Cầu Giấy, Hà Nội: Đất có chủ sử dụng bị quy là “đất trống“

(PLO) - Thực hiện dự án xây dựng vườn hoa, cây xanh tại khu đất trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Đô (phường Nghĩa Đô), UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã thu hồi đất của 5 hộ dân và đền bù theo giá đất nông nghiệp.

Cầu Giấy, Hà Nội: Đất có chủ sử dụng bị quy là “đất trống“
Đáng nói ở chỗ, các hộ dân ở đây đã từng phải nộp hơn 14 tỷ đồng để được hợp thức hóa diện tích này (thành đất ở) và được UBND quận Cầu Giấy cấp sổ đỏ năm 2009. 
Và cho đến nay, khi UBND quận Cầu Giấy đã có quyết định bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì các bên vẫn còn đang chờ phán quyết của Tòa về việc cấp sổ đỏ này có hợp pháp hay không, tức là vẫn chưa có kết luận chính thức về việc đất của các hộ là “đất ở” hay “đất nông nghiệp”.
Đất xen kẹt trong quy hoạch “nhà ở thấp tầng”
Diện tích đất trên có nguồn gốc là đất Nông nghiệp do Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp An Phú quản lý và giao khoán cho các hộ xã viên canh tác. Đến năm 1993, thực hiện chính sách đất đai, UBND thị trấn Nghĩa Đô lúc đó đã giao diện tích đất trên cho 3 hộ gia đình (ông Khạ, ông Hội, ông Đạt) tiếp tục sử dụng, có lập sổ thuế nông nghiệp.
Quá trình sử dụng kéo dài đến năm 2003 thì các hộ đều lần lượt chuyển nhượng đất cho 5 người là bà Quyên, bà Thủy, bà Hùy, bà Liền, ông Thanh (mỗi người từ 200m2 đến 300m2). Sau đó, các hộ đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng thành “đất ở” và được UBND quận Cầu Giấy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào năm 2009. Đổi lại, các hộ đã phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước tổng cộng hơn 14 tỷ đồng.
 Nhưng chỉ 2 năm sau, khi tiến hành thanh tra, UBND quận Cầu Giấy đã thu hồi 5 GCNQSDĐ trên vì cho rằng đã cấp sai thủ tục? Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng “khu đất không còn khả năng canh tác, không tiếp tục sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp được nữa và xen kẹt giữa khu dân cư”. Đặc biệt, UBND quận Cầu Giấy còn khẳng định rõ: “Hiện khu vực này đã có quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB ngày 1/2/2005 (phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây tỷ lệ 1/2000) là “đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự”. Chính vì vậy, cơ quan này có đề nghị “tiếp tục đưa diện tích nêu trên sử dụng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là cần thiết, phù hợp thực tế”.
Sao lại thành “đất trống xen kẽ”?
Khi được giao thanh tra vụ việc này, Thanh tra thành phố cũng cho rằng việc UBND quận Cầu Giấy cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân là sai trình tự, thủ tục và thiếu một số hồ sơ, tài liệu. Thừa nhận khu đất nói trên nằm trong ô đất quy hoạch có ký hiệu O16 (đất ở thấp tầng, biệt thự) nhưng Thanh tra thành phố lại cho rằng ô đất này bao gồm cả đất đường đi, đất vườn hoa, cây xanh, đất nhà ở… (sẽ có quy hoạch chi tiết). Ngoài ra, cơ quan này còn cho rằng phần đất này là “đất trống xen kẽ”. Theo Quyết định số 13/2005/QĐ- UB của UBND TP.Hà Nội thì đất này phải “được giao cho địa phương quản lý, là quỹ đất để chuyển đổi lao động việc làm cho người dân và các nhu cầu xã hội khác”. Do vậy, khu đất không đủ điều kiện xét cấp GCNQSDĐ ở cho các hộ gia đình và đề xuất quy hoạch khu đất có chức năng đất cây xanh, công cộng.
Tuy nhiên, các hộ gia đình đều phản đối nhận định trên và khẳng định khu đất trên là “có chủ” chứ không phải “đất trống” như quan niệm của Thanh tra thành phố, thể hiện qua “sổ thuế nông nghiệp gia đình” do UBND thị trấn Nghĩa Đô cấp cho ông Khạ, ông Hội, ông Đạt ngày 20/5/1993. Như vậy có nghĩa các ông này sử dụng đất hợp pháp, ổn định từ trước 15/10/1993. Sau này, ba ông không có nhu cầu sử dụng và chuyển nhượng đất cho 5 người khác sử dụng (trong đó có người là xã viên HTX) thì diện tích đất này lại có chủ mới chứ chưa bao giờ ở trong tình trạng đất “vô chủ” cả. Khi khu vực này đã được “đô thị hóa” và quy hoạch là “nhà ở thấp tầng”, thửa đất trở thành “đất xen kẹt” trong khu dân cư và không phải “đất trống” (tức là đất hoang, đất lưu không) của địa phương.
Hơn nữa, đại diện HTX An Phú cũng khẳng định từ năm 1993, các hộ gia đình này là chủ sử dụng đất chứ HTX không còn quản lý đất và thu sản phẩm nữa. Các hộ sử dụng đất không có tranh chấp, ổn định và đúng quy hoạch thời điểm đó nên việc xem xét hợp thực hóa sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính là đúng quy định. 
Với quan điểm trên, các hộ dân đã khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu UBND quận Cầu Giấy thu hồi lại Quyết định hủy GCNQSDĐ của họ. Rồi khi bị cấp Tòa sơ thẩm bác đơn, các hộ dân đã kháng cáo và hiện đang chờ TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm. 
Đánh giá về vụ việc này, một số luật sư cho rằng, để xem xét diện tích đất trên có đủ điều kiện để hợp thức hóa hay không thì phải xác định chính xác về nguồn gốc đất. Nếu các hộ dân không lấn chiếm đất, sử dụng ổn định lâu dài thì rõ ràng họ có thể thực hiện nghĩa vụ tài chính để được Nhà nước  hợp thức hóa quyền sử dụng đất theo đúng quy hoạch lúc đó (đất ở thấp tầng). Còn sau này, nếu có thay đổi quy hoạch và triển khai dự án thì chính quyền cũng phải tuân theo những thủ tục nhất định. Đó là chưa kể đến việc xử lý hậu quả của vụ việc cũng khá phức tạp do các hộ đã nộp hơn 14 tỷ đồng cho Nhà nước và sau khi có sổ đỏ, một số hộ đã chuyển nhượng diện tích đất này cho người khác.
Hiện UBND quận Cầu Giấy vẫn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng song song với việc đang phải theo đuổi vụ kiện với tư cách là bên bị kiện tại tòa. Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy cho biết: “Nếu Tòa giữ nguyên sổ đỏ của các hộ thì chúng tôi sẽ làm lại phương án đền bù. Còn hiện nay chúng tôi vẫn áp giá theo loại đất nông nghiệp để đền bù cho các hộ”. 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về quá trình giải quyết triển khai dự án công viên, cây xanh này cũng như nhận định, phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm trong thời tới đây. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm