Công trình đoạt Giải thưởng KHCN bị Đăng kiểm “trói chân”?

(PLO) - Ngày 15/5 vừa qua,  Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN).. tổ chức Lễ công bố các công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2016. 
Tàu H38 do Cty Cp Việt Séc sản xuất đang đề nghị được làm thủ tục đăng kiểm
Tàu H38 do Cty Cp Việt Séc sản xuất đang đề nghị được làm thủ tục đăng kiểm

Hai doanh nghiệp đoạt giải thưởng “kêu cứu”

Ngày 15/5 vừa qua,  Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ (KH-CN).. tổ chức Lễ công bố các công trình đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2016. Theo đó, 1 trong 4 công trình được trao giải Nhất là “Chế tạo tàu khách bằng vật liệu mới PPC với 56 chỗ ngồi” của tác giả Nguyễn Kim Sơn (Hà Nội). Theo Ban tổ chức, giải thưởng VIFOTEC nhằm khuyến khích các nhà KHCN đi sâu nghiên cứu, áp dụng các thành tựu KHCN  hiện đại và công nghệ thích hợp, đang áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp…

Cũng cần nói thêm rằng, cách đây 5 năm, sản phẩm ca nô chế tạo bằng vật liệu PPC của Cty CP Công nghệ Việt- Séc (Vũng Tàu) cũng đã được được Bộ KHCN tặng Cúp vàng tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế (Techmart).

Tuy nhiên, mới đây thì đại diện của hai doanh nghiệp này đều lên tiếng phản đối việc Bộ GTVT ban hành Thông tư 43/2016 (Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC)”, trong đó chỉ cho phép đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC chở đến 12 người và dài dưới 20m

Theo ông Vũ Văn Đảo (Giám đốc Cty Cp Việt Séc) thì việc giới hạn kích thước tàu như trên là bất hợp lý. Những tàu do Cty sản xuất và được đăng kiểm hiện có kích thước dưới 10m thì đã được chở đến 12 người. Vì vậy, những chiếc tàu lớn hơn cần phải được tăng sức tải nếu kết quả tính toán thiết kế bảo đảm an toàn”.

Còn ông Nguyễn Kim Sơn (Chủ tịch HĐQT Cty James Boat) cho biết: “Trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43, chúng tôi đã kiến nghị loại bỏ nội dung hạn chế số người trên tàu đến 12 người vì việc này dẫn đến không thể ứng dụng vật liệu PPC trong việc chế tạo tàu khách, du thuyền… Thực tế tàu tuần tra cao tốc PPC do Cty đóng mới cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn định…”.

Thế giới chưa làm thì Việt Nam không được làm?  

Phát biểu trên một số báo nhằm lý giải quy định của Bộ GTVT, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho rằng: trên thế giới, chưa có nước nào hay tổ chức đăng kiểm nào có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC và vật liệu này mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17 m, sức chở tối đa không quá 12 người.

Đại diện Cục ĐKVN còn cho rằng, vật liệu PPC có những nhược điểm cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong đóng tàu thuyền. Đối với 2 tàu khách được cấp đăng kiểm để đưa vào sử dụng thử nghiệm trong thời gian qua là Ferry 42 (sức chở tối đa 32 người) và Ferry 56 (sức chở tối đa 56 người) thì cả hai phương tiện đều bị sự cố (đã khắc phục)... Việc sử dụng 2 tàu này mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng.

Chính vì vậy, Cục ĐKVN cho rằng chưa thực sự có đầy đủ các cứ liệu khoa học cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy nội địa có kích cỡ lớn hơn 12m và sức chở hơn 12 người.

Không đồng ý với quan điểm trên, ông Vũ Văn Đảo cho rằng, ”đáng lẽ, Cục ĐKVN phải kiểm tra hồ sơ, tính toán thiết kế tàu và cử người kiểm tra xem tàu thuyền Cty sản xuất thế nào để quyết định cho đăng kiểm hay không. Việc cho rằng thế giới chưa có nước nào, cơ quan đăng kiểm nào sản xuất và đăng kiểm tàu PPC chở trên 12 người nên không tiến hành đăng kiểm ở Việt Nam là không có căn cứ khoa học. Hơn nữa, chiếc tàu Ferry 42 và Ferry 56 sử dụng thử nghiệm không thành công không phải do lỗi vật liệu mà là do lỗi tính toán thiết kế và lỗi người giám sát, kiểm tra. Vật liệu nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Người thiết kế sản xuất tàu phải biết tận dụng ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của vật liệu. Không vì lỗi của hai chiếc tàu Ferry42 và Ferry 56 mà dừng không cho doanh nghiệp phát triển tàu thuyền sức chở lớn hơn.

Theo ông Đảo, mục đích của tiêu chuẩn quy phạm là để thuận tiện cho người sản xuất, cho cơ quan quản lý, đăng kiểm dễ kiểm tra, giám sát chứ không phải là điều kiện bắt buộc phải có mới đăng kiểm được sản xuất vì sản phẩm có trước, tiêu chuẩn quy phạm có sau. Hơn nữa, bản chất đăng kiểm là một dịch vụ kỹ thuật. Vì vậy, cần cải tổ và đổi mới tổ chức đăng kiểm, tạo ra môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế để dịch vụ đăng kiểm song hành cùng doanh nghiệp…

Được biết, những kiến nghị này đã được Cty Cp Việt Séc gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đơn vị này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào sáng nay (17/5). 

Đọc thêm