Chủ tịch ban hành quyết định vượt thẩm quyền cho… đơn giản?

(PLO) - Trả lời phỏng vấn báo PLVN về việc chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất vượt thẩm quyền, người phát ngôn huyện Cẩm Khê cho rằng đó là cách để  “đỡ phức tạp”.
Ông Nguyễn Văn Tuyến (ảnh Thu Mây)
Ông Nguyễn Văn Tuyến (ảnh Thu Mây)

Như báo PLVN đã phản ánh trong bài viết "Cẩm Khê (Phú Thọ): Thu hồi đất bằng quyết định trái thẩm quyền?": Mặc dù Luật Đất đai quy định rõ thẩm quyền thu hồi đất thuộc về UBND huyện. Tuy nhiên tại dự án Đường sơ tán dân ở huyện Cẩm Khê, quy định này đã bị bỏ qua, Chủ tịch huyện đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất của các hộ dân. Không đồng tình với việc làm trái pháp luật này, ông Nguyễn Đăng Thông đã có đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ những quyết định đó.

Tuy nhiên, qua hai cấp Tòa, hai HĐXX đã viện Nghị quyết của Thường vụ ủy ban huyện, cho rằng văn bản này có giá trị cao hơn Luật, và bãi bỏ yêu cầu của nguyên đơn, tiếp tục cho một văn bản trái luật được tiếp tục lưu hành... Chưa thỏa mãn với phán quyết này, ông Nguyễn Đăng Thông đã gửi đơn yêu cầu Giám đốc thẩm vụ án, và đang chờ đợi một phán quyết công tâm hơn từ TAND Tối cao.

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin, chúng tôi có cuộc phỏng vấn người được giao nhiệm vụ phát ngôn về vụ việc này của huyện Cẩm Khê - Phú Thọ - ông Nguyễn Văn Tuyến – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường.

- Thưa ông, ông có thể nói rõ huyện Cẩm Khê đã căn cứ vào quy định nào để cho rằng Chủ tịch huyện có thẩm quyền thu hồi đất của dân?

- Trước hết, xin báo cáo là vụ án này đã được tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi tại phiên tòa, HĐXX đã ra bản án bác yêu cầu của ông Thông, như vậy, hai cấp tòa đã khẳng định quyết định thu hồi đất do chủ tịch huyện Cẩm Khê ban hành là không trái luật.

Dự án đường sơ tán dân đã có quyết định thu hồi chung của tỉnh, sau đó giao cho UBND huyện thu hồi đến hộ dân. Thời điểm đó, chúng tôi ban hành quyết định thu hồi đất của chủ tịch UBND. Ông Thông và một số hộ dân đã kiện vì cho rằng đó là quyết định trái thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc đồng chí chủ tịch UB ký quyết định là do chúng tôi đã có cuộc họp thường vụ, thống nhất giao cho cá nhân đồng chí chủ tịch ký quyết định thu hồi cụ thể. Có cuộc họp, văn bản thống nhất của thường vụ ủy ban. Như vậy, có hai căn cứ của việc Chủ tịch ký văn bản là Quyết định của UBND tỉnh và Quyết định của thường vụ ủy ban, bàn giao cho cá nhân đồng chí chủ tịch ban hành quyết định. Nếu không, mỗi lần ký quyết định lại phải họp ủy ban. Nguyên tắc ký thay mặt là phải họp, thông qua thống nhất nghị quyết, rồi ông chủ tịch mới ký thay mặt được, còn ký quyết định cá nhân thì cá nhân ông chịu trách nhiệm.

Ở đây có hai cái, cái thứ nhất là như vậy, thứ 2 nữa, về Điều 44 Luật Đất đai quy định và UBND có quyền ban hành, chủ tịch ký thay mặt, nhưng Điều 197 của Luật Tổ chức UBND, HĐND thì quyết định thu hồi đất lại là của đồng chí Chủ tịch. Như vậy, về văn bản là có hai cái đang đá nhau.

Cơ sở chúng tôi đã rà soát, viện kiểm sát cũng đã rà soát và xem xét quyết định này và cũng thấy rằng việc chủ tịch UBND ký thì thực chất, về thủ tục không được chuẩn cho lắm, nhưng vẫn chấp nhận được. Do đó, Tòa bác khiếu kiện của họ.

- Theo ông, thẩm quyền giữa UBND và một cá nhân có khác nhau?

- Khác ở chỗ là nếu ông ký thay mặt thì phải họp, thủ tục phức tạp hơn, đông ý kiến hơn mới ra được quyết định. Còn ý kiến cá nhân thì thể hiện chủ quan của cá nhân, thể hiện ý chí cá nhân của ông chủ tịch không phải là ý kiến tập thể. Nhưng nó thể hiện ý kiến tập thể ở chỗ thường trực UB đã họp, đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch. Nó thể hiện ý chí tập thể là ở chỗ đó.

- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm