cá chết kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả công việc trên tỉnh Đồng Nai phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2019.

Đọc thêm