Cho Viện Khoa học Hình sự vay tiền “lo” dự án: Người dân “thả gà ra đuổi”?

(PLO) - Năm 1998, ông Dương Thanh Huần (Giám đốc Cty TNHH Lâm Bình, đóng tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) vay 230 triệu đồng để cơ quan này “lo” dự án nhà ở cho cán bộ chiến sĩ với mong muốn sau 5 tháng sẽ được trả đất hoặc tiền. Giờ đây, sau 17 năm thì đất không có mà tiền cũng chẳng được, ông Huần vẫn hàng ngày đi đòi lại tiền để lo cho cuộc sống gia đình.
Tài liệu vay nợ giữa Cty Lâm Bình và Viện Khoa học Hình sự
Tài liệu vay nợ giữa Cty Lâm Bình và Viện Khoa học Hình sự
Bị nợ 14 tỷ nhưng không dám khởi kiện vì không có tiền tạm ứng án phí
Trình bày với PLVN, ông Huần cho biết, năm 1998 gia đình ông cho Viện Khoa học Hình sự (VKHHS) vay 230 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền này là cả một gia tài lớn.
“Ông Khế (cán bộ Viện KHHS) cho tôi xem giấy tờ liên quan đến việc xin dự án 10.000m2 đất chia lô bán nền cho cán bộ chiến sĩ (có cả chữ ký của Phó Viện trưởng Ngô Tiến Quý) nên tin tưởng mà cho Viện vay tiền. Viện hứa sau 5 tháng lấy được đất sẽ trả cho gia đình tôi 230m2 đất, nếu chưa lấy được đất thì trả lãi 3%/tháng. Lúc đó, gia đình tôi muốn lấy đất chứ  đâu có ý định cho vay lãi, vì lãi suất này còn thấp hơn lãi suất Viện vay ngân hàng. Hết thời hạn 5 tháng, tôi không được nhận đất mà cũng không được Viện trả tiền nên tôi phải đóng cửa hàng kinh doanh vì hết vốn. Cty TNHH Lâm Bình được gia đình thành lập để làm “đối tác” với Viện cũng chưa có hoạt động gì thêm ngoài việc cho Viện vay tiền”- ông Huần cho biết.
Từ đó đến nay, ông Huần hầu  như còn mỗi việc quan trọng nhất là theo đuổi  việc đòi tiền, với hàng trăm lần đến VKHHS hoặc gọi điện, gửi công văn đòi nợ. Tuy nhiên, Viện lấy nhiều lý do khất nợ, đáo nợ, xác nhận nợ, ký thỏa thuận trả 1 suất đất như cán bộ chiến sĩ vì đã có công giúp Viện trong việc xin đất. Gần đây nhất vào năm 2013, trong Công văn khất nợ gửi gia đình ông, Viện trưởng còn “đề nghị gia đình thông cảm, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Viện cũng sẽ cố gắng sớm xây nhà bán để trả nợ tiền cho gia đình như đã cam kết”. 
Sau nhiều năm mòn mỏi, ngày 21/9/2012 ông Huần được Viện trả 680 triệu đồng. Sau khi quyết toán khấu trừ, Viện trưởng (khi đó là ông Ngô Tiến Quý) ký khế ước vay và kế hoạch chi trả mới xác nhận số nợ là 14,830 tỷ đồng. Sau đó, gia đình ông tiếp tục được Viện khất nợ, chưa nhận thêm đồng nào. 
“Từ việc chỉ hứa, không trả nợ của VKHHS mà cả gia đình tôi 20 năm nay khốn đốn khổ sở, nợ nần chồng chất, ly tán. Ngay cả việc kiện VKHHS ra tòa để đòi nợ tôi cũng không thể làm được chỉ vì không có mấy trăm triệu tạm ứng án phí. Tôi đã làm đơn gửi đến nhiều cơ quan của Bộ Công an nhưng gần 2 năm qua, việc của tôi bị chuyển qua chuyển lại, không ai đứng ra giải quyết. Cách đây 5 tháng, Bộ Công an giao cho Thanh tra Tổng cục Cảnh sát giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời” – ông Huần nói.
Cty Lâm Bình cho tập thể hay cá nhân vay?
Sau khi Cty TNHH Lâm Bình (do ông Huần làm đại diện) nhiều lần gửi công văn đến VKHHS đòi nợ, ngày 13/1/2014 VKHHS có Văn bản số 40/C54-P1 (do Viện trưởng, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền ký) cho rằng việc vay mượn tiền là việc của một nhóm người (ông Ngô Tiến Quý, ông Ngô Văn Khế, bà Nguyễn Thị Hòa - PV) và kết luận: “VKHHS thấy không có cơ sở để giải quyết công nợ đối với ông, đề nghị ông liên hệ trực tiếp với các cá nhân có liên quan là ông Quý, bà Hòa và ông Khế để giải quyết”. 
Ông Huần khiếu nại nội dung nói trên, đưa ra chứng cứ về việc các giấy tờ văn bản vay nợ, khất nợ, chốt nợ đều được lập ra với một bên là VKHHS, có người đại diện là lãnh đạo Viện, có con dấu... Ngày 6/3/2014, VKHHS có Văn bản số 178/C54-P1 gửi ông Huần. Trong văn bản này, trước nội dung phản ánh của ông Huần rằng “mặc dù rất nhiều lần chúng tôi tìm gặp ông Viện trưởng nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa và câu trả lời bằng miệng và cả bằng văn bản là Viện đang trong giai đoạn rất khó khăn, do dự án bị kéo dài... nên Viện chưa có khả năng chi trả”, VKHHS lại có quan điểm: “Như vậy, đến ngay cả khi đồng chí Quý còn đương nhiệm, ông còn không đòi được thì Ban lãnh đạo Viện hiện nay và Ban quản lý (BQL) mới làm sao có thể giải quyết được. Chúng tôi không “chối bỏ trách nhiệm” và “qua cầu rút ván” như ông nêu trong đơn, nhưng việc giải quyết hậu quả theo yêu cầu của ông là vượt quá khả năng của VKHHS”.
Cũng trong văn bản trên, Viện cho biết trước khi nghỉ hưu, ông Ngô Tiến Quý có giao lại cho BQL mới “văn bản vay nợ của Công ty Lâm Bình” là thực hiện theo quy định “giao lại công việc và những vấn đề liên quan” tại Quyết định kiện toàn BQL của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, còn việc giải quyết từng phần việc cụ thể, nhất là những tồn đọng như việc của ông mà BQL cũ để lại thì phải phụ thuộc vào những người có liên quan.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng VKHHS cho hay, sự việc đang được Thanh tra Tổng cục Cảnh sát thụ lý, xem xét.
Báo PLVN cũng đã chuyển tới Thanh tra Tổng cục đơn thư phản ánh của ông Dương Thanh Huần, mong muốn cơ quan hữu trách xem xét sự việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Đọc thêm