Chính quyền bỏ mặc dân sống trong ô nhiễm

(PLO) - Gần đây Báo Pháp Luật Việt Nam liên tục nhận được phản ánh qua Đường dây nóng của các hộ dân khu 4,5 xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ về việc gần 25 ha lúa bị mất mùa, mùi hôi thối xông lên nồng nặc và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một nhóm các hộ kinh doanh chế biến sắn thuộc xã Tân Lập gây ra.
Xưởng sản xuất sắn xã Tân Lập
Xưởng sản xuất sắn xã Tân Lập

Vấn đề này người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại làm lơ khó hiểu. Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nguyên (65 tuổi, ngụ khu 4, xóm Trại, xã Yên Lương) cho biết, suối Nìn chảy qua địa bàn xã đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước đây dòng suối này trong xanh, cung cấp nước tưới tiêu cho cả vùng rộng lớn gồm khu 2,4,5,8 thuộc xã Yên Lương. Đây cũng chính là nguồn nước sinh hoạt của người dân. Nhưng khoảng 2 năm gần đây dòng suối bị bao phủ bởi màu đen kịt, đặc quánh.

“Hàng năm, có khoảng 7 tháng (từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau) là các hộ kinh doanh sản xuất sắn phía đầu nguồn thuộc xã Tân Lập dùng nước tẩy rửa để làm trắng sắn. Số nước thải không được xử lý mà đổ trực tiếp xuống suối khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng” – ông Nguyễn Văn Nguyên nói. Nước suối ô nhiễm khiến 25 ha lúa bị mất trắng do không có nước tưới.

Ông Đinh Văn Lập, trưởng khu 4 thống kê: “Diện tích lúa bị thiệt hại ở khu 4 là 14,8ha; khu 5 là hơn 10 ha, ngoài ra còn các khu khác chưa thống kê. Có ít nhất 84 hộ dân bị ảnh hưởng vì nguồn nước nhiễm bẩn, gây bệnh tật. Ngoài ra các hộ dân địa phương còn phản ánh gần khu vực suối Nìn bốc mùi hôi thối khiến ảnh hưởng đời sống sinh hoạt. Tất cả những giếng nước gần khu vực suối hiện nay người dân đều không dám sử dụng.

Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng
Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng

Điển hình là trường mầm non và UBND xã Yên Lương trước đây đều sử dụng nước suối phục vụ sinh hoạt. Hai năm trở lại đây người dân đều phải đi xin nước để dùng. Buổi tối, muỗi xuất hiện từng đàn, có ở tất cả các ngõ, ngách khu dân cư gần suối dẫn đến dịch sốt xuất huyết. Các hộ phải liên tục phun thuốc diệt muỗi, tẩy chăn màn nhưng đều không hiệu quả. Những người nông dân đi cấy phải rửa 4-5 lần nước mới hết mùi hôi, chân, tay lở loét. Người dân khu 4 và 5 đã họp phản ánh tình trạng nước bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, cái khó là hộ dân sản xuất sắn lại ở phía đầu nguồn không thuộc thẩm quyền xử lý của xã Yên Lương. Vì vậy, khi họp khu dân cư, chi bộ có ý kiến về tình hình ô nhiễm nguồn nước với UBND xã thì người dân được trả lời giữa hai xã không có thẩm quyền giải quyết.

Năm 2016, người dân khu 4 không cấy lúa bởi xưởng sản xuất sắn xả nước thải. Người dân kiến nghị lên UBND xã thì nhận được câu trả lời: “để nghiên cứu và báo cáo huyện”. Cán bộ huyện Thanh Sơn có xuống địa bàn khảo sát, đưa ra bản cam kết đình chỉ xưởng sản xuất sắn. Nhưng bản cam kết không đưa cho dân xem mà cán bộ huyện hứa photo đưa cho xã theo dõi nhưng sau nửa năm dân Yên Lương chưa nhận lại quyết định này.

Thậm chí chính quyền còn cung cấp số điện thoại đường dây nóng để khi người dân phát hiện xưởng sản xuất sắn hoạt động thì thông báo. Tuy nhiên, khi người dân liên lạc người cầm máy trả lời nhầm số.

Hiện nay nguyện vọng của người dân là xưởng sản xuất sắn phải ngừng hoạt động hoặc có phương án xử lý nước thải triệt để trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp, đặc biệt là sức khoẻ, nước sinh hoạt và việc thâm canh nông nghiệp của người dân. Báo PLVN kính đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tại huyện Thanh Sơn làm rõ nội dung trên trả lại môi trường sống cho người dân.

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm