Cần thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về xây dựng đối với khu điều trị chất lượng cao tỉnh Thái Bình

(PLO) -  Công trình xây dựng của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình làm lún nứt nhà dân là việc có thể quan sát bằng mắt thường, những vi phạm không nhìn thấy bằng mắt còn không ít nên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để làm rõ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, theo thông tin của người dân ở tổ 22, phường Quang Trung, TP Thái Bình phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam về việc Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình trong quá trình xây dựng khu điều trị chất lượng cao đã gây ra sụt lún nền, nứt tường, trần nhà ở của các hộ dân liền kề, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam vào cuộc xác minh. Quá trình làm việc với các bên liên quan đã cho thấy, việc chủ đầu tư xây dựng công trình 13 tầng, 1 tầng hầm và 1 tum đã khiến các hộ gia đình liền kề bị ảnh hưởng về tài sản nhà ở. 

Tại hiện trường, chị Nguyễn Thị Thục, cho biết: “công trình Bệnh viện xây dựng sát với nhà ở của các hộ dân xung quanh. Do vậy trong quá trình đào móng, cắm cột họ sử dụng nhiều máy móc công suất lớn để thi công gây sụt lún, nứt nền, tường, trần nhà, thậm chí còn gây rung lắc cả ngồi nhà đang ở của gia đinh tôi. “Rất nhiều lần tôi đề nghị chủ đầu tư và các cấp chính quyền địa phương phải yêu cầu dừng ngay việc thi công xây dựng để mời cơ quan chuyên môn vào kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài sản nhà ở của gia đình, thế nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình thi công”, chị Thục cho biết.

Quá trình thi công xây dựng hệ thống rãnh thoát nước sát với nhà ở của gia đình chị Thục và người dân đã gây ra sụt lún, xâm phạm nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản nhà ở của gia đình chị Thục (ảnh chị Thục cung cấp)
Quá trình thi công xây dựng hệ thống rãnh thoát nước sát với nhà ở của gia đình chị Thục và người dân đã gây ra sụt lún, xâm phạm nghiêm trọng đến an toàn tính mạng và tài sản nhà ở của gia đình chị Thục (ảnh chị Thục cung cấp)
Quá trình xây dựng công trình gây hậu quả thiệt hại về tài sản nhà ở cho các hộ liền kề đã rõ, còn trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công có thực hiện đúng theo quy định về kỹ thuật thi công, mật độ xây dựng và trách nhiệm đảm bảo an toàn đối với các hộ liền kề thì chưa được cơ quan chức năng làm rõ. 

Trong buổi làm việc với phóng viên trước đó, ông Bùi Xuân Hưng – Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, cho biết:“trong Dự án xây dựng khu điều trị chất lượng cao này có rất nhiều vấn đề, từ việc thay đổi, điều chỉnh chủ trường đầu tư của dự án cho đến việc triển khai xây dựng công trình. Không phải cứ được giấy phép xây dựng là chủ đầu tư muốn làm thế nào thì làm, trước tiên chủ đầu tư phải làm đúng quy trình, đúng kỹ thuật thi công và thi công phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn. Nếu như chủ đầu tư và nhà thầu thi công làm thật sự có trách nhiệm thì các hộ dân đã không phải gánh chịu hậu quả như thế”.

Chủ đầu tư cho thi công đào, xúc đất sát với nhà người dân để làm hệ thống rãnh thoát nước. Gây sụt lún, báo động về sự mất an toàn đến nhà ở của người dân liền kề
Chủ đầu tư cho thi công đào, xúc đất sát với nhà người dân để làm hệ thống rãnh thoát nước. Gây sụt lún, báo động về sự mất an toàn đến nhà ở của người dân liền kề
Được biết, ngày 4/7/2018, UBND phường Quang Trung tổ chức buổi làm việc giữa người dân và chủ đầu tư, cùng với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn của phường và lãnh đạo tổ dân phố, đặc biệt có sự giám sát của cán bộ lãnh đạo phòng Quản lý đô thị, Thanh tra của thành phố Thái Bình để giải quyết đơn kiến nghị bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư gây ra. Tại buổi làm việc, ông Vũ Cao Cường đã kết luận: Đề nghị Chủ đầu tư và hai hộ dân tiếp tục thỏa thuận thống nhất bồi thường đến hết ngày 8/7/2018, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng thi công xây dựng công trình. UBND phường Quang Trung tổng hợp hồ sơ, báo cáo UBND thành phố Thái Bình và các phòng ban chuyên môn để xử lý theo quy định. 

Đến ngày 6/7/2018 UBND phường Quang Trung có Báo cáo số 47/BC-UBND gửi Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình và UBND thành phố Thái Bình cùng một số cơ quan chuyên môn về việc tiếp tục giải quyết đơn đề nghị bồi thường thiệt hại do dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình làm ảnh hưởng đến công trình nhà ở của các hộ dân. 

Theo đó, UBND phường Quang Trung đã báo cáo về thời hạn cho phép chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận bồi thường, đồng thời báo việc chủ đầu tư không chấp hành theo biên bản làm việc ngày 4/7/2018 về việc tạm ngừng thi công xây dựng công trình để phối hợp với người dân thỏa thuận bồi thường. Tuy nhiên, trong ngày 5/7 và ngày 6/7, chủ đầu tư vẫn triển khai thi công một số hạng mục công trình giáp với nhà ở của bà Nhung gây bức xúc đối với 2 hộ gia đình.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bình Minh – Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, cho biết: “Chủ tịch UBND phường Quang Trung đã có biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công để thỏa thuận bồi thường với người dân, thế nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình thi công đào, múc đất để xây dựng rãnh thoát nước sát với nhà ở của gia đình chị Thục và gia đình ông Minh".

Ngày 6/7/2018 tôi trực cơ quan, nhận được phản ánh của chị Thục, tôi cùng với cán bộ chuyên môn của phường đã xuống hiện trường kiểm tra thì phát hiện chủ đầu tư vẫn cho công nhân thi công nên với trách nhiệm của người được giao phụ trách về lĩnh vực xây dựng tôi đã lập tức ra thông báo yêu cầu chủ đầu tạm ngừng thi công.“sau đó tôi tự nhận thấy chưa có sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Thái Bình và Chủ tịch UBND phường ủy quyền nên tôi có ra văn bản thu hồi lại”, ông Minh giải thích thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhà khám chữa bệnh của dự án cơ bản đã được xây dựng xong. Còn các hạng mục công trình phụ trợ, như hệ thống rãnh thoát nước, nhà bảo vệ… đang được đơn vị thi công gấp rút xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Thục, cho biết: “Trong khi chủ đầu tư đang bị lãnh đạo UBND phường Quang Trung yêu cầu ngừng thi công xây dựng để thỏa thuận bồi thường với gia đình tôi và gia đình ông Minh, nhưng chủ đầu tư không chịu thỏa thuận bồi thường với gia đình tôi mà cố tình tiếp tục thi công đào, múc đất xây dựng công trình rãnh thoát nước sát với tường nhà ở của gia đình tôi nên tôi tiếp tục phản ánh sự việc đến UBND phường Quang Trung về việc chủ đầu tư không chấp hành yêu cầu dừng thi công, sau đó chủ đầu tư còn dung thủ đoạn trắng trợn kiện ngược tôi với lý do, có hành vi ngăn cản hoạt động thi công”.

Chủ tịch UBND phường Quang Trung đã yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công để thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho người dân, tuy nhiên Chủ đầu tư vẫn cố tình thi công hệ thống rãnh thoát nước. (Ảnh chị Thục cung cấp)
Chủ tịch UBND phường Quang Trung đã yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công để thỏa thuận bồi thường thiệt hại cho người dân, tuy nhiên Chủ đầu tư vẫn cố tình thi công hệ thống rãnh thoát nước. (Ảnh chị Thục cung cấp)
Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép xây dựng, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, khẳng định: “Sở Xây dựng mới chỉ cấp giấp phép xây dựng duy nhất cho công trình nhà khám chữa bệnh, còn các công trình phụ trợ khác, như nhà bảo vệ, hệ thống rãnh thoát nước, Sở vẫn chưa cấp giấy phép. Do vậy, việc phát hiện sai phạm đến đâu, thì các cấp chính quyền địa phương và thanh tra phải có trách nhiệm kiểm tra tại thực địa để đối chiếu với giấy phép đã được cấp”.

Theo thông báo kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình của Cục quản lý hoạt động xây dựng thì yêu cầu đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải thực hiện thí nghiệm hiện trường kiểm tra sức chịu tải của cọc trước khi thi công đại trà phần cọc. Chủ đầu tư gửi kết quả cho đơn vị tư vấn thiết kế để đối chiếu, kiểm tra lại sức chịu tải của cọc, đảm bảo an toàn cho công trình và bổ sung đầy đủ thiết kế hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, giao thông nội bộ; thiết kế hạ tầng kỹ thuật chung của dự án phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trước khi thực hiện kết nối cần kiểm tra hiện trạng, báo cáo và tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, đảm bảo khớp nối và đáp ứng được khả năng tiếp nhận với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực và thực hiện nhiều công việc khác để đảm bảo an toàn xây dựng.

Như vậy, để làm rõ nguyên nhân dẫn đến 51 hộ gia đình phải chịu hậu quả nặng nề từ việc xây dựng công trình. Cần sự cấp thiết vào cuộc của Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình và Bộ Xây dựng để thanh tra, kiểm tra toàn diện trong việc chấp hành pháp luật về Luật Xây dựng đối với Dự án này. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về việc chủ đầu tư và đơn vị giám định Raco “bịt mắt” người dân trong việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân như thế nào?

Đọc thêm