Cựu chiến binh hơn 5 năm mòn mỏi chờ công lý

(PLO) - Bị chiếm đoạt tài sản trái phép đã hơn 5 năm, ông Hoàng Phan Cao (SN 1937, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp) vẫn mòn mỏi chờ công lý. Thế nhưng các cơ quan tố tụng có thẩm quyền lại quá chậm trễ xử lý vụ việc khiến người dân mệt mỏi đến phát bệnh.
Ông Hoàng Phan Cao đang mang bệnh nhưng 
vẫn hàng ngày mòn mỏi chờ xử lý vụ việc
Ông Hoàng Phan Cao đang mang bệnh nhưng vẫn hàng ngày mòn mỏi chờ xử lý vụ việc

Trắng tay vì tranh chấp... của người khác.

Trình bày với PV, ông Cao cho biết, sau khi về hưu ông mở doanh nghiệp kinh doanh có tên Tân Sơn Cao. Năm 2001, ông thuê khu nhà, đất tại địa chỉ 175/9 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh của bà Kim Hường (ngụ quận 1, TP.HCM) để mở nhà hàng tiệc cưới. Hợp đồng kéo dài đến tháng 3/2010.

Thế nhưng năm 2009, bà Kim Hường lại bán khu nhà, đất này cho vợ chồng bà Trần Thị Kim Phượng (ngụ quận 10). Ngày 7/4/2009, vợ chồng bà Phượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở với gần một nửa diện tích. Khi hết hạn hợp đồng với bà Hường, ông Cao đã hợp đồng thuê mới với vợ chồng bà Phượng để tiếp tục kinh doanh.

Ngày 25/4/2011, khi nhà hàng của ông Cao chỉ có 1 người bảo vệ đang trông coi, bà Hường bất ngờ cho người phá khóa xông vào, đuổi người bảo vệ ra, không cho ông Cao vào lấy bất cứ giấy tờ, tài sản nào của gia đình và doanh nghiệp. 

“Ngoài đồ dùng nhà hàng tiệc cưới, tạm tính khoảng 1 tỷ đồng, trong phòng ngủ còn có 1 két sắt chứa toàn bộ giấy tờ cá nhân, hồ sơ doanh nghiệp cùng 800 triệu đồng tiền mặt, 24 lượng vàng SJC, một số nữ trang và huân, huy chương của ông. Sau khi bị chiếm giữ tài sản, ông Cao đã trình báo với cơ quan Công an đồng thời yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng vụ việc”, ông Cao trình bày.

Theo vi bằng lập vào sáng 26/4/2011, bà Hường thừa nhận sự việc là do bà thực hiện và “chỉ cho ông Cao vào lấy tài sản khi giải quyết xong tranh chấp, hoặc khi vợ chồng bà Phượng trả hết tiền mua nhà còn thiếu”. 

Như vậy, dù việc tranh chấp xảy ra giữa bà Hường và vợ chồng bà Phượng hoàn toàn khác với hành vi chiếm giữ tài sản của ông Cao, cần được cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ, nhưng đã hơn 5 năm qua, vụ việc của ông Cao vẫn chưa được giải quyết, mặc cho đã có rất nhiều đơn yêu cầu, khiếu nại, tố cáo được gửi đi.

Từ trước năm 2011, ông Cao là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện giữa bà Hường và vợ chồng bà Phượng, nhưng cho tới nay những yêu cầu độc lập đối với tài sản của ông Cao lại không được TAND quận Bình Thạnh xem xét, không cho ông Cao nộp tạm ứng án phí để được giải quyết trong vụ kiện. Ông Cao không hiểu lý do tại sao có sự vô lý như vậy.   

“Nhầm” hay “tắc trách”?

Ông Cao cho biết, trong 5 năm tài sản của ông bị chiếm giữ, bà Hường đã cải tạo lại 90% kiến trúc bên trong khu nhà đất tranh chấp, đồ đạc có giá trị của ông, gia đình và doanh nghiệp đã bị mất hết. Những đồ dùng gia đình đã bị hư hỏng, hồ sơ doanh nghiệp bị phân hủy, không thể sử dụng được và đặc biệt là niêm phong két sắt đã  không còn.  

Trong lần xem xét thẩm định tại chỗ ngày 7/3/2012, TAND quận Bình Thạnh chỉ cho các bên có tranh chấp, xem xét tình trạng đồ đạc ở các phòng, sau đó tiến hành niêm phong ở cửa phòng. 

Sau rất nhiều lần ông Cao yêu cầu, mãi đến năm 2015, TAND quận Bình Thạnh mới tiếp tục cho thẩm định tại chỗ tình trạng két sắt. Kết quả là két sắt không có niêm phong. Sau khi thẩm định xong, chỉ có căn phòng chứa két sắt được TAND quận Bình Thạnh dán niêm phong. Ông Cao yêu cầu giám định việc két sắt có bị xâm hại bởi người ngoài hay không.  

Mãi tới tháng 8/2016, sau khi ông Cao nhiều lần yêu cầu thẩm định, TAND quận Bình Thạnh mới tiến hành đưa két sắt đến phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM để giám định, có sự chứng kiến của ông Cao. Tại trụ sở Công an TP.HCM, ông Cao đã trực tiếp mở két sắt và hoàn toàn bị sốc khi thấy bên trong két sắt không còn gì.  

Ông Cao cho biết, mặc dù két sắt không còn niêm phong nhưng trong các văn bản liên quan do thẩm phán giải quyết vụ kiện và cán bộ giám định phát hành, lại không ghi nhận đúng tình trạng thực tế đó.  

Trong Quyết định trưng cầu giám định số 591/2016 ngày 11/5/2016 do Thẩm phán Nguyễn Thanh Vân ký lại ghi: “. . . thực hiện giám định hiện trạng thực tế của 01 (một) két sắt đã được niêm phong ngày 05/11/2015 nằm tại căn phòng nằm bên phải từ hẽm nhìn vào tại địa chỉ : 175/9 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được niêm phong cùng ngày”.

Việc ghi như vậy đã làm cho người không biết vụ việc, ngộ nhận là két sắt có dán niêm phong. 

Kết luận giám định số 892/KLGĐ-TT ngày 24/10/2016 của phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM tại phần đối tượng giám định ghi: “01 két sắt màu xám, hiệu FORESTIER FRERES kích thước 518mm x 702mm x 1197mm ở trạng thái cửa két sắt mở và 01 chìa khóa bằng kim loại màu bạc của két sắt (Két sắt khi gửi đến giám định trong tình trạng niêm phong, cửa két sắt ở trạng thái đóng. . .”. 

Theo ông Cao, có một sự bịa đặt rõ ràng ở đây, khi văn bản này còn ghi Thẩm phán Vân dùng chìa khóa két sắt, sử dụng mật mã để mở két sắt, trước sự chứng kiến của ông Cao. Trong khi đó ông Cao khẳng định chính ông là người mở két sắt. 

Để làm rõ vụ việc, phóng viên đã liên hệ với Thẩm phán Vân. Khi được hỏi, tại sao trong các văn bản trước đó đều xác nhận két sắt không có niêm phong, nhưng tại văn bản yêu cầu thẩm định và kết luận giám định, lại ghi két sắt có niêm phong ? 

Thẩm phán Vân cho biết, có thể do người ghi biên bản “nhầm” về câu từ. Ông Vân cho biết thêm, hôm tiến hành mở két sắt ông đã giúp ông Cao mở két sắt vì ông Cao lúc đó rất yếu. Đồng thời ông Vân cho rằng nếu ông Cao không đồng ý với kết quả giám định có thể làm đơn gửi lên Tòa, để Toà có các bước xử lý tiếp theo. 

Nói về vụ việc, luật sư Huỳnh Thế Tân, người bảo vệ quyền lợi cho ông Cao cho biết đã theo sát vụ việc từ lúc mới xảy ra. Luật sư Tân xác nhận ông Cao đã gửi nhiều văn bản, xác định yêu cầu độc lập trong vụ kiện nhưng tới nay vẫn không được làm bất kỳ thủ tục nào để được nộp tiền tạm ứng án phí mà không biết vì lý do gì.

Luật sư Tân cũng xác nhận tình trạng chiếc két sắt đúng như ông Cao báo cáo đồng thời việc ông Cao đã đầu tư rất nhiều tài sản trên khu đất thuê, từ khi còn hợp đồng với bà Hường, nhưng không được ghi nhận những thay đổi thực tế, do đã bị bà Hường làm thay đổi trong các biên bản thẩm định tại chỗ. 

Luật sư Tân cho rằng, việc ông Cao bị chiếm đoạt tài sản nhiều năm nay, là điển hình của việc coi thường pháp luật, sự chậm trễ giải quyết dẫn đến tình trạng ông Cao mòn mỏi chờ đợi đến mức sinh bệnh thể hiện sự bất lực của cơ quan tố tụng? 

Luật sư Trần Đức Phượng - Đoàn luật sư TP HCM nhận định, trong vụ việc này cần xác định lỗi trong quá trình nhận, bàn giao, quản lý tài sản của đương sự không đúng quy định Bộ luật dân sự hoặc do hành vi phạm pháp luật của họ thì họ phải chịu trách nhiệm. Người có yêu cầu cần đề nghị Tòa thu thập chứng cứ và triệu tập, lấy lời khai, đưa người có liên quan tham gia vào tố tụng. Trường hợp người tiến hành tố tụng không thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương sự có quyền thay đổi người tiến hành tố tụng để vụ việc giải quyết đúng thời hạn theo quy định pháp luật. 

Đọc thêm