Cầu Giấy, Hà Nội: Một vụ chia tài sản sau ly hơn ba năm bị “ngâm án”?

(PLO) - Ngày 5/1/2015, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tiến hành thụ lý vụ án “chia tài sản sau ly hôn” giữa ông Hà Huy Niên (nguyên đơn, SN 1947, trú tại 83 Cầu Giấy, Hà Nội) và bà Trần Thị Sen (bị đơn, SN 1951, trú tại số 6 Phạm Văn Đồng, Hà Nội). Đến nay, đã hơn 3 năm kể từ khi thụ lý nhưng TAND quận Cầu Giấy vẫn chưa ấn định được ngày mở phiên tòa sơ thẩm. 
Thông báo thụ lý vụ án và văn bản thể hiện sự bất hợp tác của bị đơn
Thông báo thụ lý vụ án và văn bản thể hiện sự bất hợp tác của bị đơn

“Ngâm” án 3 năm

Sau quá trình sống ly thân và mâu thuẫn vợ chồng kèo dài, năm 2013, ông Niên đã có đơn xin ly hôn với bà Sen. Vào tháng 9/2013 và tháng 4/2014, TAND quận Cầu Giấy và TAND TP Hà Nội đã lần lượt có các bản án sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, xử cho vợ chồng ông Niên được ly hôn.

Ngay sau đó, ông Niên đã có đơn khởi kiện đề nghị TAND quận Cầu Giấy giải quyết về tranh chấp tài sản sau ly hôn với bà Sen. Theo Thông báo thụ lý vụ án số 11/2015/TB-TLVA thì ngày 5/1/2015, TAND quận Cầu Giấy đã thụ lý vụ án hôn nhân và gia đình, xác nhận có hai khối tài sản mà ông Niên yêu cầu chia là: Nhà, đất diện tích 830m2 tại 83-85 Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; Nhà đất 147m2 tại 6 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Theo ông Niên thì nhà, đất tại 83-85 Xuân Thủy và 147m2 tại 6 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch hiện đang do bà Sen cho thuê bán hàng, tự thu tiền để sử dụng riêng và thuê “đầu gấu, bảo kê” đuổi ông Niên ra khỏi nhà. Hiện nay ông Niên không có nhà ở phải đi thuê…

Trong đơn khởi kiện và các bản khai, ông Niên đều nêu rõ “không yêu cầu tòa án giải quyết, phân chia số tiền cho thuê nhà đất số 83-85 đường Xuân Thủy mà để bà Sen hưởng một mình”. Tuy nhiên, theo ông Niên thì bà Sen đã lợi dụng thiện chí này của ông để cố tình kéo dài vụ kiện nhằm hưởng lợi riêng từ việc cho thuê nhà đất tại 83-85 đường Xuân Thủy. Rất tiếc là TAND quận Cầu Giấy đã không kiên quyết đưa vụ kiện ra xét xử theo đúng thời hạn quy định tại Bộ Luật tố tụng dân sự (BLTTDS), dẫn đến để vụ kiện bị “ngâm” hơn 3 năm qua.

Theo quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015  (có hiệu lực từ 1/7/2016) thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án “chia tài sản sau ly hôn” là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng. 

Như vậy thì tính đến nay, thời gian chuẩn bị xét xử sơ thẩm của TAND quận Cầu Giấy đã quá hơn 2 năm rưỡi so với thời gian quy định trên đây.

Tòa chịu “bó tay”?

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, ngày 11/7/2016, TAND quận Cầu Giấy đã có Quyết định “xem xét thẩm định tại chỗ” đối với tài sản là nhà đất tại 83-85 Xuân Thủy. Sau đó, bà Sen đã có đơn khiếu nại quyết định trên. Tuy nhiên, 

TAND quận Cầu Giấy và TAND TP Hà Nội đều đã có các văn bản giải quyết khiếu nại khẳng định rõ “không chấp nhận đơn khiếu nại của bà Sen” và TAND quận Cầu Giấy thụ lý, giải quyết vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn theo đơn khởi kiện của ông Niên là đúng quy định.

Trên cơ sở trả lời khiếu nại này, ngày 4/11/2016, TAND quận Cầu Giấy đã ra thông báo ấn định thời điểm “xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản” vào 9h ngày 29/11/2016. Tuy nhiên, theo TAND quận Cầu Giấy thì buổi xem xét, thẩm định tài sản này đã không thể tiến hành vì “bà Sen có mặt nhưng bà Sen không đồng ý xem xét, thẩm định, không làm việc, không hợp tác và không ký vào các văn bản tố tụng của Tòa án”. 

 Theo một số Luật sư, thì trong trường hợp này, bà Sen đã có mặt tại buổi thẩm định nhưng từ chối ký vào biên bản xem xét thẩm định thì cần phải coi đây là việc đương sự đã từ chối thực hiện quyền được xem xét, chứng kiến của mình. Nếu có sự chứng kiến của UBND phường thì Tòa án vẫn phải tiếp tục tiến hành xem xét, thẩm định và lập biên bản về việc này chứ không thể hoãn hoặc tạm dừng buổi thẩm định này được. Trong khi đó, khoản 25, Điều 70 BLTTDS cũng quy định rõ, “sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không được lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác”.  

Trao đổi với phóng viên, ông Niên bức xúc cho biết, quá trình giải quyết đã kéo dài 3 năm nhưng TAND quận Cầu Giấy vẫn thể thể mở phiên tòa theo thời hạn quy định đã gián tiếp giúp bị đơn tiếp tục chiếm hữu, sử dụng tài sản tranh chấp để thu lợi riêng. Trong khi đó, tôi tuổi đã cao, bệnh nặng nhưng không có tiền để chữa trị”.

Để làm rõ nội dung vụ “ngâm án” nêu trên, phóng viên PLVN đã trực tiếp liên hệ với TAND quận Cầu Giấy để làm việc. Nhân viên văn phòng ở đây cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo để cho ý kiến về việc trao đổi với báo chí. Tuy nhiên, đã hơn 1 tuần kể từ khi có lời hứa này, chúng tôi vẫn chưa nhận hồi âm của đại diện TAND quận Cầu Giấy.PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này.

Đọc thêm