Cẩm Mỹ (Đồng Nai): Vì sao các cựu binh vẫn ròng rã kêu oan?

(PLO) - Những cựu binh này từng cống hiến một phần tuổi trẻ và xương máu cho đất nước trong chiến tranh, được Hội đồng Giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tích. Nhưng sau đó, họ bị đưa ra xét xử về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” một cách tai tiếng và oan ức…
Các cựu binh quyết tâm dù có chết cũng phải rửa được tiếng oan
Các cựu binh quyết tâm dù có chết cũng phải rửa được tiếng oan
Họ đã kêu oan từ khi bị khởi tố, đến nay chấp hành xong bản án, họ vẫn tiếp tục kêu oan và khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng sớm xét lại vụ án để làm sáng tỏ về nỗi oan thấu trời của họ. 
Vụ án gây chấn động
Năm 2008, TAND huyện Cẩm Mỹ đã tuyên phạt 9 thương binh gồm Trần Văn Huyên (SN 1953), Lê Anh Xuân (SN 1955), Thái Công Phiên (SN 1956), Ngô Xuân Định (SN 1957), Đoàn Hùng Cường (SN 1955), Nguyễn Đức Thái (SN 1956), Trần Xuân Khang (SN 1951)… mức án từ 8 đến 16 tháng tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”; thu thẻ thương binh, buộc nộp lại số tiền đã nhận mấy chục năm qua.  
Hồ sơ vụ án xác định, từ tháng 9/1986 đến năm 1989, các bị cáo này công tác tại Nông trường Cà phê 874 thuộc Lữ đoàn 874, Quân khu 7. Đến năm 1989, họ lợi dụng chủ trương, làm giả hồ sơ thương binh để hưởng tiền trợ cấp sau khi xuất ngũ. Các bị cáo xin mẫu chứng nhận bị thương của đồng đội rồi chép lại làm hồ sơ cá nhân, sau đó trình cấp chỉ huy ký duyệt. Bản án cũng cho rằng trong hồ sơ đề nghị xét duyệt, các bị cáo đều khai nhiều nội dung sai sự thật như cấp bậc, đơn vị, chức vụ, đơn vị, địa điểm bị thương…
Với lập luận các thương binh này không tham gia chiến đấu mà chỉ là những người tham gia sản xuất, huấn luyện nên không thể bị thương ở chiến trường như những gì các thương binh khai báo. Lúc đầu, các bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng các cựu binh cho rằng họ không lừa đảo ai cả. 
Sau đó, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cẩm Mỹ thay đổi tội danh từ lừa đảo sang tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Một lần nữa bị các cựu binh phản ứng kịch liệt vì họ hoàn toàn không làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nào cả, mà tài liệu, con dấu đều là thật… Đuối lý, các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Cẩm Mỹ đã bỏ phần làm giả con dấu, chỉ truy tố các bị cáo về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đã mấy ngàn ngày trôi qua, cựu binh 64 tuổi này ôm đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết
Đã mấy ngàn ngày trôi qua, cựu binh 64 tuổi này ôm
đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết
“Trước đây, chúng tôi mỗi người tham gia chiến đấu ở các đơn vị khác nhau, bị thương cũng ở chiến trường khác nhau, nhưng vì sau này đơn vị giải thể nên chúng tôi trở về Lữ đoàn 874, Quân khu 7 vừa tham gia sản xuất, vừa huấn luyện quân để phục vụ cho chiến trường Campuchia. Năm 1989, Lữ đoàn 874 bị giải thể. Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Lữ đoàn 874 giải quyết tồn đọng trong chiến tranh. Do thất lạc giấy chứng thương, đơn vị cũ đã giải thể nên việc tìm lại thủ trưởng cũng như đơn vị cũ để xin xác nhận bị thương rất khó, do vậy chúng tôi đã khai bị thương trong thời gian công tác ở Lữ đoàn 874. Sau đó được đơn vị giới thiệu tới Bệnh viện 7B, Quân khu 7 để giám định. Chúng tôi được Hội đồng Giám định y khoa giám định, kết luận, xếp hạng thương tật và cấp Thẻ thương binh đàng hoàng. Vậy mà họ nói chúng tôi lừa đảo, sau họ lại nói chúng tôi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và cuối cùng là khép vào tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”- cựu binh Trần Xuân Khang bức xúc.
Các cựu binh này đều đã trải qua chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau, người ít nhất là 8 năm, người nhiều cũng 16, 17 năm trước khi về Lữ đoàn 874. Cựu binh Lê Anh Xuân cho biết, năm 1974 ông nhập ngũ ở Trung đoàn 14 Thanh Hóa; năm 1975 vào hoạt động ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Sau giải phóng, đến tháng 10/1977 ông qua Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, chiến đấu giúp nước bạn và bị thương 3 lần ở tỉnh Công Pông Chàm. Đến tháng 5/1979, ông về Lữ đoàn 874 làm công tác huấn luyện. Năm 1989  ông được giải quyết chế độ thương binh với tỷ lệ mất sức 43%. Về địa phương, ông tham gia làm Trưởng ấp, Bí thư ấp… Hay như trường hợp của ông Trần Văn Huyên sinh năm 1953, là lính từ năm 1972, từng tham gia nhiều trận đánh ở bến Bạch Đằng, Rạch Chiếc, Thủ Đức, Nhơn Trạch. Năm 1975 ông về Trung đoàn 316. Tháng 3/1977 ông lên chiến đấu ở vùng Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và bị thương…
Có chết cũng phải rửa được tiếng oan
Sau thời gian chịu cảnh tù tội, các cựu binh này đã gõ cửa khắp nơi, nhưng đã mấy ngàn ngày trôi qua, sự vụ vẫn đắm chìm trong im lặng. “Oan ức quá. Chúng tôi bị thương thật, được giám định thật… Nếu chúng tôi không bị thương thì làm sao Hội đồng Giám định y khoa lại xếp hạng thương binh cho chúng tôi được. Giờ dù tuổi cao sức yếu nhưng chúng tôi sẽ đi tới cùng, dù có chết cũng phải rửa được tiếng oan này…” - các cựu binh quyết tâm.
Chủ tịch xã Long Giao thông cảm chia sẻ với những cựu binh bị đi tù
Chủ tịch xã Long Giao thông cảm chia sẻ với
những cựu binh bị đi tù 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Sửu - Chủ tịch UBND xã Long Giao, cũng là một cựu binh ở Lữ đoàn 874 và hiện đang hưởng chế độ thương binh buồn rầu chia sẻ: “Sau khi phục viên trở về địa phương, các anh ấy luôn giữ đạo đức, phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, chăm lo làm ăn, nuôi con cái ăn học đàng hoàng. Hầu hết trong số họ là đảng viên, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Thực tế hầu hết các anh đều trải qua chiến trường, nhưng sau này đơn vị không còn nên đành khai đơn vị công tác mới là Lữ đoàn 874, nhưng Lữ đoàn này chỉ sản xuất, huấn luyện chứ không chiến đấu. Nhiều người hiện giờ vết thương vẫn còn đau nhức mỗi khi trái gió trở trời. Tôi nghĩ họ không thể làm giả được, vì quy trình xét duyệt rất chặt chẽ, từ việc đơn vị giới thiệu đi giám định cho đến việc giám định tỷ lệ thương tật phải có cả một hội đồng. Thấy anh em bị như thế cũng thiệt thòi thật…”.
Ông Nguyễn Xuân Nhì - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Giao, tuy không phải đi tù nhưng bị thu hồi Thẻ thương binh và nộp lại số tiền đã hưởng, bày tỏ: “Chúng tôi thừa nhận là bị thất lạc giấy chứng thương trong quá trình chiến đấu nên khi đơn vị giải thể thì chúng tôi không biết phải xin xác nhận ở đâu, do đó đành đi nhờ đồng đội xác nhận. Khi có chủ trương giải quyết chế độ, anh em đã kê khai và được Thủ trưởng Lữ đoàn 874 xác nhận, giới thiệu đi giám định. Khi đó đơn vị 874 họ ghi chúng tôi bị thương ở Campuchia là không đúng địa điểm, chứ không phải là chúng tôi không tham gia chiến đấu, không bị thương… Chúng tôi tha thiết mong muốn Nhà nước xem xét để giải quyết, minh oan cho các cựu binh”.  
Chủ tịch Hội CCB xã Long Giao mong cơ quan chức năng vào cuộc minh oan cho các cựu binh
Chủ tịch Hội CCB xã Long Giao mong cơ quan
chức năng vào cuộc minh oan cho các cựu binh
Các cựu binh này có bị oan hay không, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, xem xét và giải quyết đơn của các cựu binh nhằm chấm dứt khiếu kiện kéo dài.

Đọc thêm