Chính quyền bức tử doanh nghiệp (Bài 7): Vừa bị lấn đất, vừa bị đòi “hình sự hóa”

(PLVN) - Kể từ khi bị ra quyết định thu hồi đất rồi cưỡng chế đất giao Dona Coop, doanh nghiệp cụ Mai hết bấn loạn với những quyết định của chính quyền địa phương; lại còn bị rơi vào vòng nhiễu loạn trước những động thái, yêu cầu khó hiểu của doanh nghiệp “hàng xóm” Dona Coop. Những thông tin do Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đưa ra giúp dư luận thêm góc nhìn chính xác về sự việc.
Ông Ngà cho rằng năm 2018, Dona Coop tiếp tục lấn đất nhà ông làm cả một con đường
Ông Ngà cho rằng năm 2018, Dona Coop tiếp tục lấn đất nhà ông làm cả một con đường

Đòi xã phải báo cáo sai sự thật

Sau ngày cưỡng chế gia đình cụ Mai thu hồi hơn 10,5 ha đất giao Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ Đồng Nai (Dona Coop) làm mỏ đá, Dona Coop trở thành “hàng xóm” cụ Mai, và nhiều lần có đơn “tố” cụ Mai “đốt lò than gây ô nhiễm”. 

Trong Văn bản gần nhất số 47/CV-LH.HTX ngày 25/2/2019 do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, “tố”: “Trong ranh đất mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò đốt than củi gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng” và đề nghị Biên Hòa “chỉ đạo công an, cảnh sát môi trường phối hợp các ngành chức năng xử lý vi phạm…”.

Ba ngày sau đó, sáng 28/2, hai cán bộ xã cùng hai cán bộ của Dona Coop ngang nhiên tới đất cụ Mai “đo đạc kiểm tra việc gây ô nhiễm môi trường”. Gia đình cụ Mai phản ứng, trình báo chính quyền. Công an xã mời các bên về xã làm việc, sau đó các bên tự giải tán. 

Ông Vương Duy Đào, Bí thư Đảng ủy xã, giải thích: “Dona Coop cũng chỉ là một đối tượng sử dụng đất, bình đẳng với các đối tượng có đất khác như nhà cụ Mai. Sau khi nhận đơn, theo đúng chức trách, chúng tôi phải cử cán bộ đi xác minh”.

Vì sao cán bộ đi làm, “bên tố cáo” cũng đi theo? “Việc cán bộ xã cho người của DonaCoop đi cùng là sai, do anh em nhận thức kém”, ông Đào cho biết. Như vậy, rất có thể do bản thân cán bộ địa chính xã và nhân viên trật tự đô thị có “mối quan hệ riêng” với người của Dona Coop, nên mới làm việc sai quy trình như trên.

Ông Đào thông tin: “Hôm anh em vào thì doanh nghiệp cụ Mai không đốt than nữa. Anh em về thì cho hay không có cơ sở nào bảo cụ Mai gây ô nhiễm môi trường”.

Nhưng sự việc chưa dừng lại ở đó. Bí thư Đào cho hay: “Sau đó ít hôm, tại một cuộc họp có các ban ngành chức năng, Dona Coop cho rằng xã Phước Tân chúng tôi báo cáo không trung thực về vụ việc. Dona Coop cho rằng doanh nghiệp cụ Mai có dấu hiệu giữ người bất hợp pháp. Dona Coop đòi xã phải báo cáo như thế. Chúng tôi không đồng ý, chúng tôi chỉ báo cáo sự thật”.

Ông Huỳnh Ngọc Ngà (SN 1964, con trai cụ Mai) lặng người khi biết thông tin này: “Người của Dona Coop xâm nhập bất hợp pháp, chúng tôi phải báo chính quyền địa phương đến giải quyết đúng luật. Chúng tôi mấy ông già bà cả, có người chột mắt tàn tật, chui rúc mấy căn lều đốt than, mất cả gia tài còn không dám phản ứng, thì sức đâu và sao dám giữ người? May mà xã công tâm báo cáo sự thật, nếu không chắc chúng tôi bị khép tội hình sự, tù rục xương”.

Ai lấn đất ai?

Trở lại với Văn bản số 47/CV-LH.HTX do Tổng Giám đốc Dona Coop Bùi Thanh Trúc ký, gửi UBND Biên Hòa và UBND xã Phước Tân, văn bản này còn có đoạn: “… Do vị trí 6 lò đốt than này nằm trên đất của hộ bà Lê Thị Phương Mai trước đây cưỡng chế nhưng chưa làm dứt điểm (khu vực vị trí này khoảng 12 lò nhưng trong ranh mỏ đá Tân Cang 6 có sáu lò).

Dona Coop đã nhiều lần liên hệ đề nghị ngưng hoạt động nhưng kết quả không chấp hành. Do điều kiện hiện nay Dona Coop triển khai thi công đến khu vực vị trí này thì một số người có thái độ ra cản trở thi công quyết liệt…”. 

Dona Coop đề nghị UBND TP Biên Hòa và UBND xã Phước Tân “thành lập đoàn hỗ trợ bảo vệ cho Dona Coop tháo dỡ, thi công trên vị trí đất các lò đốt than trên phần diện tích mỏ đá Tân Cang 6 do Dona Coop làm chủ đầu tư”. Nói tóm lại, Dona Coop cho rằng cụ Mai đang xây lò than trên đất Dona Coop.

Ông Ngà phản ứng, cho rằng chính Dona Coop mới lấn đất nhà ông, chứ không phải nhà ông lấn đất Dona Coop. “Theo các quyết định của UBND Đồng Nai, chỉ cưỡng chế của nhà tôi hơn 10,5 ha giao Dona Coop, nhưng thực tế công ty này đã khai thác khoảng 14 ha trên đất nhà tôi.

Trên 5 ha đất nhà tôi còn lại, đầu năm 2018 Dona Coop tiếp tục lấn đất, làm hẳn con đường cho xe ben chở đá qua lại, chúng tôi ra phản ứng họ vẫn bất chấp. Nay thấy chúng tôi nhịn nhục, họ tiếp tục làm càn, coi thường luật pháp, tiếp tục lấn đất nhà tôi”, lời ông Năm.

Những phụ nữ, người già này đã suýt bị rơi vào “bẫy” “giữ người trái phép”
Những phụ nữ, người già này đã suýt bị rơi vào “bẫy” “giữ người trái phép”

Lần giở hồ sơ vụ việc, nhận thấy câu chuyện có nguy cơ khiếu nại chất chồng khiếu nại, bắt nguồn từ các quyết định thu hồi đất sai sót của UBND huyện Long Thành và UBND Biên Hòa. Suốt 5 năm, đã có bốn lần hai địa phương này ra quyết định thu hồi đất cụ Mai, trong đó một lần thu hồi bổ sung, hai lần điều chỉnh diện tích.

Ngày 17/9/2009 huyện Long Thành ra Quyết định 3152/QĐ-UBND thu hồi cụ Mai hơn 106 ngàn m2. Hơn một năm sau, ngày 19/11/2010 UBND Biên Hòa (lúc này Phước Tân đã sáp nhập về Biên Hòa – NV) thu hồi thêm gần 13 ngàn m2.

Cũng trong ngày này, Biên Hòa ra Quyết định 1476/QĐ-UBND thay đổi Quyết định 3152, điều chỉnh diện tích thu hồi. Bẵng đi gần 4 năm sau, ngày 30/6/2014 Biên Hòa lại ra Quyết định 1162/QĐ-UBND thay đổi Quyết định 1476, tiếp tục điều chỉnh diện tích thu hồi. 

Rơi vào “mớ bòng bong” quyết định như trên, đến bản thân người bị thu hồi đất cuối cùng cũng không biết chính xác mình bị thu hồi bao nhiêu, mà chỉ “ước chừng hơn 10,5 ha”. Ông Ngà tố cáo: “Lợi dụng sự nhập nhèm trên, Dona Coop đã tiếp tục lấn đất nhà tôi từ đó đến nay”. Ông Ngà đề nghị cơ quan chức năng Đồng Nai vào cuộc, đo đạc lại chính xác diện tích đất nhà ông còn lại, cắm ranh rõ ràng.

“Cụ Mai bị thiệt thòi nhiều”

Đem thắc mắc trên đề nghị chính quyền địa phương giải đáp, chúng tôi được ông Vương Duy Đào, Bí thư xã Phước Tân xác nhận, sau khi cưỡng chế 12 ha giao Dona Coop, diện tích đất nhà cụ Mai hiện còn khoảng 5 ha.

Trước câu hỏi: “Cụ Mai tố cáo Dona Coop mới đây tiếp tục lấn đất nhà cụ để làm đường, xã giải quyết ra sao?”, ông Đào khẳng định: “Chuyện đó chúng tôi chưa nắm được. Chuyện đó cụ Mai phải làm văn bản để kiến nghị xử lý. Có đơn thì xã sẽ kiểm tra xem phần đất đó có phải đất cụ Mai không? Nếu Dona Coop lấy thêm nữa của cụ Mai ngoài 12ha thì xã sẽ có trách nhiệm. Xã sẽ là đơn vị đầu tiên xử lý việc đó”.

Vị Bí thư xã trăn trở: “Cả khu mỏ đá 400 ha, giờ còn lại cụ Mai bám trụ, còn lại vụ khiếu kiện này. Khi làm mỏ đá, một số doanh nghiệp không như Dona Coop, khi họ lấy đất thì đều thỏa thuận với người dân theo quy định Luật Đất đai. Giữa đôi bên thỏa thuận rất đơn giản, nhẹ nhàng nên không xảy ra khiếu kiện. Còn chỗ cụ Mai là lớn nhất, thiệt hại nhiều nhất nên khiếu kiện giờ chưa xong”.

Vẫn lời ông Đào: “Hôm vừa rồi họp, tôi có nói với anh em xã, đừng can thiệp cá nhân vào sự việc, mà chỉ làm đúng thẩm quyền. Bị thu hồi 12ha, giờ giá thị trường tương đương 100 tỷ, nhưng đền có 7,5 tỷ thì làm sao người ta đồng ý được, người ta phải khiếu nại.

Gần 100 tỷ mà đền có 7,5 tỷ thì ai chịu được. Bản thân mình còn không chịu được nói gì cụ Mai. Nhưng việc đó vượt quá thẩm quyền, cán bộ xã không can thiệp sâu vào. Ở góc độ của xã, đánh giá thấy cụ Mai bị thiệt thòi nhiều”.

Với 5 ha đất còn lại của cụ Mai, liệu có tình trạng sẽ tiếp tục bị doanh nghiệp khác “thôn tính”?  Ông Đào khẳng định: “Doanh nghiệp nào muốn lấy, chắc chắn phải thỏa thuận. Không thể lấy đơn giản được. Không ai can thiệp mà lấy được. Nhà nước không can thiệp cưỡng chế”.

Cụ Mai rưng rưng nước mắt khi bất ngờ nghe được những lời đồng cảm trên. “Giá như cán bộ nào cũng hiểu dân như vậy”, cụ nhớ lại kỷ niệm chua xót khi xây cây cầu Thuận An 2, làm việc tốt mà bị gây khó dễ lên xuống. 

Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau.

Nói về cách hành xử của một số doanh nghiệp khai thác mỏ đá Tân Cang trên địa bàn, Bí thư xã Phước Tân nhận xét: “Các anh khai thác, các anh có lợi ích thì các anh phải chia sẻ khó khăn với người dân, với địa phương. Các anh ỷ lại chính quyền, ỷ lại này nọ, không có trách nhiệm với cộng đồng.

Chuyện đó đâu có được. Tôi đâu có sợ, mấy lần họp tôi đều nói. Lợi ích doanh nghiệp và người dân phải hài hòa. Các anh phải chia sẻ chứ không thể ép chính quyền hỗ trợ các anh mà bỏ người dân được”.

Đọc thêm