Chia tài sản khi ly hôn: Cần xem xét mức độ lỗi của mỗi bên

(PLO) - Về nguyên tắc, khi giải quyết theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi. Nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có điểm mới đó là xem xét và căn cứ vào yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng để làm căn cứ khi phân chia tài sản. 

Chia tài sản khi ly hôn: Cần xem xét mức độ lỗi của mỗi bên
Lỗi nhiều, nhận ít tài sản
Chị Trương Thị Mỹ Hạnh (TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) hỏi: “Sau khi cưới nhau, vợ chồng tôi sống hạnh phúc. Nhưng 2 năm gần đây, chồng tôi không những không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè mà còn có hành vi ngoại tình. Tôi và bạn bè anh ấy đã khuyên can nhiều nhưng anh ấy không thay đổi mà thỉnh thoảng lại đánh tôi trước sự chứng kiến của hàng xóm. Nay tôi muốn ly hôn thì việc phân chia tài sản như thế nào? Chúng tôi hiện đang có con chung 32 tháng tuổi. Tôi có được toàn quyền nuôi cháu không?”. 
Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015  quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn với nhiều điểm mới  so với Luật HN&GĐ  năm 2000. Theo đó, Khoản 1 Điều 59 Luật HN&GĐ quy định: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó.”. 
Tuy nhiên, nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì được phân chia theo quy định của Luật HN&GĐ. Về nguyên tắc, khi giải quyết theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính đến một số yếu tố, trong đó có điểm mới là căn cứ vào yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (Điểm d Khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ).
Mặc dù Điều 59 Luật HN&GĐ nói trên còn phải được Toà án  nhân dân Tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn, nhưng nếu những hành vi của chồng chị ngoài thực tế đúng như những gì chị phản ánh trong thư (không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, thỉnh thoảng có đánh chị) thì những hành vi đó sẽ là một trong những căn cứ sẽ được Tòa án xem xét khi phân chia tài sản, theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít hơn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là chị phải cung cấp bằng chứng cho toà về vấn đề này, ví dụ như việc chồng chị đánh chị có được ghi nhận trong biên bản ghi nhận lại sự việc, có người trên 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự chứng kiến, hoặc có đại diện tổ dân phố chứng kiến hay không? 
Chúng tôi khuyên rằng, trong trường hợp chị bị bạo lực gia đình, bị chồng đánh đập thì không nên cam chịu, nhẫn nhục mà nên báo sự việc với đại diện của tổ dân phố, chính quyền phường để chính quyền biết và có biện pháp khuyên bảo chồng chị; đồng thời đó cũng là một nguồn chứng cứ quan trọng để chứng minh chị bị chồng chị bạo hành khi ra tòa. Thậm chí, trường hợp chị bị chồng bạo lực gia đình, gây tổn hại sức khoẻ, đã đi giám định sức khỏe thì chị cũng phải cung cấp bản kết luận giám định về thương tích cho Toà án để Toà án xác định lỗi của người chồng.
Chứng minh khả năng để nuôi con
Riêng về vấn đề nuôi con, theo quy định con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con (Điều 81 Luật HN&GĐ). Quy định này tương tự với quy định trong Luật HN&GĐ 2000 nhưng lại chặt chẽ hơn ở điểm không phải bất cứ trường hợp nào con dưới 36 tháng tuổi cũng đều được ở với người mẹ. 
Bởi vì các nhà làm luật đã dự liệu có những trường hợp dù con  dưới 36 tháng tuổi nhưng bản thân người mẹ không đủ điều kiện về thời gian, về tài chính để nuôi con, chẳng hạn: do đau yếu, bệnh tật triền miên; đi công tác xa liên tục dài ngày; không nghề nghiệp, không có việc làm, không có tài sản, thu nhập ổn định để nuôi con; hoặc người mẹ “dính” vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan, nghiện ngập, phạm pháp…, thì Tòa án vẫn có thể quyết định giao con cho người bố được trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc. Đối với trường hợp của chị, nếu chị có hồ sơ, tài liệu chứng minh mình có đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con tốt hơn chồng thì có nhiều khả năng Toà án sẽ chấp nhận cho chị được trực tiếp nuôi cháu bé dưới 36 tháng tuổi. Còn việc vì lý do chồng chị có các tật xấu như cờ bạc, rượu chè nên chị muốn hạn chế, cấm đoán không cho chồng tiếp xúc với con, sợ sau này con “lây” tật xấu của chồng là không đúng với các quy định của pháp luật.
Việc giao con cho mẹ trực tiếp nuôi là quy định mang tính tương  đối, không nên hiểu con đã được mẹ trực tiếp nuôi rồi thì người bố hoàn toàn không còn quyền chăm sóc, giáo dục con nữa. Cụ thể, Điều 81 Luật HN&GĐ quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “ Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.
Tuy nhiên, trước khi chị chính thức nộp đơn xin ly hôn đến Toà án, chúng tôi vẫn khuyên chị nên cân nhắc, xem xét điều hay, lẽ phải, “một điều nhịn, chín điều lành”, mục đích chính là vì tương lai của con cái như phương châm sống của các thế hệ đi trước về gia đình. Vợ chồng chị nên “hạ hoả”, giảm căng thẳng, xung đột trong gia đình. Chỉ trong trường hợp đã hoà giải nhiều lần mà chồng vẫn không chịu thay đổi tâm tính, tiếp tục có hành vi bạo hành đối với chị làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì khi đó chị mới nên nộp đơn xin ly hôn ra Toà án để giải quyết.
“Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.” Khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân  và Gia đình.

Đọc thêm