Chủ tịch xã lý giải vụ con cháu khiêng quan tài cha đi “khiếu nại”

(PLO) - Sau khi PLVN đăng bài 'Khai hoang mấy chục năm vẫn không có đất chôn, con cháu mang quan tài cha lên trụ sở xã 'khiếu nại'', Chính quyền địa phương đã lên tiếng lý giải vụ việc này.
Con gái cụ Thuận bên bàn thờ cha.
Con gái cụ Thuận bên bàn thờ cha.

Do cán bộ cấp sổ đỏ chồng lấn?

Qua xác minh tìm hiểu ở các cán bộ xã những nhiệm kỳ trước cho thấy nguồn gốc đất tranh chấp này do cụ Thuận khai phá từ năm 1976. Sau đó, xã vận động và được cụ Thuận hiến một phần đất làm kênh thủy lợi nên phần đất bị chia làm hai mảnh. Thời kỳ đó, do đất xấu, sản xuất không hiệu quả nên cụ Thuận sang nhượng một phần, phần còn lại cụ quản lý, sử dụng. 

Đến năm 2004, ông Dương Minh Trắng (ngụ cùng địa phương) phát sinh tranh chấp với cụ Thuận phần đất bờ kênh. Hòa giải tại xã không thành. Năm 2010, tiếp tục xảy ra tranh chấp nhưng UBND xã không nắm được vụ việc. 

Cũng theo ông Lắm, hơn một tháng trước khi cụ Thuận mất, cháu nội cụ bị bệnh qua đời, gia đình đưa cháu đến an táng trên phần đất cụ Thuận đang sử dụng thì bị gia đình ông Trắng ngăn cản, với lý do “Diện tích đất này đã được chính quyền cấp sổ đỏ cho gia đình ông Trắng”. Gia đình cụ Thuận có báo UBND xã rồi đi xin đất người khác để chôn cất cháu. 

Đến ngày 6/7/2016, thấy cụ Thuận sức khỏe yếu, con gái cụ đã đến UBND xã đề nghị giải quyết tranh chấp đất, để khi cụ qua đời, gia đình an táng trên phần đất này theo nguyện vọng của cụ. 

Nhưng UBND xã không thể giải quyết nguyện vọng của con cháu cụ Thuận bởi phần đất đó đã do ông Trắng đứng tên sổ đỏ. Xã đã động viên ông Trắng để lại diện tích tranh chấp rộng trên 900m2 theo đo thực tế cho phía cụ Thuận, nhưng ông này không đồng ý Xã chỉ hòa giải bước đầu, chưa xong thì xảy ra sự việc.

Ông Lắm nói: “Về nguyên tắc, đất có tranh chấp thì phải giữ nguyên hiện trạng, không ai được làm thay đổi, chờ phán quyết của cơ quan chức năng. Cho nên khi người nhà cụ Thuận ra xây huyệt mộ, chúng tôi báo cáo cho cơ quan cấp trên, đồng thời cho lực lượng ra giữ hiện trường, không cho xây để tránh xảy ra xô xát giữa hai bên”. 

Chủ tịch xã nói tiếp: “Đến ngày 29/7, gia đình cụ Thuận đưa quan tài cụ lên trụ sở UBND xã yêu cầu giải quyết đất chôn, chúng tôi vừa thuyết phục, vừa cho lực lượng giữ trật tự, không cho gia đình đưa quan tài vào trong trụ sở UBND xã, đồng thời báo cáo cấp trên xin biện pháp giải quyết.

Cuối cùng cũng tìm được giải pháp là cho gia đình an táng cụ Thuận ở Nghĩa trang liệt sĩ của thị xã. Bên cạnh đó, do hoàn cảnh gia đình cụ Thuận quá khó khăn nên xã đã vận động hỗ trợ tiền để gia đình xây mộ cho ông”. 

Về sự xuất hiện của ông Lý Văn Quốc (Phó trưởng Công an thị xã Ngã Năm) trong thời điểm xảy ra tranh chấp, mà theo gia đình cụ Thuận là “Ông Quốc yêu cầu chúng tôi không được xây huyệt mộ nhưng lại làm ngơ cho cho vợ con ông Trắng đập phá huyệt mộ”, Chủ tịch xã xác nhận:

“Đúng là ông Lý Văn Quốc có mặt tại địa phương thời điểm xảy ra vụ việc, nhưng không can thiệp vào việc xây huyệt mộ mà đến để chỉ đạo các lực lượng bảo vệ để không xảy ra xô xát giữa hai bên”.

Về việc sổ đỏ cấp cho nhà ông Trắng năm 1994 (cấp cho mẹ ông Trắng) lại chồng lấn lên đất cụ Thuận khai phá, Chủ tịch xã phán đoán: “Vào những năm 1993-1994 cấp sổ đỏ đại trà nên ở địa phương cũng xảy ra sự cố khi đất người này lại cấp sổ đỏ cho người khác, dù người có sổ đỏ không sử dụng đất, còn người không có sổ đỏ lại trực tiếp sử dụng đất, mà cũng không ai để ý gì.

Trường hợp sổ đỏ của mẹ ông Trắng có khả năng cũng như vậy. Vào thời điểm đó, đất bỏ hoang nhiều nên khi cấp sổ đỏ chủ yếu dựa trên bản đồ không ảnh. Đất nhà ông Trắng sát phần đất cụ Thuận quản lý, có lẽ thấy đất mọc đầy cỏ, cán bộ nghĩ là đất của nhà ông Trắng nên cấp luôn sổ đỏ chồng lên, nay mới xảy ra sự rắc rối này”.

Ông Lắm cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mời hai gia đình lên hòa giải, nếu không thành sẽ chuyển hồ sơ qua tòa án”.

Hàng xóm tranh chấp nói gì?

Còn theo ông Dương Minh Trắng, phần đất tranh chấp là của mẹ ông quản lý, sử dụng từ trước năm 1975, được cấp sổ đỏ năm 1994. Năm 2003, bà cụ chuyển nhượng một phần cho cháu ngoại, đến năm 2008 thì chuyển quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất còn lại cho ông. Ông Trắng phủ nhận mảnh đất do cụ Thuận khai phá, sử dụng năm 1976 như gia đình cụ Thuận nói.

Về tranh chấp năm 2004, ông Trắng cho rằng lúc đó sổ đỏ dứng tên mẹ ông nên ông không liên quan. Còn năm 2010, ông cho người trồng cây trên đất thì gia đình cụ Thuận ngăn cản, nhưng sau đó “không thấy ai nói gì nữa”.

Theo ông: “Năm 2004, xảy ra tranh chấp bờ kênh nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó chứ không bên nào thưa tiếp bên nào. Năm 2010, tôi trồng cây tràm thì tiếp tục xảy ra tranh chấp, cũng dừng lại như lần trước. Đến tháng 6/2016 và tháng 7/2016 mới xảy ra tranh chấp quyết liệt”.

Trước câu hỏi tại sao đất của mẹ ông Trắng nhưng năm 1983 xã không hỏi bà mà lại đề nghị cụ Thuận hiến đất, ông Trắng nói: “Cái đó thì tôi không thể biết vì sao. Tôi chỉ biết trong hồ sơ kê khai khi tách sổ đỏ cho đứa cháu ngoại, mẹ tôi khai nguồn gốc đất là của mẹ tôi có từ trước 1975 cho đến sau này, được chính quyền địa phương xác nhận”. 

Về tranh chấp những ngày vừa qua, ông Trắng giãi bày: “Thực tình tôi cũng băn khoăn lắm. Khi xảy ra tranh chấp, tôi thấy sổ đỏ thể hiện đất của mẹ tôi nên không đồng ý đó là đất của cụ Thuận. Thậm chí sau những lần xảy ra tranh chấp đó, phía cụ Thuận cũng chỉ có ý kiến khi tranh chấp, sau đó im lặng luôn”. 

Ông cho hay: “Lúc con cụ Thuận có ý chôn cụ trên đất, nếu không có tranh chấp, tôi sẵn sàng cho gia đình chôn cụ trên đất đó. Nhưng vì đã có tranh chấp nên tôi không đồng ý. Thậm chí khi con cháu cụ Thuận đề nghị cứ cho chôn, khi nào chính quyền phân xử đất đó là của tôi, họ sẵn sàng bốc mộ đi, tôi cũng không đồng ý bởi đất đó trong sổ đỏ là của tôi. Bây giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm làm rõ, nếu kết luận đó là đất của cụ Thuận thì tôi sẽ trả thôi”./.

Đọc thêm