Cơ sở sản xuất bún, bánh ướt “hành” hàng xóm

(PLO) - Gần 100 hộ dân thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế suốt 4 năm qua bị cơ sở sản xuất bún tại địa phương này “đầu độc” vì mùi hôi thối trong quá trình sản xuất.
Nước từ cơ sở sản xuất “vô tư” được thải ra ngoài
Nước từ cơ sở sản xuất “vô tư” được thải ra ngoài

“Sống trong sợ hãi” là cụm từ được nhiều người dân thôn Tây Thượng nói đến nhiều nhất khi nhắc đến cơ sở sản xuất bún và bánh ướt này. Ngôi nhà của anh Lê Quang sát ngay phía sau cơ sở sản xuất bún tuy mới xây khang trang nhưng anh phải đóng kín cửa cả ngày vì mùi hôi thối. 

Dẫn chúng tôi ra phía sau cơ sở làm bún, anh Quang cho biết, cứ buổi đêm là cơ sở này lại bắt đầu hoạt động đến gần sáng, đây cũng là thời điểm mà những người làm bún  bắt đầu xả nước thải ra ngoài.

Tại khu vực mà anh Quang dẫn chúng tôi đến, do không có bể chứa nên cơ sở này đục một lỗ và cho nước thải  “vô tư” xả ra bên ngoài môi trường,  khu vực xả thải khá hẹp lại không có lối thoát nên nước thải bị ứ đọng ngay sát khu dân cư và bốc mùi hôi thối. Nhiều lớp váng đen đặc quánh nổi lên trên, cùng với đó là nhiều lớp nước màu trắng đục với mùi chua khó chịu. Đây có thể là mùi của những chất làm trắng bún nên mới khó chịu như vậy. Bình thường cũng đã hôi rồi, nếu có gió từ ngoài sông thổi vào thì không chịu được nên nhà tôi ngày nào cũng đóng cửa kín mít”, anh Quang nói.

Nhà ông Nguyễn Xuân tuy cách khá xa cơ sở sản xuất bún nhưng vẫn bị mùi hôi thối “tấn công” hàng ngày. Ông Xuân cho hay, cơ sở nói trên ngoài làm bún còn làm cả bánh ướt, việc ô nhiễm đã diễn ra khoảng 4 năm nay, người dân đã nhiều lần phản ánh lên thôn, nhưng cũng chỉ hòa giải vì người làng không muốn làm lớn chuyện. Tuy vậy, cơ sở này vẫn không có cách để giảm thiểu mùi hôi.

Theo ông Xuân, nhiều nhà ở gần cơ sở làm bún thường “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì luôn đóng cửa vì mùi hôi. Nhiều nhà có trẻ em vì lo sợ sức khỏe phải sơ tán tối mới đón về.

Những hộ dân sống gần cơ sở làm bún cho hay, khi xả ra ngoài trời vì không có nơi thoát nên nước ứ đọng lại, khi mưa xuống số nước thải này lại tràn ra đường chảy vào nhà dân. Những hộ dân có trồng cây trong sân cũng bị chết vì ảnh hưởng bởi nước thải. “Gần nơi sản xuất hầu như cây nào cũng chết, đến cây Na Dương khó chết như vậy mà còn không chịu được thì huống gì mình”, một người dân phản ánh. 

Ông Nguyễn Hữu Toàn  - Phó Chủ tịch xã Phú Thượng cho biết, cơ sở sản xuất bún và bánh ướt trên là của ông Tạ Quang Trung mở tự phát hơn 4 năm nay. Xã đã từng nhắc nhở và lập biên bản hòa giải, phía ông Trung cũng đã cam đoan không xả ra môi trường, nhưng cơ sở không thực hiện được.

Theo ông Toàn, sau khi người dân phản án, xã đã từng đề nghị khắc phục bằng cách đào hầm rút, xử lý nước thải, nhưng hiện tại do chưa có khu sản xuất tập trung nên cơ sở này chưa thực hiện được.

Ông Châu Quang Hùng – cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường xã cho biết, đã hướng dẫn những hộ dân gửi đơn lên lên Phòng Cảnh sát môi trường bởi xã không đủ điều kiện để đánh giá… 

Đọc thêm