Chấp thuận cho thám hiểm xuyên động Sơn Đoòng: Coi thường luật pháp, xúc phạm di sản?

(PLO) - Sơn Đoòng được xem như là một kiệt tác được thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, nhưng đáng buồn là con người lại có những hành xử thiếu tôn trọng với di sản vô giá này…
Bức tường Việt Nam được đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Ảnh TL
Bức tường Việt Nam được đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Ảnh TL

Di sản nâng tầm du lịch Việt

Được chính thức phát hiện vào năm 2009, Sơn Đoòng là một phần của hệ thống ngầm nối với hơn 150 động khác ở Việt Nam gần biên giới với Lào. Hang Sơn Đoòng được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Tại những nơi đá mềm, phần trần sụp xuống tạo thành những lỗ hổng, lâu ngày tạo thành những vòm hang khổng lồ.

Với chiều rộng 150m, cao hơn 200m, dài gần 9km, Sơn Đoòng đã vượt qua hang Deer ở Malaysia để chiếm vị trí hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Ngoài một số đoạn hang có kích thước 140m x 140m, có đoạn rộng khoảng 91,5m, cao gần 244m (có thể chứa cả tòa nhà cao 40 tầng) với nhiều cột thạch nhũ cao tới 14m, trong hang còn xuất hiện dòng sông ngâm dài 2,5 km với những cột nhũ đá cao đến 70 m và quần thể san hô, xương thú hóa thạch… Hang còn có hai "giếng trời", là hai nơi mà trần bị sụp, đưa nắng chiếu vào, tạo điều kiện cho cây cối phát triển như một khu rừng nhiệt đới trong hang động, được gọi là "vườn Edam". Đặc biệt, gần cuối hang xuất hiện một kỳ quan cực kỳ quý hiếm được đặt tên là Bức tường Việt Nam (The Graet wall of Viet Nam) cao 90 m, được cấu tạo bởi nhũ đá có tuổi đời ước đến hàng triệu năm được các chuyên gia hang động đánh giá là kiệt tác thiên nhiên. Phía sau bức tường là đoạn hang dài 600 m và có lối ra cửa sau. 

Vẻ đẹp không tưởng của hang động này đã đưa du lịch Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung lên một tầm cao mới. Điều này được thể hiện qua việc lượng khách quốc tế đăng ký tham quan ngày càng tăng cao.

“Xúc phạm” di sản, vi phạm pháp luật

Thực tế cho thấy, việc tổ chức đưa khách vào khám phá Sơn Đoòng được UBND tỉnh Quảng Bình giao độc quyền cho Cty Oxalis thực hiện với tiêu chí bảo vệ nghiêm ngặt di sản thông qua việc hạn chế lượng du khách vào tham quan, khám phá. 

Những tưởng kiệt tác thiên nhiên này sẽ được nâng niu, bảo vệ thì mới đây dư luận xôn xao trước việc Cty Oxalis được phép thí điểm khai thác xuyên động Sơn Đoòng mà bỏ qua quy định pháp luật liên quan.

Tài liệu chúng tôi có được cho thấy, trước đây, với mức giá 3.000 USD/người, tour khám phá Sơn Đoòng do Cty Oxlis tổ chức 7 ngày 6 đêm, trong đó có 5 ngày 4 đêm ở trong hang. Hành trình khám phá được thực hiện từ cửa trước của hang và khi đến Bức tường Việt Nam thì quay trở ra. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, Cty Oxalis được phép xây dựng tuor khai thác từ cửa sau ra cửa trước động Sơn Đoòng để tăng lượng khách. 

Nói về vấn đề này, một chuyên gia cho hay việc thực hiện tour xuyên hang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất của hệ thống Sơn Đoòng, bởi lượng người gia tăng vào hang sẽ tạo áp lực lên cấu tạo địa chất của hang vì muốn xuyên hang du khách phải vượt Bức tường Việt Nam.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, với chiều cao khoảng 90m, trong đó đoạn dưới chân là vách thẳng đứng có phần khuyết vào bên trong cao 25m; 65 m còn lại lên đến đỉnh có độ dốc 45 độ  và để vượt bức tường này Oxalis phải lắp thang bằng thép không gỉ cho 25m thẳng đứng, 65m còn lại sẽ neo dây để du khách bám vào vượt qua. Và để cố định thang thì hàng chục vít nở sẽ được bắn vào thạch nhũ, quan trọng hơn là sau khi vượt qua 25m bằng thang kim loại, du khách sẽ đi bộ trên khối thạch nhũ dài 65 m còn lại. “Chắc chắn sau một thời gian với lượng người đi lại nhiều thì khối thạch nhũ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, vị chuyên gia này cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, tìm hiểu của chúng tôi được biết: Nghị định 18/2015/NĐ-CP về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bảo vệ môi trường quy định: “Dự án có sử dụng đất của vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển…” phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Vậy nhưng, việc tổ chức tour xuyên hang Sơn Đoòng với những tác động mạnh vào di sản nhưng không hề được đánh giá tác động môi trường, thay vào đó việc triển khai tour này được Sở Du lịch, Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Cty Oxalis xúc tiến một cách nhanh chóng.

Để làm rõ hơn vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, đơn vị được gia quản lý động Sơn Đoòng, nhưng sau nhiều lần cáo lỗi vì bận họp thì ông Tịnh từ chối trả lời. 

Động thái của người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và bảo vệ vườn quốc gia cùng với việc không đánh giá tác động môi trường mà nhanh chóng cho phép thực hiện tour xuyên hang khiến dư luận băn khoăn liệu có sự khuất tất hay không? 

Vị chuyên gia cho hay, khi tham gia du lịch mạo hiểm, du khách luôn muốn chỉ một mình mình được khám phá khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên nên cty lữ hành phải hạn chế việc đoàn trước giáp mặt đoàn sau, bởi nếu không sẽ không còn thú vị. Việc tổ chức khám phá xuyên hang không chỉ rút ngắn được lịch trình mà cty lữ hành có thể tổ chức liên tục các đoàn nối đuôi nhau và khám phá. Đồng nghĩa với điều này là lợi nhuận gia tăng theo lượng khách tham quan. Việc vì lợi nhuận mà bỏ qua đánh giá tác động môi trường là vi phạm pháp luật và coi thường di sản.

Đọc thêm