“Chùa không có sư“: Hệ quả dai dẳng từ việc cán bộ xã xác nhận “ẩu“

(PLO) - Cả trăm người dân thôn Nhân Vinh, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đã có đơn hoặc trực tiếp đề nghị lãnh đạo xã phải “rút” xác nhận thiếu căn cứ về hoạt động của Đại đức Thích Giác Nghĩa tại chùa Minh Quang (thôn Nhân Vinh). Nhưng cả năm nay, lãnh đạo xã vẫn “im lặng” trước kiến nghị này.
Chùa Minh Quang hiện không có sư trông nom và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.
Chùa Minh Quang hiện không có sư trông nom và phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân địa phương.

Sư phải dời chùa vì lãnh đạo xã xác nhận “ẩu” ?

Như PLVN đã từng thông tin, vào năm 2010, sau khi được sự đồng ý của thôn, xã và một số cơ quan cấp huyện, phật tử thôn Nhân Vinh đã đón Đại đức Thích Giác Nghĩa về trông nom, phục vụ tín ngưỡng tại chùa Minh Quang.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2017 thì Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Hưng Yên đã có văn bản yêu cầu Đại đức Thích Giác Nghĩa bàn giao chùa Minh Quang cho Ban hộ tự nhân dân phật tử địa phương quản lý. Không được phép đi lại phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân tại chùa Minh Quang nữa.

Một trong những căn cứ để GHPGVN tỉnh Hưng Yên đưa ra yêu cầu trên là “Đơn đề nghị” của bà Vũ Thị Toan (thôn Nhân Vinh) và ý kiến của UBND xã Dị Sử. Phản đối căn cứ trên, hàng trăm người dân thôn Nhân Vinh đã có văn bản khẳng định đơn phản ánh của bà Toan là sai sự thật nhằm bôi nhọ, vu khống Đại đức Thích Giác Nghĩa.

Đặc biệt, trong khi chưa tiến hành xác minh, kết luận về hoạt động tín ngưỡng của Đại đức tại địa phương thì không hiểu vì động cơ gì, ông Nguyễn Đức Thắng (Phó Chủ tịch UBND xã Dị Sử) và ông Nguyễn Đức Tâm (Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dị Sử) đã vội vàng ký tên, đóng dấu xác nhận vào đơn trên với nội dung “nội dung trong đơn là có. Kính chuyển GHPGVN tỉnh Hưng Yên xem xét giải quyết”.

Bức xúc trước nội dung xác nhận thiếu trách nhiệm này, hàng chục phật tử đã nhiều lần kéo đến trụ sở UBND xã Dị Sử, đề nghị được đối chất với lãnh đạo xã nhằm bảo vệ danh sự cho Đại đức; đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Thắng và ông Nguyễn Đức Tâm.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Dị Sử từng thừa nhận: Đơn của bà Toan có nhiều nội dung. Tuy nhiên, trong khi chưa được làm rõ đúng sai thì Phó Chủ tịch UBND xã và Chủ tịch MTTQ xã đã vội vàng xác nhận vào đơn này. Đây là thiếu sót và chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Người dân thôn Nhân Vinh đến trụ sở UBND xã đề nghị lãnh đạo xã rút lại xác nhận ẩu về sư Nghĩa
Người dân thôn Nhân Vinh đến trụ sở UBND xã đề nghị lãnh đạo xã rút lại xác nhận ẩu về sư Nghĩa

Xử lý đơn thư sai quy trình?

Tuy nhiên, cái mà người dân quan tâm không chỉ là việc lãnh đạo xã kiểm điểm hay rút kinh nghiệm mà vấn đề chính là việc “khắc phục hậu quả” như thế nào?

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đình Báu (nguyên Bí thư Chi bộ thôn Nhân Vinh) cho biết, vào năm 2014 đã từng xuất hiện đơn thư có nội dung tương tự như đơn năm 2017. Lúc đó, chính ông Nguyễn Đức Thắng (Phó Chủ tịch UBND xã Dị Sử) và ông Nguyễn Đức Tâm (Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dị Sử) đã chủ trì cuộc họp nhằm giải quyết vụ việc với thành phần họp khá đầy đủ, gồm: Ni trưởng Thích Đàm Nga, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Mỹ Hào; người có đơn (bà Yên); người bị phản ánh (Đại đức Thích Giác Nghĩa); trưởng Công an xã; Cán bộ Tư pháp, Cán bộ công an huyện phụ trách xã, Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn; Các đoàn thể thôn, Ban Trị sự chùa Minh Quang…

Tại cuộc họp này thì sư cụ Thích Đàm Nga đã khẳng định, “sư thầy Thích Giác Nghĩa vẫn thực hiện đúng theo giáo pháp của nhà phật, không có gì sai”. Sau đó, cuộc họp thống nhất kết luận: đơn bà Yên có những vấn đề có, có những vấn đề không có. Đề nghị bà Yên xem xét tránh đơn thư vượt cấp gây mất an ninh trật tự địa phương. Đề nghị trình GHPGVN tỉnh Hưng Yên để Đại đức Thích Giác Nghĩa có quyết định chính thức.

Theo ông Báu, rõ ràng ông Tâm và ông Thắng hoàn toàn biết rõ về quy trình giải quyết đơn kiến nghị của phật tử đối với Đại đức (tổ chức họp, nghe ý kiến, kết luận…) và hai ông này đã từng đề nghị công dân “tránh đơn thư vượt cấp”. Tuy nhiên, không hiểu sao 3 năm sau, khi nhận được đơn của bà Toan thì ông Tâm và ông Thắng lại xác nhận thẳng vào đơn (không tổ chức họp giải quyết tại địa phương) để chuyển vượt cấp lên tỉnh? Đằng sau việc cố tình làm sai quy trình và xác nhận “ẩu” trong vụ việc này là gì?

Còn khi trao đổi với phóng viên, Đại đức Thích Thông Đạt - Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên cho hay, thông thường, khi nhận được đơn thư phản ánh về hoạt động của sư tại các chùa trên địa bàn thì GHPGVN tỉnh Hưng Yên sẽ chuyển đơn thư về GHPG huyện hoặc chính quyền địa phương xác minh, giải quyết. Nhưng vào năm 2017, đơn của bà Toan (có xác nhận của Phó Chủ tịch và Chủ tịch MTTQ xã) đã được một số người “đưa thẳng” cho Thượng tọa Thích Thanh Hiện (Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hưng Yên). Sau đó, Thượng tọa đã ký văn bản yêu cầu Đại đức Thích Giác Nghĩa bàn giao chùa Minh Quang cho nhân dân quản lý.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, tại sao đơn thư của bà Toan chỉ được xác nhận sơ sài, thiếu căn cứ như trên lại không được GHPGVN tỉnh Hưng Yên chuyển về địa phương xác minh, kết luận một cách “danh chính, ngôn thuận”? Làm được điều này thì chắc chắn các phật tử sẽ “tâm phục, khẩu phục” và không chỉ tránh đơn thư phức tạp như hiện nay mà còn góp phần bảo vệ danh dự, uy tín của chính thành viên của GHPGVN.

Nhân chứng không đồng ý với quyết định không khởi tố

Cho rằng mình bị bà Toan gửi đơn có nội dung không đúng sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm, Đại đức Thích Giác Nghĩa (tên tục Trần Duy Khương) đã có đơn tố cáo bà Vũ Thị Toan về hành vi khống.

Ngày 19/7/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Hào có “Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm” cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Hào đã ra Quyết định “không khởi tố vụ án” do hành vi của bà Toan không cấu thành tội phạm.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Đình Báu (nguyên Bí thư Chi bộ thôn Nhân Vinh) cho biết, tôi và hơn chục người khác đã được CQĐT lấy lời khai về vụ việc với tư cách là nhân chứng. Là những người trực tiếp chứng kiến hoạt động của Thầy Nghĩa tại Chùa, chúng tôi đều khẳng định nội dung đơn của bà Toàn là sai sự thật, làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của người tu hành. Hơn nữa, bà Toan là người không biết chữ, cũng không bao giờ ra chùa thì biết gì mà phản ánh về các hoạt động tín ngưỡng tại chùa? biết thầy cúng lễ thế nào là đúng, thế nào là sai mà đề nghị?...

Chúng tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai của mình và không đồng ý với kết luận của CQĐT Công an huyện Mỹ Hào, đề nghị cơ quan này phải xác định rõ hành vi của bà Toan “không cấu thành tội phạm” cụ thể như thế nào? Bà này không có hành vi vu khống, hay có việc vu khống nhưng hành vi này chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đọc thêm