Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi tuyển công chức

(PLO) - Sau 3 tháng kỳ thi công chức cuối cùng năm 2018 diễn ra, hiện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi bởi một đơn vị độc lập; đồng thời Sở Nội vụ cũng đã mời công an vào cuộc.
Ông Võ Ngọc Đồng (người đứng) trả lời về những hoài nghi liên quan đến kỳ thi tuyển công chức
Ông Võ Ngọc Đồng (người đứng) trả lời về những hoài nghi liên quan đến kỳ thi tuyển công chức

Chấm lại toàn bộ bài thi

Kỳ thi công chức Đà Nẵng tổ chức vào các ngày 21, 22 và  23/9 có tổng số 465 thí sinh tham dự, trong đó chọn 115 chỉ tiêu. Việc chấm thi đã hoàn thành vào ngày 22/10 và Sở Nội vụ cũng đã có báo cáo kết quả với UBND TP. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, dư luận bắt đầu có những phản ánh về việc không minh bạch của kỳ thi.

Nguồn tin của PLVN cho biết, sau kỳ thi công chức, có thông tin bất minh trong quá trình thi và chấm thi. Chính vì thế, dù kết quả vẫn chưa được công bố, song mới đây, Chủ tịch TP đã có yêu cầu chấm lại toàn bộ bài thi bởi một đơn vị độc lập; đồng thời Sở Nội vụ cũng đã mời công an vào cuộc điều tra.

Theo tìm hiểu của PLVN, một trong những lý do các ứng viên phản ánh là khi làm bài, một nhân viên văn phòng (VP) UBND thành phố đã giở tài liệu mang sẵn từ nhà  và bị lập biên bản cảnh cáo. Một số người có mặt trong phòng thi cho biết, ứng viên này tên Đ.N.Q. (làm ở bộ phận văn thư thuộc VP UBND thành phố), vợ của lái xe một lãnh đạo thành phố. Khi lập biên bản, cô nhân viên này đã tỏ “thái độ” và phản ứng không nhẹ nhàng nên đã gây bức xúc chung cho toàn bộ cán bộ, ứng viên trong phòng thi hôm đó. 

Về trường hợp này, một lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng thông tin, Hội đồng chấm thi đã trừ 40% số điểm và nhân viên này không nằm trong danh sách trúng tuyển kỳ thi khi trình lên UBND TP. Tuy nhiên, cũng từ đó, kỳ thi đã dấy lên những nghi ngờ về tính trung thực. Hiện tại, công an cũng đã vào cuộc, trích xuất camera để kiểm tra. Còn Trường Chính trị Đà Nẵng là đơn vị được mời để chấm lại toàn bộ số bài thi nói trên.

Vì tính cạnh tranh cao

Trưa ngày 5/12, trả lời báo chí, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, đối với kỳ thi nói trên, những hợp đồng lao động đang công tác tại cơ quan hành chính nếu trúng tuyển thì được tuyển dụng vào công chức và tiếp tục làm việc. Nếu không trúng tuyển sẽ chấm dứt hợp đồng lao động hoặc bố trí công tác khác nếu đơn vị sự nghiệp có nhu cầu và đảm bảo các tiêu chuẩn phẩm chất, năng lực, trình độ theo quy định. 

Do đó, đây là đợt tuyển dụng có tính cạnh tranh rất cao tại từng vị trí tuyển dụng. Đến thời điểm chốt danh sách, có 1 vị trí không có người nộp hồ sơ; một số vị trí tuyển dụng với tỷ lệ cạnh tranh lên đến 1/14.

Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng khẳng định, việc tổ chức kỳ thi, từ công tác công khai tuyển dụng đến công tác ra đề thi, coi thi; rọc, ráp phách; chấm thi… nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định pháp luật. Thí sinh phải trải qua hai phần thi, gồm thi trắc nghiệm trên máy tính, thí sinh được biết kết quả ngay sau khi kết thúc từng môn thi (Ngoại ngữ, Tin học, chuyên ngành) và thi viết (kiến thức chung, nghiệp vụ chuyên ngành).

Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát của Công an TP và từ phản ánh, để đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực và đúng pháp luật trong việc thi tuyển công chức, ngày 13/11, Hội đồng thi tuyển TP đã họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển TP Huỳnh Đức Thơ. Cuộc họp đã biểu quyết với tỷ lệ cao thống nhất quyết định chấm lại toàn bộ bài thi viết (môn kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành). “Chấm lại chứ không phải hủy. Sau khi kết thúc việc chấm thi, dự kiến công bố vào giữa tháng 12/2018”, Giám đốc Sở Nội vụ nói.

PV đặt câu hỏi, trong trường hợp chấm lại nhưng cho ra kết quả khác, liệu có hủy kết quả trước đó không, ông Đồng trả lời hiện tại chưa có vấn đề gì để nói tới việc hủy kết quả trước. Ông Đồng diễn giải, nếu chấm lại có sai lệch trong độ cho phép, cũng không có vấn đề gì. Về mặt nguyên tắc, một bài thi có hai người chấm. Hai người chấm, người chấm điểm 9, người chấm điểm 10, sẽ cộng lại chia hai. Trường hợp lệch nhiều mới phải xem lại. Về mặt nguyên tắc, điểm chấm sau là điểm có giá trị nhưng nếu chênh lệch quá xa sẽ cho thảo luận để thống nhất chứ không hủy kết quả chấm thi trước đó.

Cũng lời ông Đồng, trước khi tổ chức thi công chức, đơn vị tổ chức lớp ôn chuyên sâu theo đúng quy trình thi cử. Về trình tự thực hiện, các sở, ngành đăng ký nhu cầu, mô tả vị trí tuyển dụng, tiêu chuẩn bằng cấp... Sau đó các sở, ngành gửi về Sở Nội vụ thẩm định. Sau khi thẩm định xong, Sở Nội vụ báo cáo UBND TP Đà Nẵng phê duyệt số lượng và vị trí việc làm ở các sở/ngành, quận/huyện và công khai vị trí đó cho mọi người (trong và ngoài hợp đồng) đăng ký thi. Sau đó, người dự thi nộp hồ sơ cho các sở/ngành và những nơi này nộp cho Sở Nội vụ thẩm định và báo cáo UBND TP phê duyệt danh sách đủ điều kiện dự thi./.

Đọc thêm