Cảnh giác với một số chiêu lừa mới hoành hành vùng nông thôn

(PLO) -Nhờ tài ăn nói, cải trang giống như sắp chuẩn bị về quê, một số đối tượng lạ mặt đã bán ngan giống, gà giống “thanh lý” cho người dân với giá rẻ. Người mua khấp khởi mừng vì cho rằng chỉ bỏ ra vài trăm ngàn nhưng sắp có được một bầy gà lai, ngan lai. Đến khi con giống lớn, người nuôi mới té ngửa biết mình bị lừa.
Bà Mai chỉ nơi mình nuôi bầy “ngan” hóa vịt
Bà Mai chỉ nơi mình nuôi bầy “ngan” hóa vịt

Nuôi “ngan” hóa vịt

Theo phản ánh của người dân tại TDP 5 (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), những năm vừa qua, nhiều đối tượng lạ mặt đã dùng thủ đoạn lừa gạt, đánh vào lòng tin và ham đồ rẻ của người dân để chiếm đoạt tài sản. 

Bà Phan Thị Mai (51 tuổi) cho biết, cách đây 5 tháng, có một thanh niên chạy xe máy tới trước cửa nhà bà ngó nghiêng. Thấy lạ, bà ra hỏi, người này cho biết mới  mua về mấy chục con ngan giống để nuôi nhưng do gia đình ngoài miền Bắc có việc hệ trọng, phải bán lại để về gấp.

Nhìn thấy người này có vẻ thật thà, đúng “chất” người lao động, lại nghĩ vườn nhà mình còn rộng, đủ thả thêm mấy chục con ngan nên bà Mai đồng ý mua lại với giá rẻ 15 ngàn/con. 

Sau khi mua, bà Mai khấp khởi vì đã sở hữu được 30 con ngan với giá rẻ bất ngờ. Cứ nghĩ mình may mắn, người phụ nữ này cố gắng chăm sóc bầy ngan, cho ăn uống đầy đủ để mong chúng nhanh lớn, đem ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

Không ngờ, nuôi được gần một tháng thì bà Mai phát hiện bầy ngan nhà mình có dấu hiệu đổi màu lông từ đen sang trắng. Một thời gian sau, bà dở khóc dở cười vì biết 30 con tưởng ngan giống kia đích thực là…vịt. 

Bà Mai kể: “Đó là một bầy vịt đực, chúng được nhuộm đen cho giống ngan con. Sau đó, kẻ gian đem bầy ngan “đểu” này đi lòng vòng, rồi giả nghèo giả khổ, để đánh lừa tôi. Vậy là tôi bị lừa mất 450 ngàn, số tiền đó không nhiều nhưng cứ nghĩ lại là thấy rất bực bội”. 

Một trường hợp khác là bà Dương Thị Sương (59 tuổi). Bà Sương kể thời gian trước, có một thanh niên tìm tới nhà bà giới thiệu là nhân viên của lò ấp trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Người này khoe lò ấp của mình vừa nhập về giống “ngan Pháp”, nuôi nhanh lớn, trọng lượng mỗi con khi trưởng thành có thể đạt 5-6kg, thịt thơm ngon. Nhằm minh chứng cho lời nói của mình, người này xách ra một con “ngan Pháp” trưởng thành để tạo lòng tin. 

Thấy con “ngan Pháp” trưởng thành béo tốt, ước chừng phải gần 7kg, bà Sương gật đầu đồng ý mua lại 100 con giống với giá 7 ngàn/con để nuôi. Cũng như bà Minh, sau khi mua, bà Sương tu bổ lại chuồng, chăm sóc bầy ngan lai của mình rất chu đáo. Nào ngờ, bầy ngan của bà ăn nhiều nhưng chậm lớn, đã thế, càng lớn chúng càng đổi màu và không lâu sau thì hiện nguyên hình là một bầy vịt đực. 

Bà Sương nhớ lại: “Mua giống xong, tôi cũng mua thêm bột, cám để cho bầy ngan của mình. Ai ngờ, càng lớn, tôi thấy bầy ngan của mình càng dài cổ ra, nhìn vừa giống vịt, vừa hao hao giống cò. Đến lúc này, tôi cười chẳng ra, khóc chẳng thành, ôm một con ngan lai đi hỏi mấy trại giống trong vùng, người ta cho biết đó là vịt đực. Vịt đực thường chậm lớn, lúc nhỏ, đầu của chúng to nên khi được nhuộm đen thì nhìn rất giống ngan, những ai thiếu kinh nghiệm đều dễ bị lừa gạt”. 

Theo tìm hiểu của PLvn, ngoài việc mua phải giống ngan giả, một số hộ dân khác trong TDP5, phường Ea Tam cũng bị kẻ gian lừa, mua phải giống gà “đểu”. Điển hình là trường hợp của anh Nguyễn Văn Thy (37 tuổi).

Sau khi nghe lời rao bán của một người lạ mặt trước cổng nhà mình, anh Thy đồng ý mua lại 30 con gà lai màu đen với giá 10 ngàn/con. Không ngờ, nuôi được vài bữa thì bầy gà thành màu trắng và chết dần chết mòn vì bệnh tật. 

Cụ Hiên kể việc mình bị lấy trộm hơn 1 triệu đồng.
Cụ Hiên kể việc mình bị lấy trộm hơn 1 triệu đồng. 

Nhiều thủ đoạn lừa đảo

Ngoài việc bán giống vật nuôi giả cho người dân, những đối tượng xấu cũng thường xuyên lai vãng trên địa bàn TDP5, phường Ea Tam để chờ cơ hội ra tay trộm cắp. Mới đây nhất, có hai người phụ nữ đi trên xe máy tới gia đình cụ ông Ngô Văn Hiên (90 tuổi) hỏi mua chè xanh. Sau khi mua 20 ngàn chè, hai người này tiếp tục hỏi mua thêm hai buồng chuối phía sau vườn nhà cụ. 

Thấy chuối mình còn xanh, thoạt đầu cụ Hiên không đồng ý bán. Thế nhưng, sau một hồi cò kè, người mua nói giá 80 ngàn/ 1 buồng vì cần gấp. Nghĩ rằng đợi đến khi chuối chín, bán đắt lắm cũng chỉ được giá 60 ngàn/ buồng, cụ Hiên đồng ý. Khi thanh toán, người mua đưa ra tờ tiền mệnh giá 500 ngàn. Trong tình cảnh này, cụ Hiên phải vào lục tủ, nơi cất giấu tiền để trả tiền thừa cho “thương gia”. 

Khi cụ Hiên trả tiền xong, một người phụ nữ xuống cắt buồng chuối than đau bụng vì đang mang bầu tháng thứ 5, nhờ cụ Hiên phụ mình khiêng chuối. Người phụ nữ khác tỏ vẻ hoảng hốt, nhờ chủ nhà đi cắt giúp mình 40 ngàn chè xanh nữa vì gia đình đang có tang gia, phải làm gấp để về. 

Tin lời, cụ ông lòm còm đi khiêng chuối, cụ bà lật đật ra cắt chè xanh. Đến khi hai người phụ nữ trên ra về, cụ ông đem tiền bán chè, bán chuối vào tủ cất thì phát hiện, số tiền hơn 1 triệu đồng mình dành dụm bấy lầu này đã “không cánh mà bay”. 

Cụ Hiên nhớ lại: “Hai người phụ nữ đó trạc tuổi 45, nói năng nhanh nhảu, vẻ mặt thì luôn buồn rầu giống như nhà đang có tang gia thật nên tôi tin tưởng. Ai ngờ, khi biết chỗ tôi cất tiền, họ lừa tôi xuống khiêng chuối, gạt vợ tôi ra cắt chè rồi lẻn vào nhà cuỗm mất tiền tiết kiệm.

Vợ chồng tôi đều già yếu, không làm được việc gì nặng nhọc, chỉ biết dựa vào buồng chuối, vườn chè để kiếm vài đồng bạc lẻ, đong gạo qua ngày. Ai ngờ, nhóm người lừa đảo cũng không tha, cuỗm hết số tiền vợ chồng tôi tích góp hơn 1 năm qua”. 

Ngoài trường hợp của ông Hiên, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi) cho biết thêm, cách đây hơn 1 năm, bà cũng bị lừa vố đau, mất 1 triệu đồng. Bà Hồng kể, hôm đó bà ở nhà một mình thì có hai người phụ nữ chạy xe honda tới, tự giới thiệu là người của chương trình “Hãy chọn giá đúng”.

Sau một hồi giới thiệu, hai người này bịa chuyện rằng, chương trình của mình đang có đợt khuyến mãi với hình thức tặng thẻ cào may mắn. Đồng thời, hai người này đưa cho bà Hồng một thẻ cào. Nghe nói khuyến mãi thì bà Hồng cũng cào để thử vận may và được biết, mình đã may mắn trúng một chiếc xe tay ga với trị giá hơn 40 triệu đồng. 

Sau đó, hai người phụ nữ yêu cầu bà Hồng ăn mặc đẹp để chụp hình. Đồng thời, một người gọi điện cho “sếp”, báo tin đã có người trúng thưởng, nhờ cấp trên xử lý gấp để người dân sớm được lĩnh giải.

Khi điện thoại xong, người này quay lại nói với bà Hồng rằng, bà phải bỏ ra 3 triệu để làm thủ tục nhận giải thưởng. Biết mình không đủ tiền, bà Hồng xin hai người chờ một lát để đi mượn thêm của hàng xóm thì bị ngăn lại với lý do “cô có bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu cũng được, tụi con sẽ báo lại với sếp”. 

Cuối cùng, bà Hồng cũng gom được trọn 1 triệu để “làm thủ tục nhận giải thưởng”, giao cho hai người lạ mặt. Nhận được tiền, hai người này vội vàng lên xe đi và hứa trong vòng 3 ngày trở lại, sẽ có người chở xe đến cho bà. Nghĩ mình trúng thưởng thật, mấy ngày liền sau đó, bà Hồng chẳng chịu đi làm gì, lúc nào cũng ở trong nhà để đợi chờ và muốn tạo điều bất ngờ đối với con cháu.

Thế nhưng, chờ dài cổ vẫn chẳng thấy xe đâu, hơn một tháng sau, bà mới đem chuyện này nói với người thân trong gia đình. Lúc này, bà mới biết mình bị lừa.

“Họ ăn mặc đẹp, lại có đeo bảng tên, làm việc rất bài bản nên tôi tin răm rắp. Ai ngờ, đó là quân lừa đảo, họ lấy mất của tôi 1 triệu đồng. Cũng may, lúc đó tôi chỉ còn vọn vẻn chừng đó chứ có hơn tôi cũng đưa họ hết rồi”, bà Hồng nhớ lại. 

Đem câu chuyện của những người dân bị lừa gạt trên trao đổi với ông Trần Văn Châu, Bí thư TDP 5, phường Ea Tam, vị này cho biết, do địa bàn rộng, dân cư thưa nên nhiều đối tượng xấu đã tìm đủ mọi cách để lừa gạt bà con, nhất là những hộ có người cao tuổi.

Qua những buổi họp TDP, ông đã tuyên truyền, giải thích và khuyên bà con không nên ham của rẻ, đặc biệt là con giống gia súc gia cầm để tránh bị lừa, đồng thời cũng khuyên bà con tuyệt đối không nên tiếp xúc với những người lạ, tự giới thiệu là công ty này nọ tìm đến nhà riêng để khỏi bị lừa gạt. 

Ông Châu trao đổi: “Thực tế trên địa phương đã có nhiều trường hợp bà con bị kẻ xấu dùng lời ngon ngọt để lừa gạt. Bởi vậy, tôi khuyên bà con trên địa bàn cũng như những nơi khác nên đặc biệt cẩn trọng, không mua giống gia cầm trôi nổi, để phòng tránh việc mua phải giống đểu, được di chuyển từ vùng dịch tới.

Ngoài ra, bà con cũng phải cẩn trọng khi tiếp xúc với người lạ mặt, đặc biệt là với những người cao tuổi. Khi có người lạ tìm đến, cách tốt nhất là bà con nên gọi điện báo cho chính quyền địa phương, hoặc ít nhất là báo cho hàng xóm cùng đến để tránh những trường hợp xấu”. 

Đọc thêm