“Chị Dậu” bật khóc vì không được công nhận hộ nghèo

(PLO) - Mẹ con bà Phương không có nhà, phải thuê một phòng trọ ven ngoại ô thành phố để làm nơi nương náu. Hằng ngày, người mẹ phải lội bộ gần 20km để bán vé số mưu sinh. Đứa con gái nửa buổi đến lớp, nửa buổi cũng phải lê la khắp các nẻo đường giúp mẹ kiếm tiền. 
Bà Phương bật khóc kể về hoàn cảnh của mình.
Bà Phương bật khóc kể về hoàn cảnh của mình.

Cuộc sống của hai mẹ con bà chồng chất khó khăn nhưng không được chính quyền địa phương công nhận là hộ nghèo. Điều đáng nói, trong bảng kê khai tài sản năm 2014, vị tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) còn “gán” cho bà những tài sản như tủ lạnh, vô tuyến, xe honda hiệu Wawe màu đỏ… Bức xúc, bà Phương đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu giải quyết, rà soát và kiểm tra lại tài sản của mình. 

“Bỗng nhiên” thoát nghèo

Trong đơn kêu cứu gửi đến báo Xa lộ Pháp luật, bà Nguyễn Thị Khương Phương (SN 1968, ngụ TDP 9, phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trình bày, năm 2011, gia đình bà “bất ngờ” có tên trong danh sách hộ nghèo tại địa phương, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và nhận quà tết.

Đến năm 2012 và 2013, dù vẫn có tên trong diện hộ nghèo nhưng bà không được nhận quà tết như trước. Khi người phụ nữ này khiếu nại, chính quyền địa phương trả lời “bâng quơ” rằng, “đây là quà từ thiện, mười hộ nghèo mới có một hộ được nhận”. 

Cũng theo bà Phương, sau hai lần khiếu nại liên tiếp (năm 2012 và 2013) thì đến năm 2014, gia đình bà được cho thoát nghèo không lý do. Vô lý hơn, trong bảng kê khai tài sản mà ông Phí Công Đạt, tổ trưởng TDP 7 (nơi bà Phương đang thuê trọ) lại “gán” cho bà số tài sản “kếch xù” gồm vô tuyến, tủ lạnh, xe honda hiệu Wewa màu đỏ. 

Bà Phương trình bày: “Nhà tôi mẹ góa con côi, không ruộng chẳng đất, phải bán vé số mưu sinh, sống tạm trong nhà trọ tồi tàn. Thế nhưng chính quyền không quan tâm, lại gạt tôi ra khỏi hộ nghèo là quá vô lý.

Thà tôi có nhà cửa tử tế, thì đi bán vé số hay đi ăn xin, tôi cũng không ý kiến. Đằng này tôi nghèo rớt mồng tơi, tấc đất cắm dùi còn không có nổi. Họ không biết rằng tôi phải lo cơm áo cho con gái đi học, phải lo đóng tiền phòng, tiền điện nước mỗi tháng nhưng thu nhập bấp bênh hay sao?”. 

Cho rằng bị cán bộ địa phương trù dập, người phụ nữ này đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan, yêu cầu rà soát lại tài sản và xem xét cho hoàn cảnh của mình. Đồng thời, xin được các cấp quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho con gái bà có điều kiện tiếp tục tới trường. 

Những năm qua, UBND phường Tân Hòa cùng Phòng LĐ-TB-XH TP Buôn Ma Thuột đã nhiều lần tiếp nhận đơn, vào cuộc tìm hiểu, trả lời bằng văn bản cho người tố cáo. 

Chính quyền xã nói gì?

Cụ thể, ngày 4/6/2014, UBND phường Tân Hòa có thông báo, trả lời về nội dung xin công nhận hộ nghèo năm 2014 của bà Phương. Thông báo nêu, mức thu nhập của gia đình bà Phương là 875 ngàn/người/tháng. Trong khi đó, mức chuẩn nghèo theo quy định số 09/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng (có thời hạn từ 2011 - 2015) đối với khu vực thành thị là 500 ngàn/người/tháng.

Mức cận nghèo theo quy định này đối với khu vực thành thị là 501 ngàn đến 650 ngàn/người/tháng. Bởi vậy, gia đình bà không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là hợp lý. 

Trả lời về phần quà tết, UBND phường cho rằng, hằng năm, Ban vận động vì người nghèo của phường thường đi vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn để ủng hộ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, thương binh, bệnh binh… năm nào vận động được nhiều thì chia đều cho các hộ, năm vận động được ít thì ưu tiên cho các hộ đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, việc bà Phương khiếu nại về vấn đề này không hợp lý. 

Tiếp đó, vào ngày 15/10/2015, Phòng LĐ-TB-XH TP.Buôn Ma Thuột có báo cáo cho rằng, bà Phương không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 của phường Tân Hòa, nên con gái của bà không được hỗ trợ chi phí học tập.

Đồng thời, bà Phương không tham gia bất cứ tổ chức chính trị - xã hội nào tại địa phương nên chính quyền không thể vận động các đoàn thể của phường quyên góp, hỗ trợ… Tuy nhiên, UBND phường Tân Hòa hứa sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn để ủng hộ, giúp đỡ cho con gái của bà. 

Để vấn đề khách quan hơn, Xa lộ pháp luật đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND phường Tân Hòa để tìm câu trả lời. Vị phó chủ tịch phường cho rằng, ông cũng biết bà Phương đang ở trọ, nhưng trong phiếu khảo sát cấp trên giao về, chỉ hỏi đang ở nhà xây hay nhà lá chứ không hỏi ở nhà trọ hay nhà riêng.

Bởi vậy, địa phương cũng gặp khó trong tình huống này. Bên cạnh đó, phường còn nghèo nên việc vận động quyên góp cho con gái bà đi học thật sự rất khó khăn. 

Ông Thành giải thích: “Tôi cũng rất băn khoăn trong trường hợp của bà Phương. Tuy nhiên, xét về mức thu nhập, hộ bà Phương đã vượt ngưỡng chuẩn nghèo, cận nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015. Sang năm 2016, địa phương đưa gia đình người này vào danh sách hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Dù vậy, bà Phương vẫn không đồng ý và cho rằng bị địa phương chèn ép”. 

Chiếc xe đạp của con gái được nhà trường tặng là 1 trong 2 tài sản quý nhất trong phòng trọ bà Phương.

Chiếc xe đạp của con gái được nhà trường tặng là 1 trong 2 tài sản quý nhất trong phòng trọ bà Phương.

Lang thang bán vé số nuôi con  

Nói về hoàn cảnh của mình, người phụ nữ này cho biết, bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở quê lúa Thái Bình. Thời còn xuân sắc, bà vào Bình Dương ở đợ cho người cậu ruột. Không lâu sau, người cậu mai mối cháu mình với một thanh niên trong địa phương. Sau tiệc cưới nhỏ, bà Phương cảm thấy cuộc sống quá ngột ngạt nên lặng lẽ khăn gói ra đi, một mình lên Đắk Lắk lập nghiệp. 

Người phụ nữ nghèo kể: “Khi lên tới Đắk Lắk, tôi mới biết mình mang bầu. Nơi xứ lạ đất người, chẳng có ai thân thích, tôi phải thuê trọ, làm lụng đủ thứ nghề để kiếm sống và chờ ngày sinh con”. 

Sau đó, người phụ nữ sinh được một bé gái kháu khỉnh. Nhiều người khuyên bà mẹ trẻ nên đem con đi cho để làm lại cuộc đời. Cũng có vài đôi vợ chồng hiếm muộn, tới ngã giá mua con nhưng vì tình mẫu tử thiêng liêng, bà Phương nhất quyết chịu cực khổ để nuôi đứa trẻ mình đứt ruột đẻ ra. 

Khi con chưa đầy ba tháng, người phụ nữ này đã phải địu theo sau lưng, lê la khắp các tuyến đường phố thị để bán vé số. Nhờ những tấm vé số, mẹ con bà rau cháo qua ngày. Có những lúc mưa gió, con gái ốm liệt giường, trong nhà không có gì đáng giá, bạn bè cũng là những người chung cảnh ngộ, bà Phương phải đem sổ hộ khẩu ra đại lý vé số cầm cố, vay tiền đưa con đi viện. 

“Mỗi lần tôi thường cầm ba triệu, sau đó trả góp mỗi ngày 30 đến 50 ngàn. Cũng may nhờ có cuốn sổ hộ khẩu mà mẹ con tôi còn có thứ để cầm. Công việc của tôi thu nhập bấp bênh, những khi trời mưa gió, không thể đi xa, vé số ế ẩm… Thường ngày, mẹ con chỉ ăn cơm với rau, cá khô. Hiếm lắm mới mua được 20 ngàn thịt heo hay cá về ăn”, bà Phương chia sẻ.  

Người phụ nữ nghèo cho biết thêm, dù hoàn cảnh nghèo khó nhưng con gái bà luôn đạt thành tích học tập khá và giỏi suốt 10 năm qua. Có lần mẹ ốm, cháu gái phải nghỉ học suốt một tuần để vào viện chăm sóc và có ý định rời ghế nhà trường. May sao, nhóm bạn trong lớp tới động viên, con bà mới tiếp tục đi học đến hôm nay. 

 “Chị Dậu” năm 2016

Quay trở lại với việc khiếu kiện vì không được là hộ nghèo, không đồng ý với những văn bản trả lời của địa phương và các cấp chính quyền, bà Phương đã có đơn gửi Báo Xa lộ pháp luật để lên tiếng, bày tỏ những khuất tất trong việc bình xét hộ nghèo tại địa phương. 

Trong buổi tiếp xúc, người viết ghi nhận thực tế mẹ con bà Phương phải sống trong căn trọ tồi tàn. Thứ quý giá nhất của người phụ nữ này là chiếc xe gắn máy Trung Quốc cũ mèm và chiếc xe đạp của con gái được nhà trường tặng cách đây hai năm. Ngoài ra, không có tủ lạnh, không có xe honda hiệu Wava màu đỏ. Chiếc vô tuyến đúng là có thật, nhưng thực tế là đồ đồng nát, có tiếng mà chẳng có hình. 

Bà Phương kể: “Xe màu trắng thì viết là màu đỏ, tủ lạnh không thì nói có, điện thoại cùi bắp, bếp ga mini thì mượn của người hàng xóm. Đến khi tôi khiếu kiện thì người khảo sát mới chịu tới phòng trọ để xác nhận lại và thừa nhận nhầm trong việc ghi chép”. 

Ông Phí Công Đạt, tổ trưởng TDP 7, người trực tiếp lập phiếu khảo sát, trả lời gì trước tố cáo này? Ông cho rằng khi kiểm tra đã xuống tận phòng trọ bà Phương và làm rất cẩn thận.

Trong biên bản, ông ghi rõ là “xe Dream Tàu” “nhưng không biết ai đã nhầm lẫn, ghi lại xe Wave màu đỏ. Ngoài ra, lúc khảo sát, tôi thấy rõ tủ lạnh trong phòng trọ bà Phương chứ không phải “vẽ” ra. Khi tôi hỏi, bà Phương nói là của người khác gửi. Tuy nhiên, thời điểm tôi lập phiếu, kiểm kê được bao nhiêu thì ghi bấy nhiêu, chứ không phải ghi thêm”, ông Đạt trình bày. 

Trước những ý kiến trên của vị tổ trưởng TDP, bà Phương vẫn một mực cho rằng mình bị địa phương chèn ép và mong mỏi được các cấp quan tâm, tạo điều kiện giúp đứa con gái của mình được ăn học đến nơi đến chốn. 

Đọc thêm